Xây dựng Đảng, một nhiệm vụ then chốt của công cuộc đổi mới

Trong thế giới hiện đại, vai trò của các đảng chính trị ngày càng quan trọng. Ở bất cứ một quốc gia nào cũng có đảng chính trị cầm quyền. Đảng này ảnh hưởng sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội, tới sự phát triển của cả một dân tộc.

Vì vậy, chủ nghĩa Mác – Lê-nin đã chỉ ra rằng, việc giai cấp vô sản tổ chức thành chính đảng là một tất yếu khách quan để đảm bảo cho cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa (XHCN) giành được thắng lợi và thực hiện được mục tiêu cuối cùng của mình. Tuy nhiên, để đảm đương được trọng trách đó, chính đảng của giai cấp vô sản phải là “bộ phận kiên quyết nhất trong các đảng công nhân ở tất cả các nước”(1), họ phải hiểu rõ “những điều kiện, tiến trình và kết quả chung của phong trào cộng sản”. Đảng này phải gồm “những đại biểu tiền phong có đủ khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào”2. Có như vậy, Đảng mới thực sự vững mạnh và “Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”3. Xuất phát từ các yêu cầu ấy, Mác, Ăng-ghen, Lê-nin, Hồ Chí Minh và những nhà mác-xít chân chính đều hết sức coi trọng công tác xây dựng Đảng. Đảng Cộng sản Việt Nam, do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện đã luôn coi việc xây dựng tinh thần đoàn kết thống nhất trong Đảng, coi việc đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, đặc biệt là tư tưởng tả khuynh và các sai lầm khuyết điểm của cán bộ, đảng viên là một nhiệm vụ trọng yếu để củng cố Đảng, nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp cách mạng của toàn dân. Những hiện tượng tả khuynh trong thời kì 1930-1931, trong cải cách ruộng đất, những tư tưởng chủ quan, duy ý chí, nôn nóng đốt cháy giai đoạn trong thời kỳ trước đổi mới, những sự sa sút về phẩm chất đạo đức của cán bộ, đảng viên đều được Đảng chỉ rõ và tìm mọi cách để khắc phục. Sự thành công rực rỡ của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chiến thắng oanh liệt trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, những thành tựu hết sức quan trọng của công cuộc đổi mới không chỉ thể hiện đường lối chính trị đúng đắn của Đảng mà còn thể hiện niềm tin sắt đá của dân đối với Đảng. Không có niềm tin đó không thể phát huy được sức mạnh đoàn kết của cả dân tộc để vượt qua vô vàn những khó khăn, thử thách trong từng giai đoạn của cách mạng Việt Nam. Dân tin Đảng, đi theo sự lãnh đạo của Đảng không phải chỉ vì Đảng đã kết tinh được trí tuệ của dân tộc, đại diện cho trí tuệ của dân tộc mà còn vì các cán bộ, đảng viên của Đảng đã chiến đấu không mệt mỏi và đã hy sinh quên mình vì độc lập của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân. Tấm gương vĩ đại của lãnh tụ Hồ Chí Minh, tinh thần bất diệt của các lãnh tụ của Đảng như: Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Hoàng Văn Thụ… và hàng ngàn, hàng vạn đảng viên của Đảng đã khiến hàng triệu trái tim phải rung động và cũng khiến quân thù phải khiếp sợ. Sự kết hợp trí tuệ cực kì sáng suốt với lập trường cách mạng kiên định và tinh thần hy sinh vô bờ bến của cả một lực lượng cán bộ, đảng viên ngày càng đông đảo, ngày càng được tổ chức một cách khoa học đã tạo nên sức mạnh bất diệt của Đảng. Sức mạnh đó đã làm cho Đảng trở thành ánh sáng, niềm tin đối với mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội Việt Nam, đối với mọi thế hệ người Việt Nam, tạo nên sức mạnh bất diệt của cả dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, trong mỗi bước chuyển của lịch sử lại có những sự tác động của những điều kiện mới. Những điều kiện này tác động vào từng cán bộ, đảng viên, vào từng tổ chức Đảng và có những đòi hỏi mới về sự lãnh đạo của Đảng. Điều đó đòi hỏi Đảng phải được củng cố, được chỉnh đốn để ngang tầm với những nhiệm vụ mới. Trong điều kiện hiện nay, Đảng đang đứng trước những khó khăn và thử thách lớn. Trên thế giới, sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đã tác động sâu sắc đến toàn bộ đời sống xã hội. Cách mạng khoa học và công nghệ cùng với sự mở rộng của toàn cầu hóa vừa tạo thành thời cơ nhưng đồng thời cũng tạo ra những thách thức lớn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Trong khi đó, trên thế giới còn có những biến động bất lợi của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch nhằm làm triệt tiêu hoàn toàn xu hướng phát triển chủ nghĩa xã hội (CNXH). Điều kiện trong nước mặc dù đã có những chuyển biến khá toàn diện trên mọi lĩnh vực, nhưng do phát triển bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (TBCN) nên trình độ phát triển kinh tế-xã hội còn nhiều hạn chế. Sự phát triển của kinh tế thị trường đã đưa lại nhiều thành tựu quan trọng nhưng mặt trái của nó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống xã hội và đến cả cán bộ, đảng viên. Để giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã xác định: Xây dựng kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đó là tư tưởng chỉ đạo mang tầm chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng Đảng và cũng là một trong những bài học thành công của Đảng ta trong quá trình đổi mới. Hiện thực hóa tư tưởng này, Đảng đã kịp thời đề ra những chủ trương, những giải pháp cụ thể để củng cố Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và về cán bộ, đồng thời tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Cương lĩnh do Đại hội VII thông qua đã khẳng định những vấn đề về nguyên tắc và bản chất của Đảng. Cương lĩnh xác định rõ Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc. Cương lĩnh cũng chỉ rõ tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lê-nin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng, xác định vai trò và phương thức lãnh đạo của Đảng trong hệ thống chính trị, nhấn mạnh yêu cầu Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, ra sức nâng cao trình độ trí tuệ và năng lực lãnh đạo... Nghị quyết Đại hội VII đã có những quy định cụ thể về mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng và các tổ chức chính trị, đặc biệt là với Nhà nước. Nghị quyết đã nêu rõ chủ trương chấn chỉnh tổ chức bộ máy của Đảng, phát huy dân chủ trong nội bộ Đảng, xây dựng tiêu chuẩn cơ bản của cán bộ lãnh đạo, tiêu chuẩn cụ thể cho từng loại, từng chức danh cán bộ, đổi mới quan điểm về cán bộ và công tác cán bộ và tăng cường quyền hạn của ủy ban kiểm tra các cấp. Tiếp theo đó, Đảng ta ra các Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 28-3-1992 về công tác lý luận trong giai đoạn mới, Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 18-2-1995 khẳng định 6 định hướng lớn trong công tác tư tưởng và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tư tưởng. Đặc biệt, hội nghị Trung ương khóa VIII, lần đầu tiên, Đảng ta đã xây dựng chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xác định các quan điểm cơ bản trong công tác cán bộ, tiêu chuẩn cán bộ trong thời kỳ mới và các nhiệm vụ, giải pháp lớn trong công tác cán bộ. Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII còn đề ra chủ trương và các giải pháp quan trọng cho một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết của Hội nghị đã nhấn mạnh yêu cầu củng cố, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, tổ chức cán bộ và phát động cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, thực hiện phê bình và tự phê bình. Trước những yêu cầu mới về công tác lý luận và công tác tư tưởng, Hội nghị Trung ương 5 khóa IX lại ra nghị quyết về nhiệm vụ chủ yếu của công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới. Nghị quyết này đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn và được triển khai trên phương diện nghiên cứu lý luận, trong việc đổi mới nội dung và hình thức của công tác tư tưởng. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X đã đánh giá một cách khách quan những thành tựu và hạn chế của công tác xây dựng Đảng trong 20 năm (1986-2006). Cùng với việc khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, những thành tựu đã đạt được trong công cuộc đổi mới là to lớn và có ý nghĩa lịch sử, văn kiện Đại hội X đã đánh giá là Đảng ta luôn luôn giữ vững bản chất cách mạng và khoa học, trung thành với giai cấp và dân tộc, kiên định, vững vàng trước mọi thử thách, sáng suốt lãnh đạo đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta tiến lên. Qua đó, Đảng ngày càng tích lũy thêm được nhiều kinh nghiệm; nhận thức ngày càng sâu sắc hơn về CNXH và con đường đi lên CNXH ở nước ta. Tuy nhiên, văn kiện Đại hội X cũng nghiêm khắc chỉ ra những hạn chế yếu kém của công tác xây dựng Đảng. Văn kiện đã cảnh báo về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, về tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn, đẩy lùi và tác hại của nó là làm giảm lòng tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Để khắc phục các hạn chế nói trên, các hội nghị Trung ương 3, hội nghị Trung ương 4, hội nghị Trung ương 5, hội nghị Trung ương 6 khóa X đã ra các nghị quyết nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, nâng cao chất lượng của các tổ chức Đảng và vai trò lãnh đạo của Đảng với các tổ chức chính trị-xã hội, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trong những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế hiện nay và những yêu cầu mới của sự nghiệp phát triển đất nước theo định hướng XHCN, công tác xây dựng Đảng vẫn đòi hỏi phải được chú trọng hơn nữa, đẩy mạnh hơn nữa để làm cho Đảng thực sự vững mạnh và trong sạch. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X đã tổng kết những bài học hết sức quan trọng về công tác xây dựng Đảng sau 20 năm đổi mới. Những bài học này cũng được rút ra từ thực tế xây dựng Đảng qua các thời kỳ. Vì vậy, cần nhận thức sâu sắc các bài học này và vận dụng sáng tạo vào trong quá trình xây dựng Đảng hiện nay. Trong bài học thứ nhất, Đảng đã nhấn mạnh phải kiên trì đổi mới, đổi mới toàn diện nhưng phải có nguyên tắc và sáng tạo. Trong quá trình đổi mới phải kiên định chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, không đa nguyên, đa đảng. Bài học này không chỉ rút ra từ thực tiễn cách mạng Việt Nam mà còn là bài học xương máu rút ra từ sự đổ vỡ của Liên Xô và các nước XHCN trước đây. Ở Việt Nam, nếu từ bỏ chủ nghĩa Mác – Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, từ bỏ mục tiêu độc lập dân tộc và mục tiêu chủ nghĩa xã hội, Đảng sẽ không còn là Đảng Cộng sản Việt Nam, sẽ không giữ được vai trò lãnh đạo đất nước, sẽ không bảo vệ được độc lập dân tộc và lợi ích của toàn dân. Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là những vấn đề cốt tử của Đảng Cộng sản Việt Nam và cũng là của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, phải kiên quyết đánh bại bất kì âm mưu nào nhằm tấn công vào nền tảng tư tưởng và các mục tiêu cao cả mà Đảng đã đề ra. Các bài học cũng chỉ rõ Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, thường xuyên tự phê bình và phê bình, tăng cường đại đoàn kết và thống nhất trong Đảng, đấu tranh kiên quyết với các phần tử cơ hội. Đặc biệt Đảng phải coi trọng việc rèn luyện đội ngũ cán bộ đảng viên, coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt, trọng dụng nhân tài. Một Đảng chỉ thực sự vững mạnh khi có đội ngũ cán bộ đảng viên có đủ phẩm chất và trí tuệ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực lãnh đạo quản lý để đảm trách các công việc của xã hội. Sự thiếu vững vàng về tư tưởng, sa sút phẩm chất, ý chí chiến đấu của cán bộ đảng viên sẽ làm cho nhân dân mất niềm tin đối với Đảng. Không có năng lực và trí tuệ cần thiết, các cán bộ đảng viên không thể hoàn thành được trí tuệ của mình. Vì vậy, vấn đề xây dựng các tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên “vừa hồng vừa chuyên” đã được toàn Đảng và toàn dân quan tâm. Đảng Cộng sản Việt Nam có vinh dự lớn là được nhân dân Việt Nam tín nhiệm giao trọng trách là người lãnh đạo, người dẫn đường cho cách mạng Việt Nam. Vai trò to lớn của Đảng trong gần 80 năm nay không chỉ nhân dân Việt Nam mà cả loài người tiến bộ đều nhìn rõ. Vận mệnh của Đảng đã gắn liền với vận mệnh của dân tộc. Vì vậy, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng. Chúng lợi dụng những sai lầm của một số cán bộ, đảng viên để hạ thấp uy tín của Đảng nhằm thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam đi theo vết xe đổ của Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu trước đây. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được sinh ra từ một dân tộc anh hùng, đã hy sinh không tiếc máu xương để bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Đảng đã được chủ nghĩa Mác - Lê-nin dẫn đường, được Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, được lớn lên trong cuộc cách mạng và những cuộc kháng chiến chống ngoại xâm vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đảng đã trưởng thành trong cuộc đổi mới và đã rút ra được nhiều bài học từ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Với một đội ngũ đảng viên ngày càng đông đảo và giàu trí tuệ, Đảng có đủ sự tỉnh táo để nhận rõ những âm mưu thâm độc của kẻ thù, đủ sự sáng suốt để nhận rõ trọng trách mà lịch sử và nhân dân giao phó, đủ tính nghiêm túc để sửa chữa những thiếu sót sai lầm. Vì vậy, Đảng sẽ không ngừng tự đổi mới làm cho Đảng ngày càng thực sự vững mạnh lãnh đạo toàn dân tộc thực hiện bằng được mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Chắc chắn Đảng ta có đầy đủ tinh thần trách nhiệm và trí tuệ sáng suốt, để đáp ứng những đòi hỏi hết sức chính đáng nói trên. GS.TS TRẦN PHÚC THĂNG Học viện Chính trị Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh 1. C.Mác và Ph.Ăngghen: Toàn tập, T.4. Nxb CTQG, h.1995, tr.614-615. 2. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb TB, M. 1981, tr.473. 3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, T.2, Nxb CTQG, H.1995, tr.268.

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/QDNDSite/vi-VN/61/43/5/5/5/92875/Default.aspx