Xây dựng chính sách đặc thù

Thời gian qua, các chính sách giảm nghèo mới dừng lại ở mức độ giảm nghèo về thu nhập, chưa chú trọng nhiều đến an sinh xã hội. Tốc độ giảm nghèo chậm và không bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Theo kết quả rà soát hộ nghèo năm 2013 (Bộ LĐTB&XH), tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng Tây Nguyên còn 12,56%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vẫn ở mức cao (chiếm 27,26%). Khoảng cách giàu nghèo giữa nhóm cộng đồng dân cư DTTS với nhóm dân cư khác có xu hướng tăng.

Giám sát chặt chẽ các chính sách hiện có

Sau 30 năm đất nước đổi mới, Đảng và Nhà nước đã ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, chính sách và dự án đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc và miền núi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có Tây Nguyên. Qua rà soát, đánh giá, vùng Tây Nguyên đã và đang thụ hưởng và có tác động bởi 13 nhóm chính sách dân tộc và miền núi như các vùng khác trong cả nước.

Các em học sinh Trường Tiểu học Ea Bông, huyện Krông Ana (Đắk Lắk) trong một buổi học tiếng Êđê. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Các nhóm chính sách này được thể chế hóa gần 80 văn bản quy phạm pháp luật như các nghị quyết, kết luận, nghị định, quyết định, chỉ thị và các chương trình, dự án của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban ngành. Cùng với đó thì các tỉnh Tây Nguyên cũng đã thể chế hóa thành nhiều văn bản pháp lý, như: Chỉ thị, nghị quyết của Tỉnh ủy, nghị quyết, chương trình của HĐND và các quyết định, chỉ thị, kế hoạch của UBND cùng cấp, đồng thời ban hành nhiều chính sách đặc thù để tổ chức thực hiện chính sách dân tộc trong phạm vi nguồn lực ngân sách của từng địa phương.

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, các địa phương trong vùng đã xây dựng chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát. Hàng năm Ban Dân tộc các tỉnh cũng đã chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra tình hình thực hiện chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh. Qua các đợt thanh tra, kiểm tra đã kịp thời nhắc nhở, hướng dẫn, khắc phục những sai phạm nhỏ để thực hiện tốt hơn các chương trình, chính sách dân tộc. Xử lý những sai phạm, thu hồi các khoản tổ chức triển khai thực hiện không đúng theo quy định nộp vào ngân sách Nhà nước.

Ủy ban Dân tộc cũng đã đề xuất xây dựng chính sách đặc thù theo hướng tích hợp các chính sách hết hiệu lực sau năm 2015 nhưng mục tiêu chưa hoàn thành vào trong một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Nội dung, phạm vi, đối tượng thụ hưởng chính sách đều đã được phê duyệt tại các quyết định 755, 29, 33, 1342, 54, 102, hiện đang thực hiện và đề xuất tăng vốn cho vay, giảm cho không.

Trong đó Chương trình 134, Chương trình 135 giai đoạn II, định canh định cư, chính sách hỗ trợ cho học sinh các địa phương vướng mắc và thực hiện nhiều sai phạm. Từ năm 2007 đến nay, các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên đã xử lý sai phạm và thu hồi trên 598,820 triệu đồng nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Tuy nhiên, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chương trình, chính sách dân tộc trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên chưa được thường xuyên. Vai trò, trách nhiệm và năng lực giám sát của một số ban giám sát ở các địa phương, nhất là ở cơ sở còn yếu, công tác quản lý, giám sát xây dựng của một số chủ đầu tư thiếu sâu sát. Việc quản lý, khai thác sử dụng và bảo dưỡng các công trình đã được đầu tư xây dựng tại các địa phương còn hạn chế, yếu kém nên hiệu quả các chương trình, chính sách mang lại chưa cao, gây lãng phí.

Cần có chính sách đặc thù

Theo Ủy ban Dân tộc, hiện một bộ phận đồng bào DTTS vẫn còn thiếu đói, nhất là vào những tháng giáp hạt hoặc sau những đợt thiên tai. Đối tượng cần hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, di cư không theo kế hoạch và vay vốn tín dụng ưu đãi đã được phê duyệt trong các dự án còn nhiều nhưng chưa được giải quyết.

Vùng DTTS và miền núi là địa bàn chiến lược của đất nước, nhưng cũng là địa bàn có nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng trực tiếp của biến đổi khí hậu, thường xuyên xảy ra thiên tai, khả năng thích ứng của đồng bào với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước còn chậm. Các thế lực thù địch vẫn còn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo để tuyên truyền, xuyên tạc chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những khó khăn về kinh tế, an ninh chính trị vùng biên giới. Đồng bào DTTS và địa bàn vùng DTTS và miền núi cũng là đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp của việc xây dựng các công trình thủy điện, thủy lợi, khai khoáng... Việc di dân tái định cư các công trình thủy điện ở một số nơi chưa tốt, khiến đời sống và sinh kế của đồng bào cũng bị ảnh hưởng nhiều. Nếu không có chính sách đặc thù hỗ trợ sẽ khó ổn định và phát triển của người dân.

Ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, vì lẽ đó việc xây dựng chính sách đặc thù để tiếp tục hỗ trợ cho các hộ nghèo ở vùng DTTS và miền núi nhằm giải quyết những khó khăn bức xúc về kinh tế đời sống của các hộ nghèo đã được phê duyệt trong các dự án của địa phương là hết sức cần thiết. Điều đó phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước như tại Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn trong phiên họp thứ 36, tại Thông báo số 804/TB-VPQH của Văn phòng Quốc hội, giao Ủy ban Dân tộc “...Phối hợp với các bộ, ngành hữu quan để ban hành chính sách phù hợp về định canh định cư, đất ở, đất sản xuất, tái định cư, đào tạo nghề phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của từng vùng, từng dân tộc...”. Phân cấp cho các địa phương, điều chỉnh một số cơ chế, nâng định mức một số nội dung cho phù hợp với thực tế của vùng DTTS và miền núi và đề xuất cơ chế cho các địa phương tự cân đối được ngân sách chủ động bố trí nguồn lực thực hiện chính sách.

V.T

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/tay-bac-tay-nguyen-tay-nam-bo/xay-dung-chinh-sach-dac-thu-20160128172713085.htm