Xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn khuyết danh: Nhà nước hỗ trợ gia đình liệt sỹ xét nghiệm ADN

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày thương binh liệt sỹ, phóng viên Đại Đoàn Kết có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Sơn, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH), xung quanh vấn đề tìm và xác định danh tính cho các hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin.

Đất nước đã thống nhất được 36 năm nhưng còn rất nhiều gia đình liệt sỹ chưa tìm kiếm được phần mộ người thân của mình. Đảng và Nhà nước ta đã có những chính sách gì trong việc tìm và xác định danh tính đối với các hài cốt liệt sỹ hiện còn thiếu thông tin, thưa ông? Với công tác thương binh, liệt sỹ đặc biệt là công tác mộ và hài cốt liệt sỹ là một trong những nội dung đặc biệt quan tâm của Đảng và Nhà nước, chính vì thế mà ngay trong chiến tranh chúng ta đã có những chính sách về tử sỹ, liệt sỹ ở các đơn vị phục vụ chiến đấu và chiến đấu. Cụ thể, ngay từ năm 1947, Đảng và Bác Hồ đã có chỉ thị, chỉ đạo về công tác thương binh, liệt sỹ. Cho tới nay đã có 80% hài cốt liệt sỹ được quy tập về 3.000 nghĩa trang liệt sỹ trong cả nước. Và có một số ít thân nhân, gia đình liệt sỹ đưa về quê hương. Đây là một sự cố gắng rất lớn của Đảng, Nhà nước. Cuộc chiến tranh của chúng ta diễn ra rất dài, trên địa hình rất phức tạp và ác liệt nên hài cốt của các liệt sỹ an táng tại nhiều nơi. Sau chiến tranh tất cả các địa điểm do thời gian lâu nên đã thay đổi. Trong chiến tranh bom đạn cày đi xới lại nên việc quy tập tìm kiếm hài cốt là rất khó khăn. Các tư liệu lưu trữ cũng bị mất, hỏng do vậy công tác quy tập hài cốt liệt sỹ ngày càng khó khăn hơn. Vấn đề rất khó khăn hiện nay là chúng ta đang có 300.000 hài cốt liệt sỹ trong các phần mộ ở các nghĩa trang từ cấp xã tới tỉnh quản lí bị khuyết danh và còn hơn 200.000 liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và nơi an táng. Con số trên là rất lớn mà thời gian càng xa lại càng khó cho công tác tìm kiếm và xác định danh tính còn thiếu. Theo quy định khi hài cốt liệt sỹ đã được quy tập vào nghĩa trang thì thủ tục lấy mẫu sinh phẩm hài cốt liệt sỹ để giám định AND là rất khó khăn. Liệu có cách nào giúp cho các gia đình liệt sỹ xác định danh tính liệt sỹ khi phần mộ còn thiếu thông tin? Theo Nghị định 16 Chính phủ cho phép được di dời các hài cốt liệt sỹ về quê khi mà đã có danh tính. Việc này lâu nay các địa phương đã thực hiện. Trường hợp các mộ liệt sỹ khuyết danh thì trước hết phải có phần thông tin cơ sở thì mới có thể lấy mẫu sinh phẩm. Bởi việc khai quật mộ lên để lấy mẫu sinh phẩm là vấn đề tâm linh, văn hóa của người Việt Nam. Vì thế cho nên rất khó để lấy mẫu sinh phẩm xác định danh tính liệt sỹ khi phần mộ còn thiếu danh tính. Để giúp các gia đình liệt sỹ trong việc tìm kiếm hài cốt và xác định danh tính các phần mộ liệt sỹ còn khuyết danh, hiện Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng hai đề án: Một là Đề án tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ do Bộ Quốc phòng chủ trì và Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin do Bộ LĐTB&XH chủ trì. Hai đề án này phải trình Chính phủ vào cuối năm 2011. Hai đề án trên được Chính phủ thông qua sẽ tạo điều kiện cho việc xác định danh tính và tìm kiếm mộ liệt sỹ được thuận lợi hơn trong thời gian tới. Việc giám định ADN rất tốn kém (khoảng trên 10 triệu đồng một mẫu) trong khi đó phần lớn các gia đình liệt sỹ đều có khó khăn về kinh tế. Đề án Xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin do Bộ LĐTB&XH chủ trì xây dựng, có sự hỗ trợ nào cho các gia đình liệt sỹ trong việc giám định AND? Giám định ADN thì Nhà nước đã có chủ trương hỗ trợ cho các gia đình thân nhân liệt sỹ. Cục Người có công đã có hướng dẫn, có giới thiệu đi tới các trung tâm giám định. Theo đó, Cục đã ký hợp đồng với các Trung tâm giám định. Gia đình chỉ việc đưa mẫu sinh phẩm của các liệt sỹ và của gia đình đến Trung tâm và chờ kết quả giám định. Tiền giám định sẽ do Nhà nước trả, gia đình không phải trả bất cứ khoản phí nào. Ông có đánh giá như thế nào về khả năng tìm kiếm mộ liệt sỹ của các nhà ngoại cảm thời gian gần đây? Tôi không phủ nhận về khả năng của các nhà ngoại cảm. Tuy nhiên, số người có khả năng đặc biệt rất ít nhưng số người ăn theo thì lại nhiều quá và dường như ngày càng bị thương mại hóa. Vấn đề này cần phải có sự chấn chỉnh trong thời gian tới. Thông tin từ các nhà ngoại cảm chỉ có tính tham khảo. Để xác định đúng danh tính hài cốt liệt sỹ còn khuyết thông tin, phương pháp duy nhất là giám định AND. Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi! Ngọc Ước- Hồng Mây (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=35287&menu=1371&style=1