Xây dựng văn minh đô thị, nên quan tâm từ những việc nhỏ

Mặc dù không mới nhưng văn minh đô thị chưa bao giờ được xem là câu chuyện cũ. Bởi xây dựng văn minh đô thị là một tiến trình dài, đòi hỏi sự kế thừa và phát huy liên tục từ thế hệ này sang thế hệ khác. Năm 2016 là năm thứ ba liên tiếp Hà Nội thực hiện chủ đề: Trật tự và văn minh đô thị. Mặc dù công tác quản lý đô thị trên địa bàn TP Hà Nội đã có những tiến bộ rõ rệt, nhưng vẫn còn những “điểm nóng” cần được quan tâm và xử lý triệt để nhằm đưa Thủ đô Hà Nội thật sự trở thành đô thị văn minh và trật tự.

Buông lỏng trật tự xây dựng và những hệ lụy xấu

Năm 2015 vừa qua, dù là năm thứ hai Hà Nội chọn chủ đề “Năm trật tự và văn minh đô thị”, nhưng có lẽ chưa bao giờ trật tự đô thị tại Thủ đô lại “nóng” như vậy. Tình trạng xây nhà sai phép, chiếm dụng vỉa hè lòng đường, tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường ngay trong khu vực nội đô… đang ảnh hưởng hình ảnh một Thủ đô văn minh, thanh lịch. Trong năm 2016, Hà Nội tiếp tục duy trì "Năm trật tự và văn minh đô thị”. Tuy nhiên, với những gì đang diễn ra, nhiều người lo ngại khó có thể tạo ra sự chuyển biến tích cực nếu không đưa ra những giải pháp cụ thể.Một trong những vấn đề làm dư luận Thủ đô bất bình trong thời gian qua là thực trạng quản lý đô thị yếu kém, trật tự xây dựng bị buông lỏng,… Trong đó, có thể kể đến Dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê do Công ty cổ phần may Lê Trực làm chủ đầu tư tại số 8B Lê Trực (quận Ba Đình). Đây là công trình sai phạm nghiêm trọng so với giấy phép được cấp. Nhiều người dân khi chứng kiến sự việc trên đã thẳng thắn chia sẻ rằng, không bao giờ có chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” nếu như chính quyền không buông lỏng quản lý, thậm chí “làm ngơ” trước các sai phạm. Trước “sức nóng” của dư luận, tại kỳ họp HĐND thành phố khóa 14, lãnh đạo TP Hà Nội đã nêu rõ còn hạn chế, yếu kém trong quản lý xây dựng. Đồng thời, chỉ ra hàng loạt công trình, dự án xây dựng vi phạm nổi cộm ở Thủ đô như: Dự án chung cư 88 Láng Hạ (quận Đống Đa); Dự án xây dựng công trình trụ sở văn phòng làm việc, dịch vụ công cộng và nhà ở tại tổ 50 Yên Hòa (quận Cầu Giấy); Dự án cải tạo, nâng cấp khu vui chơi, giải trí bán đảo hồ Đống Đa… Điểm chung của những công trình sai phạm nêu trên là triển khai dự án sai với giấy phép đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chậm, thậm chí là chây ỳ trong quá trình khắc phục sai phạm. Bên cạnh đó, nhiều người cũng lo ngại việc “thả phanh” cho xây dựng các trung tâm thương mại khổng lồ, những tòa cao ốc chót vót, với số dân có thể lên đến hàng chục nghìn người. Một số chuyên gia trong lĩnh vực kiến trúc, xây dựng cho rằng, những dự án này đang gia tăng áp lực lên hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội… Việc dồn nén mật độ xây dựng cũng như quá tải về dân số đã nảy sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng tới giao thông, giáo dục, phòng, chống cháy nổ. Đó là thực trạng giao thông bị “tê liệt”, người dân phải “bò” từng mét đường trong giờ cao điểm, tình trạng cháy nổ liên tiếp tại khu đô thị Xa La, Linh Đàm và việc phụ huynh phải xếp hàng từ sáng sớm, tranh nhau mua hồ sơ xin học cho con… thời gian vừa qua.Để thực hiện được tiêu chí “Trật tự và văn minh đô thị”, những nhà quản lý cần bảo đảm tính công bằng, ở đâu sai, ở đó phải chịu phạt, bị xử lý đúng quy định của pháp luật. Có như vậy mới thể hiện được tính thượng tôn pháp luật và làm gương cho người dân học tập, từ đó, ý thức xã hội mới dần được cải thiện.

Người dân tham gia giao thông ở Hà Nội thường xuyên phải đi lên vỉa hè vì đường ùn tắc.

Văn minh từ những điều nhỏ bé

Để Hà Nội xứng đáng là Thủ đô thanh lịch, đạt được mục tiêu văn minh và trật tự, nhiều ý kiến cho rằng, nên bắt đầu thực hiện khẩu hiệu trên từ những điều nhỏ bé mà ai cũng có thể nhìn thấy. Đó là việc làm sao để dẹp nạn hàng quán lấn chiếm vỉa hè, các bãi gửi xe chặt chém khách ở khu vực phố cổ mọc tràn lan, người dân tham gia giao thông không bị ùn tắc… Chỉ cần đi một vòng quanh các tuyến phố ở khu vực quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa có thể thấy vô số các cửa hàng kinh doanh “thò thụt”, có nơi còn chiếm dụng cả lòng đường, gây ảnh hưởng nghiêm trọng giao thông và việc đi lại của người dân. Một số gia đình có cửa hàng, hoặc cho thuê cửa hàng kinh doanh mặt phố đã ngang nhiên chiếm dụng vỉa hè làm nơi hoạt động. Lấy thí dụ từ đường Đê La Thành (quận Đống Đa, Hà Nội), các hộ kinh doanh đồ gỗ gia dụng, sắt thép thoải mái bày vật liệu, gia công trực tiếp trên khu vực dành cho người đi bộ. Lượng bụi thải từ các hoạt động gia công thép, đục đẽo, đánh véc-ni đồ gỗ diễn ra trên lề đường và thậm chí cả dưới lòng đường. Một điển hình khác về tình trạng lấn chiếm vỉa hè có thể kể đến là phố Đội Cấn (quận Ba Đình). Cũng là một con phố nhỏ, nhưng đã nhiều năm nay, người dân tại đây luôn “tận dụng” tối đa vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán, để xe… khiến những tấm biển cấm của các cơ quan chức năng trở nên “dư thừa”. Khu phố đi bộ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) kể từ khi đưa vào khai thác nảy sinh nhiều bất cập như tình trạng chèo kéo du khách nước ngoài. Đặc biệt là hiện tượng các quán “shisha vỉa hè” mọc lên ồ ạt, lấn chiếm lối đi, gây mất mỹ quan đô thị. Mỗi chiều tối, nhiều dãy bàn ghế được kê ra vỉa hè để kinh doanh loại mặt hàng này. Những chiếc bình shisha đủ mầu sắc, đủ hương vị nhưng không có nhãn mác và không hề được kiểm duyệt được nhiều người ung dung sử dụng. Anh Dương Hiệp (37 tuổi), một người dân sinh ra và lớn lên ở Hà Nội chia sẻ: “Tôi nghĩ, muốn Hà Nội được văn minh và trật tự, trở thành một thành phố đáng sống cần thực hiện nghiêm chỉnh những điều nhỏ bé trong cuộc sống hằng ngày để không gây bức xúc cho người dân. Đơn cử như chuyện chiếc xe buýt thường xuyên xả khói đen mù mịt vào thẳng mặt người đi đường gây khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe”.Những năm gần đây, cơ sở hạ tầng giao thông có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, một điều mà những người dân Thủ đô đang phải đối mặt là nạn ùn tắc, đặc biệt vào các giờ cao điểm. Vào những khung giờ tan tầm, việc đi lại không khác gì một “cực hình”. Bên cạnh đó, văn hóa giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân Thủ đô ngày càng tụt hậu tới mức đáng báo động. Dù ở khu vực phố cổ như Hàng Bông, Hàng Gai… hay những tuyến đường vành đai như Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương…, nơi đâu cũng xuất hiện tình trạng người dân không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông. Tình trạng này phổ biến tới nỗi, ở nhiều ngã ba, ngã tư, nhiều người ngang nhiên bấm còi, luồn lách vượt đèn đỏ, gây nguy hiểm và làm gia tăng khả năng tắc nghẽn vào khung giờ cao điểm. Ở một số tuyến phố có đặt dải phân cách cứng, một lượng người không nhỏ “ung dung” đi vào làn đường ngược chiều, bất chấp hiệu lệnh từ lực lượng chức năng. Mỗi khi xảy ra va chạm giao thông, nhiều người sẵn sàng buông lời lăng mạ, nói tục, hay thậm chí xô xát, gây thương tích cho người khác và dẫn tới cả những vụ án đau lòng.Tất cả người dân đều đang hy vọng có một đáp số cho bài toán văn minh đô thị. Các nhà quản lý nên có một lộ trình cụ thể, tránh ôm đồm, lựa chọn một số vấn đề ưu tiên, đơn giản và có tính khả thi nhất. Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng của xây dựng văn minh đô thị cũng chỉ là nhằm phục vụ lại con người một cách tốt nhất.

Theo (Báo Nhân Dân)

Nguồn Pháp Luật Plus: http://www.phapluatplus.vn/xay-dung-van-minh-do-thi-nen-quan-tam-tu-nhung-viec-nho-d6170.html