Xây dựng Tủ sách pháp luật tại các xã, cơ quan nhà nước

Tủ sách pháp luật (TSPL) sẽ được xây dựng, khai thác từ UBND cấp xã đến các cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, nhà trường và cơ sở giáo dục khác của hệ thống giáo dục quốc dân, của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị-xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân.

 TSPL là hình thức phổ biến tốt về pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân

TSPL là hình thức phổ biến tốt về pháp luật cho mọi tầng lớp nhân dân

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định xây dựng, quản lý, khai thác TSPL. TSPL là nơi lưu giữ, khai thác và sử dụng sách báo, tài liệu pháp luật để phục vụ nhu cầu công tác, nghiên cứu, tìm hiểu của người đọc. Vì lý do này nên địa điểm đặt TSPL phải thuận tiện cho cán bộ, nhân dân trong việc đọc, mượn sách, báo, tài liệu như đặt tại phòng tiếp dân, phòng thủ tục hành chính "một cửa" của UBND cấp xã...

TSPL phải có đủ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trực tiếp đến nhân dân và hoạt động của cơ quan, chính quyền địa phương nơi quản lý TSPL. Ngoài ra, còn phải bổ sung tài liệu pháp luật phổ thông như sách hỏi đáp, bình luận, giải thích pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân. Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các báo, bản tin pháp luật của trung ương và địa phương cũng cần được cập nhật thường xuyên.

Kinh phí xây dựng, quản lý TSPL do ngân sách cấp xã bảo đảm. TSPL của cơ quan, đơn vị được dự toán trong ngân sách hàng năm theo quy định.

Hàng năm, căn cứ đặc điểm vùng, miền và dân số của từng xã, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quy định mức chi cụ thể cho mỗi TSPL cấp xã với định mức tối thiểu 2 triệu đồng/tủ. Đối với cấp xã thuộc 61 huyện nghèo có thể quy định mức cao hơn nhằm đảm bảo có đủ số sách, tài liệu luân chuyển giữa các bản, làng.

Thủ tướng yêu cầu các tỉnh tự cân đối ngân sách để bố trí nguồn thu ngân sách của địa phương chi xây dựng, quản lý TSPL. Tỉnh nào chưa tự cân đối được ngân sách thì ngân sách trung ương sẽ cấp kinh phí để xây dựng TSPL. Riêng các xã thuộc 61 huyện nghèo thì ngân sách trung ương cấp toàn bộ kinh phí cho việc xây dựng, quản lý và khai thác TSPL. Cần lưu ý là sách, báo, tài liệu của TSPL phải được vào sổ và bảo quản theo quy định Nhà nước về tài sản công. Người nào làm mất, hư hỏng phải có nghĩa vụ bồi thường.

Cần có sách, tài liệu bằng tiếng dân tộc thiểu số

Các loại sách, báo, tài liệu của TSPL sẽ được lựa chọn phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương, cơ quan và từng đối tượng phục vụ. TSPL ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần có thêm sách, tài liệu pháp luật bằng tiếng dân tộc thiểu số.

Theo hướng dẫn định kỳ của Bộ Tư pháp, TSPL cần được bổ sung kịp thời sách, báo mới. Chú ý tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác văn bản quy phạm pháp luật bằng cách thực hiện số hóa các sách báo tài liệu, thông tin pháp luật đăng tải trên TSPL điện tử.

Ở cấp xã có thể sử dụng internet để cung cấp văn bản cần thiết cho TSPL, tiến tới kết hợp mô hình TSPL truyền thống với TSPL điện tử.

Để có được những TSPL hoạt động hiệu quả, Nhà nước khuyến khích và huy động sự tham gia, đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Cần tiến hành huy động các sách, báo, tài liệu pháp luật sẵn có trong cán bộ, nhân dân để xây dựng TSPL. Luôn khuyến khích các báo, nhà xuất bản, doanh nghiệp hỗ trợ sách, tài liệu hoặc đầu tư kinh phí cho các TSPL.

TSPL- mô hình truyền tải kiến thức hiệu quả đến người dân

Ngày 25/11/1998, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1067/QĐ-TTg về việc xây dựng và quản lý TSPL ở xã, phường, thị trấn, các cơ quan, đơn vị hành chính. Đến nay, qua thời gian hơn 10 năm, các tỉnh thành trên cả nước đều đã xây dựng được TSPL tại 100% xã, phường, thị trấn. Tỉnh thấp nhất cũng đạt 80% xã có TSPL.

Điển hình như tỉnh Quảng Ngãi đã xây dựng được 350 tủ sách pháp luật, với tổng kinh phí gần 400 triệu đồng. Các xã, phường, thị trấn, cơ quan đơn vị đều có tủ sách đa dạng, phong phú, mẫu mã đẹp; Tỉnh Lào Cai đã có 100% số xã, phường, thị trấn đã xây dựng được tủ sách pháp luật với hệ thống tài liệu phong phú, số đầu sách có từ 100-250 cuốn; tỉnh Vĩnh Long có 5 mô hình tủ sách pháp luật với trên 19.800 đầu sách các loại trong đó có 423 tủ sách ở cơ quan, trường học, doanh nghiệp, 107 tủ sách pháp luật ở xã, phường, thị trấn, 91 tủ sách điểm bưu điện văn hóa xã và 388 tủ sách, kệ sách pháp luật ở khóm, ấp...

Trong suốt thời gian triển khai vừa qua, TSPL ở cơ sở xã, phường, thị trấn đã đóng vai trò quan trọng, là công cụ hữu ích hỗ trợ việc tìm hiểu pháp luật, áp dụng pháp luật trong hoạt động quản lý điều hành của cán bộ chính quyền tại địa phương và cũng là một kênh thông tin tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiệu quả đến người dân.

Các tủ sách pháp luật thường được trang bị đủ 4 bộ phận sách, báo theo sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo trung ương; trong đó văn bản quy phạm pháp luật trung ương chiếm 70%; văn bản quy phạm pháp luật địa phương chiếm 10%; tài liệu hỏi đáp pháp luật 10%; tài liệu hướng dẫn nghiệp vụ tư pháp và phổ biến, giáo dục pháp luật 10%. Đây được coi là nguồn kiến thức, kho tư liệu lớn đối với cán bộ tư pháp tại các phường, xã, thị trấn nói riêng và cán bộ địa phương nói chung.

Như vậy, với tính thiết thực, TSPL góp phần tác động đến nhận thức của người dân, là “cẩm nang” của cán bộ cơ sở, cải thiện tình trạng hiểu biết về pháp luật trong nhân dân.

Mai Hương
(Nguồn: Quyết định số 6/2010/QĐ-TTg)

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/xay-dung-tu-sach-phap-luat-tai-cac-xa-co-quan-nha-nuoc/20101/26968.vgp