Xây dựng Bến xe Miền Đông mới: Khó khăn về công tác quản lý?

Nơi đặt bến xe mới trên địa bàn giáp ranh TP.HCM và Bình Dương (huyện Dĩ An - Bình Dương) đã khiến nhiều nhà quản lý không khỏi đau đầu.

Dự án di dời Bến xe Miền Đông (BXMĐ) mới với mức đầu tư khoảng 1.800 - 2.000 tỷ đồng với việc tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiến đi vào hoạt động sẽ giải quyết nhu cầu đi lại thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, nơi đặt BXMĐ mới trên địa bàn giáp ranh TP.HCM và Bình Dương (huyện Dĩ An - Bình Dương) đã khiến nhiều nhà quản lý không khỏi đau đầu. Chủ trương đúng UBND TP.HCM vừa trình Bộ Xây dựng xem xét, hướng dẫn về việc phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 bến xe Miền Đông mới do Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (Samco) làm chủ đầu tư. Theo UBND TP.HCM, BXMĐ mới là một trong những công trình đầu mối giao thông quan trọng tại cửa ngõ Đông Bắc của TP.HCM. Đây cũng là một trong các hạng mục công trình được ưu tiên thực hiện trong giai đoạn đầu theo Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải TP.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2007. Hiện các cơ quan chức năng TP đang xúc tiến đền bù giải tỏa ở khu đất dự kiến xây dựng bến xe mới và đã xác định phương án giá đền bù giải tỏa, chuẩn bị tham khảo người dân trước khi thực hiện. Việc xây dựng bến xe này sẽ phục vụ tốt hơn nhu cầu vận chuyển hành khách của TP sau những năm 2015 và 2020. Theo quy hoạch tổng thể BXMĐ sẽ có diện tích rộng hơn 16ha (gần gấp 3 lần diện tích bến xe cũ chỉ khoảng 6,2ha hiện đã quá tải nằm trong nội thành TP.HCM), bao gồm 10ha nằm trên địa bàn quận 9 (TP.HCM) và hơn 6ha tại xã Bình Thắng (huyện Dĩ An, Bình Dương). BXMĐ mới sẽ được xây dựng với quy mô lớn, hiện đại với các khu thương mại, dịch vụ. Cung cách phục vụ hành khách ở bến xe mới cũng sẽ được tổ chức như ở sân bay. Ông Lê Văn Pha - Phó Tổng giám đốc Samco cho biết: Bình quân mỗi ngày BXMĐ cũ (quận Bình Thạnh) đón 20.000 khách với khoảng 1.200 xe, dịp lễ Tết có hơn 3.000 lượt xe chở 60.000 khách. Dù đã được đầu tư nâng cấp nhiều giai đoạn nhưng mặt bằng và nhà ga bến xe chật hẹp nên trong những ngày cao điểm Tết, hàng ngàn hành khách phải chen chúc mua vé và loay hoay tìm xe. TP.HCM đang có chủ trương di dời các bến xe ra ngoại thành là việc làm cấp thiết. Samco cũng đã có kế hoạch di dời các tuyến xe khách liên tỉnh tại Bến xe miền Đông và Bến xe miền Tây đi nơi khác trước năm 2015. Công tác quản lý sẽ gặp khó khăn? Do đặc thù BXMĐ mới nằm sát xa lộ Hà Nội thông ra Quốc lộ 1A vị trí khu giáp ranh, khu vực các bến xe lại luôn phức tạp nhiều thành phần, vấn đề an ninh cũng cần được quan tâm phối hợp từ nhiều phía. Tại sao lại đặt ở vị trí giáp ranh, mà không đặt trong một quận, địa phương nào đó để quản lý tốt hơn? Ví như KTX Đại học Quốc gia TP.HCM đặt tại vị trí giáp ranh Bình Dương và Thủ Đức, khi có tội phạm xảy ra, không quản lý được, trách nhiệm lại chồng chéo. Ông Nguyễn Văn Đức - Phó Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng quận 9 cho biết: Phía quận 9 đã hoàn thành công tác kiểm kê đánh giá và bồi thường GPMB cho 22 hộ dân, 8 tổ chức. Số hộ dân này cùng hàng chục hộ dân khác phía Bình Dương sẽ được bồi thường tiền mặt hoặc được di dời vào khu tái định cư Long Sơn (quận 9), công tác đền bù GPMB hiện đang thuận lợi và khi dự án được khởi công sẽ tiến hành ngay công việc bàn giao GPMB. Trao đổi với PV Báo GTVT, ông Thượng Thanh Hải - Phó Giám đốc BXMĐ cho biết: Vấn đề quản lý là công việc rất phức tạp, bến xe là nơi tụ tập nhiều dân tứ xứ nhiều thành phần trà trộn gây mất an ninh trật tự. Bến xe hiện tại dù có gần 100 bảo vệ túc trực thường xuyên nhưng tình hình an ninh trật tự cũng hết sức phức tạp. Bài, ảnh: Vĩnh Phú

Nguồn Giao Thông: http://giaothongvantai.com.vn/Desktop.aspx/Quan-ly/van-tai/Xay_dung_Ben_xe_Mien_Dong_moi-Kho_khan_ve_cong_tac_quan_ly/