Xây dựng mô hình nông thôn mới: Còn nhiều bất cập! - Kỳ II: Nhân vật chính bị... ra rìa

Vì Chương trình xây dựng nông thôn mới chủ yếu là các dự án XDCB nên thành phần tham gia, thời lượng tham gia, tiếng nói quyết định cũng do các cấp, các ngành nắm giữ vai trò chủ đạo. Ban Quản lý xây dựng nông thôn mới xã thường do Chủ tịch UBND xã đứng đầu, dưới có kế toán, thành viên của các ban, ngành trong xã, dưới nữa có các trưởng thôn, dưới cùng mới đến lượt đại diện cộng đồng dân cư chiếm một tỷ lệ ít ỏi và đã được tuyển chọn theo tiêu chí ôn hòa nhất. Ban quản lý lại được chính UBND xã và các Ban cấp trên chỉ đạo, quản lý mọi mặt hoạt động... Như vậy, nông thôn muốn đổi mới cũng khó, còn nông dân muốn làm chủ công cuộc đổi mới sẽ khó gấp nhiều lần.

Vết rạn trong lòng nông thôn mới Tại thời điểm chúng tôi có mặt ở Thụỵ Hương (Chương Mỹ- Hà Nội), một trong 11 xã làm điểm đầu tiên của cả nước, lộ trình xây dựng nông thôn mới đã đi được già nửa chặng đường (dự định tổng kết tháng 6-2011), nhưng không khí vẫn im vắng lạ. Ngoài hệ thống đường bê tông khá hoàn chỉnh được hình thành từ phong trào làm đường giao thông nông thôn nhiều năm trước, thì Chương trình nông thôn mới gần như chưa để lại dấu ấn nào đáng kể ở Thụỵ Hương. Người dân vẫn đang mong đỏ mắt những dự án phát triển sản xuất nhằm tạo việc làm và nâng cao thu nhập song mãi chẳng thấy dự án nào trình diễn, trừ dự án trồng hoa chất lượng cao mặc dù đã làm hạ tầng kỹ thuật hết 6,3 tỷ, nhưng cả hệ thống vẫn đứng chỏng trơ nhìn lúa vỗ bời bời trong đất quy hoạch. Chưa ai nghe phong thanh về các cụm công nghiệp làng nghề, khu chăn nuôi tập trung, vùng lúa cao sản hay 80 ha rau an toàn... mọc mũi sủi tăm. Chỉ thấy mấy công trình y tế, giáo dục, nhà văn hóa đã hoặc đang xây dựng, công trình nào cũng phát sinh thêm cả đống tiền. Như trường học 3 cấp dự toán 12 tỷ đồng thì mới xong 2 cấp THCS và tiểu học đã đội vốn hơn 1 tỷ đồng; có một công trình nhà văn hóa thôn dự toán 1,5 tỷ đồng, mới xong phần thô đã ngốn hết 2,8 tỷ đồng... Hệ thống hạ tầng điện đáng lẽ sử dụng các thiết bị tiêu chuẩn an toàn như attomat thì lại được thay bằng loại cầu chì rẻ tiền... Dĩ nhiên cũng chưa vội đưa ra những đánh giá không lành mạnh, nhưng nhiều người dân đã bắt đầu ì xèo về dấu hiệu sử dụng đồng vốn tùy tiện, ngẫu hứng. Hiệu quả nông thôn mới chưa thấy đâu đã thấy dội về biết bao ám ảnh cũ chưa thể nguôi ngoai. Các ông Đặng Quang Trung, Đặng Quốc Tuấn ở Đội 6, thôn Phú Bến một nửa đau đáu về nông thôn mới, nửa vẫn day dứt về chuyện “lấy đầu cá vá đầu tôm”, chuyện “gà hai mề” trong phong trào làm đường giao thông trước đây. Ông Tuấn than phiền: - Làm đường chẳng có định mức bao nhiêu đá, cát, xi măng. Báo giá thì lệch một trời một vực so với thị trường. Ban Kiến thiết của thôn không do dân bầu, mà do Bí thư chi bộ, Trưởng thôn tự ý “nhặt” ra. Khi nghiệm thu chẳng những không được trả công, lại còn phải biếu 6 cái phong bì cho xã, đưa ra chi bộ chất vấn mãi vẫn chưa đòi được. Trưởng thôn cũ đã nhận của dân 2,7 triệu chi cho làm đường, Trưởng thôn mới lên lại lấy tiền của dân thanh toán tiếp. Và đúng là thế thật. Những cái “tật” tương tự như vậy hiện còn đang “hoành hành” dữ dội hơn ở Thụỵ Hương. Như trường hợp anh Trịnh Hữu Mão ở thôn Phú Cầu có nhu cầu lắp một đồng hồ điện 3 pha cho xưởng mộc. Theo hóa đơn của ngành điện, anh chỉ phải nộp hơn 2,9 triệu đồng, nhưng đã bị người quản lý điện ở xã cấu kết với công nhân Công ty Điện lực Chương Mỹ ép phải nộp 11 triệu đồng mới chịu lắp đồng hồ. Anh Mão kể: “Lúc đầu tôi không có tiền lắp, chính thợ điện đã rút tiền cho tôi vay lãi ngày 2% để thanh toán. Nếu tính đủ chi phí bồi dưỡng cho thợ và tiền vay lãi, tôi phải tốn 12 triệu chứ không kém”. Trong khi đó, ở Thụỵ Hương có làng nghề mộc và một số xưởng cơ khí hoạt động không thể thiếu điện, nhưng từ khi có “luật” bất thành văn của những “con sâu” ngành điện, thành ra chẳng mấy người dám lắp đồng hồ 3 pha. Vậy thử hỏi trong Chương trình nông thôn mới này, ngành điện đầu tư 5 tỷ đồng để nâng cấp lưới điện cho Thụỵ Hương liệu còn có ý nghĩa, tác dụng? Ở thôn Phú Bến, chị Nguyễn Thị Mão cũng trở thành một trong số nhiều nạn nhân của Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT Chương Mỹ. Chị vay 10 triệu đồng để phát triển sản xuất, nhưng lại được cán bộ ngân hàng “gợi ý” trích ra 500 nghìn đồng gửi vào một tài khoản gọi là “Tiền gửi thanh toán cá nhân”. Cầm tờ giấy ghi số tài khoản có chữ ký xác nhận của thanh toán viên ngày 18-8-2010, chị ngơ ngác hỏi tôi: “Cái này là sao hả chú? Sao vay 10 triệu lại chỉ được nhận 9,5 triệu?” Chúng tôi mang câu hỏi của chị đến ngân hàng và được trả lời là thực hiện theo Văn bản số 2302/NHNo- TDHo của Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam ban hành ngày 18-5-2010. Theo giải thích, đây là một loại dịch vụ của ngân hàng dành cho các khách hàng tự nguyện muốn mở tài khoản để thanh toán cho khoản lãi vay khi đến hạn, hay thanh toán những khoản tiền điện, nước, dịch vụ viễn thông... nếu ngân hàng đạt được thỏa thuận với các nhà cung cấp dịch vụ khác. Tuy nhiên, đó là lời giải thích chỉ thích hợp với những cư dân đô thị. Còn ở nông thôn vay được đồng vốn đã trầy trật, còn phải bóp bụng trích phần vay ít ỏi để giúp ngân hàng mở rộng huy động vốn nữa thì chịu sao cho thấu... Rõ ràng tất cả những đề cập trên đây không phải là những loại “sản phẩm” đáng để thịnh hành trong môi trường nông thôn mới. Nông thôn mới cần hạ tầng, cần vốn cho phát triển sản xuất, dịch vụ, kết nối thông tin, quan hệ... nhưng cũng cần một môi trường công bằng, dân chủ để đảm bảo cho những hạt giống kia nảy nở, sinh sôi, đơm hoa, kết trái. Nông thôn mới cần hạ tầng, cần vốn cho phát triển sản xuất, dịch vụ, kết nối thông tin, quan hệ... nhưng cũng cần một môi trường công bằng. Ảnh: Hoàng Long Vấn đề cốt yếu Trao đổi với chúng tôi, ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế HTX và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết: Mô hình thí điểm ở 11 xã đầu tiên của toàn quốc vừa tiến hành sơ kết hồi giữa tháng 9-2010 vừa qua cho thấy, mặc dù có sự đầu tư tập trung mạnh mẽ ngay từ đầu với số vốn lên đến hàng trăm tỷ đồng và đã tiến hành được gần hai năm, có hàng chục dự án, hàng trăm công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng kết quả thay đổi đến nay ở các mô hình vẫn chưa rõ rệt. Chưa có sự xuất hiện những hộ nông dân mạnh dạn chuyển hướng làm ăn mới với kết quả gia tăng về thu nhập. Thực tế khẳng định rằng, công việc khó nhất là triển khai nội dung phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động. Tại bản báo cáo sơ kết hội nghị nói trên cũng đã thẳng thắn thừa nhận: “Ban chỉ đạo nông thôn mới các tỉnh và Ban quản lý ở các xã chưa đầu tư đúng mức cho xây dựng dự án và tìm giải pháp thực hiện nội dung này”. “Chủ yếu dành vốn cho phát triển hạ tầng, tỷ lệ đầu tư cho phát triển sản xuất chỉ khoảng 10%”. Điều đáng nói là bất cứ đề án nào cũng hô khẩu hiệu: “Việc lựa chọn các công trình đầu tư, thứ tự ưu tiên đầu tư, quy mô đầu tư và hình thức đầu tư phải do dân bàn bạc thống nhất quyết định”. Thế nhưng trên thực tế, bóng dáng người dân trong Chương trình xây dựng nông thôn mới quá mờ nhạt. “Huy động sự tham gia của người dân còn ít (mới nặng về huy động đóng góp tiền của vào xây dựng hạ tầng). Chưa coi trọng việc huy động đóng góp công sức của người dân vào xây dựng nông thôn mới như: tu sửa vườn tược, nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi, công trình vệ sinh, tham gia thi công các công trình xây dựng trên địa bàn...” (trích báo cáo sơ kết - PV). Theo Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) trong một lần trả lời phỏng vấn trên báo, thì vấn đề cốt yếu của nông thôn mới là phải làm cho người nông dân thay đổi về cách nghĩ, cách làm, hành động, để họ thấy mình là nhân vật chính, điều hành mọi quá trình phát triển trong xã hội, đời sống của nông thôn. Ông nói: “Tư duy dự án hay kiểu tư duy cầm tay chỉ việc không phải là vấn đề cốt yếu của xây dựng nông thôn mới. Nhà nước đưa các nguồn lực ở ngoài vào là để giúp nông dân phát huy nội lực của mình, chứ không phải bao cấp vốn. Chỉ khi nào người nông dân tự đứng lên, làm chủ vận mệnh của mình, lúc đó Chương trình nông thôn mới mới gọi là thành công”. Nếu đây là một ý kiến có cơ sở thì cần xem xét lại khâu “dàn dựng” của Chương trình xây dựng nông thôn mới mà chúng ta đang thử nghiệm và sắp sửa nhân rộng. Trong chương trình vẫn phân vai nông dân là nhân vật trung tâm, sao lúc dàn dựng lại biến họ thành “diễn viên phụ”. Không sửa chữa sai sót này, chúng ta không hy vọng có được một cuộc cách mạng lớn như một số nước đã rất thành công, mặc dù vẫn sẽ có những “siêu dự án” với số vốn hàng trăm nghìn tỷ đồng từ ngân sách và có nguồn gốc ngân sách đổ vào nông thôn. Quan trọng là chúng ta có muốn chấp nhận thay đổi “vấn đề cốt yếu” của xây dựng nông thôn mới theo hướng như vậy hay không? Nhóm PV KT-XH

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=21301&menu=1437&style=1