Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ ta (*)

(Phát biểu của Tổng bí thư NGUYỄN PHÚ TRỌNG)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành (BCH) Trung ương Đảng (khóa XI) đã bàn và thống nhất ban hành Nghị quyết "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay". Đây là một Nghị quyết rất quan trọng, được toàn Đảng, toàn dân đặc biệt quan tâm; quan tâm từ trong quá trình diễn ra Hội nghị đến khi kết thúc Hội nghị. Ngay sau khi ban hành, Nghị quyết đã được tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân đón nhận với một tình cảm hồ hởi, vui mừng, đồng tình, nhất trí cao, cho rằng Nghị quyết đã lựa chọn đúng vấn đề, đánh giá đúng thực trạng và đề ra đúng các giải pháp để tiếp tục xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và nguyện vọng của nhân dân. Đã có hàng trăm bài báo, hàng trăm bức thư, hàng nghìn ý kiến tâm huyết gửi về Trung ương bày tỏ tình cảm và sự tâm đắc, phấn khởi, kỳ vọng của mình. Tuy nhiên, dư luận cũng đang chờ đợi và có phần băn khoăn, lo rằng liệu Nghị quyết lần này có được tổ chức thực hiện hiệu quả không hay lại rơi vào tình trạng "không đạt yêu cầu" như nhiều lần trước. Tâm trạng đó là chính đáng và cũng là điều day dứt, trăn trở chung của tất cả chúng ta.

Ý thức sâu sắc được vấn đề này, ngay tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4, BCH Trung ương đã yêu cầu phải lãnh đạo, chỉ đạo thật tốt việc tổ chức thực hiện, coi đây là vấn đề mấu chốt, có ý nghĩa quyết định để đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Sau một thời gian ngắn tích cực và khẩn trương chuẩn bị, hôm nay, Bộ Chính trị triệu tập Hội nghị cán bộ toàn quốc để phổ biến, quán triệt nội dung của Nghị quyết Trung ương, Chỉ thị và Kế hoạch triển khai của Bộ Chính trị. Sự có mặt đông đủ của tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí Ủy viên BCH Trung ương và sự tham gia của toàn thể cán bộ lãnh đạo chủ chốt các ban, bộ, ngành Trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước đã nói lên tầm quan trọng đặc biệt của Hội nghị này và thể hiện tinh thần nghiêm túc, quyết tâm cao của Đảng ta ngay từ khâu mở đầu trong toàn bộ kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết. Có lẽ đây cũng là Hội nghị lớn nhất về phổ biến một Nghị quyết chuyên đề của Trung ương từ trước đến nay.

Mục đích của Hội nghị này là thông qua việc giới thiệu, phổ biến các nội dung Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch, giúp các đồng chí lãnh đạo chủ chốt các ngành, các cấp nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục đích, ý nghĩa, nội dung của Nghị quyết, nắm vững những kiến thức cần thiết, những tư tưởng chỉ đạo, những công việc phải làm, trên cơ sở đó, tạo sự thống nhất cao về ý chí, quyết tâm, thấy đầy đủ trách nhiệm của mình để gương mẫu, tự giác thực hiện và chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trên mỗi cương vị công tác tại địa bàn, lĩnh vực thuộc trách nhiệm lãnh đạo của mình. Ban Tổ chức Hội nghị đã phổ biến, báo cáo với các đồng chí chương trình, nội dung, cách thức tiến hành Hội nghị. Tôi chỉ xin nhấn mạnh thêm là, Hội nghị của chúng ta có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Các đồng chí cần nêu cao ý thức trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung cao độ cho việc học tập, nghiên cứu, thảo luận, để thu được kết quả tốt. BCH Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có quyết tâm rất lớn và thống nhất rất cao. Mong toàn thể các đồng chí cũng thống nhất rất cao và quyết tâm rất lớn, ngay trong việc học tập Nghị quyết này.

Vừa qua, các đồng chí đã được nghe thông báo nhanh kết quả và các nội dung chính của Hội nghị Trung ương 4 qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc tại các hội nghị phổ biến, quán triệt Nghị quyết do cấp ủy tổ chức. Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị viết rất ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, các đồng chí cần nghiên cứu trực tiếp. Sau đây, để giúp các đồng chí hiểu sâu hơn, tôi xin nói thêm một số vấn đề, chủ yếu là cung cấp thông tin hoặc nói rõ hơn một số nội dung được đề cập trong Nghị quyết của Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Tập trung vào 4 phần lớn : (1) Vì sao lúc này Trung ương phải bàn và ra Nghị quyết về xây dựng Đảng. (2) Mục đích, yêu cầu, quá trình chuẩn bị và phạm vi của Nghị quyết. (3) Những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương và Chỉ thị của Bộ Chính trị. (4) Một số vấn đề cần lưu ý trong quá trình chỉ đạo tổ chức thực hiện.

I- VÌ SAO LÚC NÀY TRUNG ƯƠNG PHẢI BÀN VÀ RA NGHỊ QUYẾT VỀ XÂY DỰNG ĐẢNG

Từ trước đến nay, Đảng ta luôn luôn quan tâm đến công tác xây dựng Đảng. Đã có không ít các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư về xây dựng Đảng. Các Cương lĩnh, Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc đều có đề cập đến công tác xây dựng Đảng; có đại hội có báo cáo riêng về xây dựng Đảng. Chỉ tính từ Đại hội VI đến nay, BCH Trung ương đã ban hành 8 nghị quyết, Bộ Chính trị ban hành 6 nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng. Ban Bí thư khóa VII đã chỉ đạo tiến hành tổng kết 20 năm xây dựng Đảng thời kỳ 1975 - 1995; Ban Bí thư khóa IX chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn 20 năm đổi mới (1986 - 2006), trong đó có phần về xây dựng Đảng.

Đã có nhiều Nghị quyết về xây dựng Đảng như vậy, tại sao lần này Trung ương lại phải bàn và ra Nghị quyết về xây dựng Đảng nữa?

Theo tôi có 4 lý do:

Một là, vai trò lãnh đạo của Đảng và công tác xây dựng Đảng luôn luôn có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp cách mạng nước ta. Đây là bài học lớn, là kết luận sâu sắc được rút ra qua suốt quá trình hơn 80 năm hoạt động của Đảng ta, đồng thời cũng là lý luận khoa học và kinh nghiệm thực tiễn của nhiều đảng, nhiều nước trên thế giới. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng ta đã khẳng định: "Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam". Trước kia đã như vậy, hiện nay đang như vậy, và sau này cũng sẽ vẫn như vậy. Các đảng cộng sản và công nhân quốc tế đã coi sự lãnh đạo của đảng cộng sản là vấn đề có tính nguyên tắc, có tính quy luật của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Bác Hồ cũng đã từng nói, Đảng có vững cách mạng mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy. Sự tan rã của Liên Xô là do nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân rất cơ bản chính là vì Đảng Cộng sản lúc đó đã suy thoái, biến chất do quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi; một số người lãnh đạo cấp cao của Đảng rơi vào chủ nghĩa xét lại, cơ hội hữu khuynh, mắc sai lầm về đường lối, thậm chí phản bội lại lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Đảng đông (21 triệu đảng viên) nhưng không mạnh, mất sức chiến đấu nên khi tình hình xấu xảy ra đã tan rã. Có thể nói, đây là bài học vô cùng sâu sắc và đắt giá mà mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta cần phải thấm thía, luôn luôn khắc sâu, ghi nhớ, đừng để đi vào "vết xe đổ" đau xót đó. Đảng Cộng sản Trung Quốc trong cải cách, mở cửa cũng luôn luôn khẳng định dứt khoát phải kiên trì vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, và trong những lần trao đổi với chúng ta, bạn thường nhấn mạnh không để bị "Tây hóa", "tha hóa", "thoái hóa". Đảng Cộng sản Cu-ba đang đổi mới từng bước theo đường lối "cập nhật hóa mô hình phát triển kinh tế - xã hội", cũng kiên quyết khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, không chấp nhận đa nguyên, đa đảng. Mới đây, Đảng Cộng sản Cu-ba vừa tổ chức Hội nghị cán bộ toàn quốc về xây dựng Đảng. Trong thời đại ngày nay, có lẽ không có nước nào trên thế giới lại không có đảng (dù một đảng hay nhiều đảng) hoặc một tổ chức chính trị tương tự như đảng lãnh đạo.

Thực tế ở nước ta cho thấy, càng đi vào đổi mới, đi vào phát triển kinh tế thị trường, mở cửa, hội nhập lại càng cần phải có sự lãnh đạo của Đảng và coi trọng công tác xây dựng Đảng; đây là nhân tố bảo đảm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, nền độc lập tự chủ của Tổ quốc ta. Vào thời điểm này, chúng ta càng cần phải khẳng định mạnh mẽ sự lãnh đạo của Đảng, vai trò lãnh đạo của Đảng và ý nghĩa quan trọng của công tác xây dựng Đảng. Vừa qua, cũng có nơi này, nơi khác, lúc này lúc khác chưa phải đã nhận thức một cách sâu sắc vấn đề này. Hoặc là chỉ nặng về công tác chuyên môn, chưa quan tâm đầy đủ đến công tác xây dựng Đảng; hoặc là có ý nào đó xem nhẹ vai trò lãnh đạo của Đảng, coi nhẹ công tác Đảng. Đây đó có người cho rằng phát triển kinh tế thị trường, nhiều thành phần, mở cửa, hội nhập quốc tế, liên doanh, liên kết với nước ngoài thì cần gì phải có sự lãnh đạo của Đảng. Thậm chí có ý kiến cho rằng, hình như sự lãnh đạo của tổ chức đảng chỉ gây rắc rối thêm, ngáng trở sự phát triển của kinh tế(?).

Hai là, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của nước ta hiện nay rất to lớn, nặng nề, khó khăn, đòi hỏi Đảng phải nâng tầm lãnh đạo lên cao hơn nữa, nâng sức chiến đấu mạnh hơn nữa. Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng vừa thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 nhằm mục tiêu đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại và đến giữa thế kỷ XXI trở thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây thật sự là một cuộc vận động cách mạng toàn diện, sâu sắc và cao cả.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng văn hóa, xây dựng con người, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền quốc gia, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế... Phải xử lý, giải quyết tốt các mối quan hệ lớn giữa đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; giữa độc lập tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa... So với trước đây, chưa bao giờ đất nước ta lại triển khai xây dựng, phát triển và mở rộng quan hệ quốc tế với quy mô rộng lớn như hiện nay. Có rất nhiều vấn đề mới đặt ra, đòi hỏi phải được giải đáp và giải quyết, cả về lý luận và thực tiễn; có những vấn đề tưởng chừng như mâu thuẫn, nghịch lý.

Tình hình thế giới lại đang có những diễn biến hết sức mau lẹ, phức tạp, khó dự báo, do có sự tranh chấp giữa các nước lớn, giữa các lực lượng; sự mâu thuẫn, xung đột lợi ích giữa các quốc gia, các giai cấp, các dân tộc, các khu vực; sự biến đổi khí hậu toàn cầu; sự phát triển như vũ bão của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ... Cuộc đấu tranh giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản, giữa phong trào hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội với các thế lực đế quốc cực đoan, hiếu chiến đang diễn ra dưới nhiều hình thức, sắc thái mới, rất quyết liệt. Những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản chẳng những không giải quyết được mà ngày càng trở nên sâu sắc. Cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế của hệ thống tư bản chủ nghĩa những năm 2008 - 2009 chưa giải quyết xong thì lại đến cuộc khủng hoảng nợ công ở Mỹ và nhiều nước Tây Âu lan tràn từ Ai-len, Hy Lạp đến Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, I-ta-li-a... Phong trào "Chiếm phố Uôn" từ Niu Y-oóc đã lan khắp các thành phố ở Mỹ, sang cả nhiều nước Tây Âu, Nhật Bản... Cuộc khủng hoảng nợ công này được coi là biểu hiện của "lỗi hệ thống", phản ánh sự bế tắc của chủ nghĩa tư bản, có thể dẫn đến cuộc suy thoái mới của chủ nghĩa tư bản, theo như nhận định và dự báo của nhiều chuyên gia quốc tế. Tình hình Biển Đông, tình hình khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang có những diễn biến phức tạp mới...

Trong tình hình ấy, chúng ta chủ trương thực hiện một đường lối đối ngoại độc lập, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập ngày càng sâu vào đời sống quốc tế; phải xử lý các mối quan hệ sao cho vừa kiên định về nguyên tắc, vừa mềm dẻo, khôn khéo về phương pháp, sách lược; vừa giữ vững độc lập chủ quyền của quốc gia, bảo vệ được chế độ chính trị, thành quả cách mạng, vừa tạo được môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, xây dựng và bảo vệ đất nước, tránh được sơ hở, tránh bị mắc bẫy, thêm được bạn, bớt được thù, quả thật là không đơn giản. Trong quá trình chuyển đổi phương thức quản lý kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, có nhiều việc chúng ta phải vừa làm, vừa học, vừa tìm tòi, rút kinh nghiệm và chịu tác động mặt trái của kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập. Có không ít vấn đề tác động trực tiếp đến nước ta, vào cả tư tưởng, tình cảm, tâm trạng của cán bộ, đảng viên, nhân dân ta.

Ba là, bản thân Đảng, bên cạnh mặt tích cực, bản chất và truyền thống tốt đẹp được phát huy cũng đang đứng trước nhiều yêu cầu mới và có những hiện tượng tiêu cực, phức tạp mới. Trong điều kiện Đảng cầm quyền, nhiều đảng viên có chức, có quyền, có điều kiện nắm giữ tài sản, tiền bạc, cán bộ;... đất nước lại phát triển kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập, nhiều người lo lắng về Đảng, về bản chất Đảng, lo lắng mặt trái của cơ chế thị trường, của hội nhập quốc tế tác động vào Đảng. Bây giờ trong Đảng cũng có sự phân hóa giàu - nghèo, có những người giàu lên rất nhanh, cuộc sống cách xa người lao động; liệu rồi người giàu có nghĩ giống người nghèo không? Nhà triết học cổ điển Đức L.Phoi-ơ-bắc đã từng nói rằng, người sống trong lâu đài nghĩ khác người ở trong nhà tranh. Mai kia Đảng này sẽ là đảng của ai? Có giữ được bản chất là đảng cách mạng của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động, của dân tộc không? Thực tế đã có bộ phận suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Có người công khai bày tỏ ý kiến trái với Cương lĩnh, Điều lệ Đảng, làm trái nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, thậm chí có người "sám hối", "trở cờ"; tình trạng tham nhũng, quan liêu, xa dân, tổ chức không chặt chẽ, nhiều nguyên tắc của Đảng bị vi phạm. Đây là điều đáng lo ngại nhất và cũng là nguy cơ lớn nhất đối với một đảng cầm quyền, như Lê-nin và Bác Hồ đã từng cảnh báo. Chúng ta đã tiến hành công tác xây dựng Đảng thường xuyên, liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, với nhiều biện pháp, nhiều cuộc vận động, làm cho Đảng ta ngày càng tiến bộ, trưởng thành; song vẫn còn nhiều hạn chế. Các mặt khuyết điểm, yếu kém chưa khắc phục được bao nhiêu, có mặt còn phức tạp thêm, gây băn khoăn, lo lắng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tác động tiêu cực vào sức chiến đấu, vai trò lãnh đạo của Đảng. Đây thực sự là những cảnh báo không thể xem thường.

Bốn là, sự chống phá điên cuồng và quyết liệt của các thế lực thù địch, phản động. Âm mưu cơ bản, lâu dài của chúng là xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chủ nghĩa Mác - Lê-nin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Để thực hiện được âm mưu cơ bản đó, các thế lực thù địch đã áp dụng lần lượt hết chiến lược này đến chiến lược khác, hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, rất kiên trì, kiên quyết, xảo quyệt. "Diễn biến hòa bình" là một chiến lược nằm trong hệ thống chiến lược phản cách mạng của chủ nghĩa đế quốc, là "thủ đoạn hòa bình để giành thắng lợi". Nhiều chuyên gia và chính khách phương Tây còn gọi đây là phương pháp "chuyển hóa hòa bình", "biến đổi hòa bình", "cách mạng hòa bình" và gần đây là "cách mạng nhung", "cách mạng màu", "cách mạng đường phố"... Trong chiến lược này, hoạt động tư tưởng - văn hóa được họ coi là "mũi đột phá", là "cây cầu dẫn vào trận địa", là lĩnh vực hàng đầu làm tan rã niềm tin, gây hỗn loạn về lý luận và tư tưởng, tạo ra khoảng trống để dần dần đưa hệ tư tưởng tư sản vào, rồi cuối cùng xóa bỏ hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Chính các nhà tư tưởng của chủ nghĩa đế quốc đã tổng kết: "Có những việc 100 máy bay chiến đấu không thực hiện nổi, nhưng chỉ cần 10 sứ giả lại có thể hoàn thành"; "một đài phát thanh cũng có thể bình định xong một đất nước". Ngày nay "làn sóng điện đang thay thế thanh gươm; cây bút là phương tiện đi vào trái tim khối óc con người"; "một đô-la chi cho tuyên truyền có tác dụng ngang với 5 đô-la chi cho quốc phòng"; "kích động vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo là bốn đòn đột phá khẩu, bốn mũi xung kích để chọc thủng mặt trận tư tưởng chính trị".

Thời gian gần đây, các làn sóng chống đối ta về mặt tư tưởng chính trị lại rộ lên, có lúc dồn dập. Có thể là do tình hình thế giới và khu vực có những diễn biến mới; tình hình kinh tế - xã hội nước ta bên cạnh thành tựu lớn cũng xuất hiện những khó khăn và thách thức mới, các tệ nạn xã hội như tham nhũng, hối lộ, ma túy, mại dâm... tiếp tục gia tăng, sự phân hóa giàu nghèo phát triển. Tình trạng quan liêu, mất dân chủ làm dân bất bình dẫn đến khiếu kiện đông người ở một số nơi phức tạp. Các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chắc mẩm đây là cơ hội để họ dấn tới tác động, làm chuyển hóa tình hình, thay đổi đường lối ở nước ta, cho nên họ hoạt động rất điên cuồng với nhiều thủ đoạn và sách lược mới; vừa dùng các lực lượng, phương tiện từ bên ngoài, vừa tận dụng phát triển lực lượng ở trong nước ta để tạo ra sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", chống đối từ nội bộ Đảng ta, xã hội ta, hòng phá ta từ bên trong phá ra, làm cho "cộng sản tự diệt cộng sản", "cộng sản con diệt cộng sản bố". Họ đang cố tìm ra và dựng lên những "ngọn cờ" để chống ta. Một số người cơ hội chính trị, bất mãn cũng lợi dụng các diễn đàn, các mối quan hệ để truyền bá những quan điểm sai trái của mình, liên tiếp viết đơn thư, tài liệu vu cáo, đả kích chế độ ta, tác động vào nhân dân, nhất là thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, trí thức...

Nội dung các quan điểm của họ vẫn là những luận điệu lâu nay các nhà tư tưởng chống cộng đã từng nói và đã từng nhiều lần bị chúng ta phê phán, bác bỏ. Đại thể vẫn là phủ nhận thành tựu của cách mạng; thổi phồng khuyết điểm, tồn tại của chúng ta, bôi đen hiện thực, gieo rắc hoài nghi, phá rã niềm tin của nhân dân và cán bộ, quy kết là do đường lối sai, sự lãnh đạo, quản lý yếu kém của Đảng và Nhà nước. Phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ định con đường xã hội chủ nghĩa, định hướng xã hội chủ nghĩa; hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, phê phán, đổ lỗi cho Đảng, đòi đa nguyên, đa đảng. Kích động chia rẽ nội bộ, tung ra những luận điệu trong Đảng, trong Trung ương, Bộ Chính trị có phe này, phái kia; bịa đặt, xuyên tạc lịch sử; vu cáo, bôi nhọ một số đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, kể cả Bác Hồ, tìm mọi cách "hạ bệ thần tượng Hồ Chí Minh"... Những luận điệu của các thế lực thù địch và các phần tử phản động, cơ hội chính trị nói trên tuy không có gì mới, nhưng nó được tung ra, truyền bá vào lúc này là hết sức độc hại, nguy hiểm, gieo rắc hoang mang, nghi ngờ, phân tâm, mất niềm tin trong nội bộ ta, tác động hòng làm đội ngũ ta "tự diễn biến", "tự chuyển hóa".

Trong bối cảnh tình hình nêu trên, nếu Đảng ta không giữ được bản chất cách mạng của mình, không thật vững vàng về chính trị, tư tưởng; không thống nhất cao về ý chí, hành động; không trong sạch về đạo đức, lối sống; không chặt chẽ về tổ chức; không được nhân dân ủng hộ thì không thể đứng vững và đủ sức lãnh đạo đưa đất nước đi lên. Chính vì vậy mà Đảng ta luôn luôn nhấn mạnh phải đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn đối với Đảng ta, chế độ ta. Và đó cũng chính là những lý do giải thích vì sao lần này BCH Trung ương phải tiếp tục bàn và ra Nghị quyết về xây dựng Đảng.

II- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, QUÁ TRÌNH CHUẨN BỊ VÀ PHẠM VI CỦA NGHỊ QUYẾT TRUNG ƯƠNG 4

<

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/5/5/5/177916/Default.aspx