Xã Liên Hiệp (Phúc Thọ - Hà Nội): Ô nhiễm môi trường từ làng nghề

Nghề chế biến tinh bột sắn đã góp phần đưa đời sống của người dân xã Liên Hiệp khấm khá hơn trước rất nhiều. Thế nhưng cũng chính nghề trên đã khiến cho môi trường nơi đây rơi vào cảnh ô nhiễm trầm trọng, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân trong xã và các địa phương lân cận.

Rất nhiều bã sắn để ngổn ngang trước cổng UBND xã Liên Hiệp Mới đặt chân vào đầu xã Liên Hiệp, chúng tôi cảm nhận thấy mùi hôi, thối, chua nồng bốc lên. Tuy nhiên, với những người dân ở đây thì điều này đã trở nên quá quen thuộc. Dọc các tuyến đường vào các khu dân cư, nhìn chỗ nào cũng thấy bã sắn, nhà nhà đều có bã sắn. Bã sắn được phơi rộng khắp trên các triền đê, nhà văn hóa và ngày cả trước cửa UBND xã. Từng đống bã sắn chất đống ngổn ngang như từng “quả núi” khiến rất nhiều người khi lần đầu đặt chân đến đây không thể không rùng mình. Theo thông tin chúng tôi có được, toàn bộ số sắn mà người dân ở Liên Hiệp chế biến chủ yếu được nhập về từ Yên Bái. Trước khi đưa vào chế biến, sắn được cho vào máy quay làm sạch vỏ rồi nghiền nát, sau đó đãi sạch. Phần tinh bột sẽ được bán cho các nhà máy để làm bánh kẹo hoặc làm miến. Phần bã phơi khô dùng để chế biến thức ăn chăn nuôi. Vào đợt cao điểm, trung bình mỗi hộ gia đình một ngày có thể làm từ 3-4 tấn bã sắn. Để chế biến 1 tấn sắn cần tới 6m3 nước trong quá trình tinh lọc. Do đó có thể thấy được lượng nước mà hàng ngày người dân Liên Hiệp thải ra môi trường là rất lớn. Dạo một vòng quanh xã, các cống thoát nước lộ thiên đặc sệt rác sinh hoạt và rác thải của bã sắn, các ao hồ cũng chứa đầy nước thải. Chất thải của sắn năm này qua năm khác tồn đọng bốc mùi hôi thối nồng nặc. Đáng lo ngại là điểm tụ đọng ô nhiễm nhiều nhất lại gần trường tiểu học và trung học cơ sở xã Liên Hiệp, ảnh hưởng đến sức khỏe các em học sinh. Mới đây nhất, trường học phải cho học sinh nghỉ vì... muỗi bay vào lớp quá nhiều. Nhiều người dân cho biết: “Chúng tôi ít ruộng, có mỗi nghề làm sắn nên hầu như các gia đình đều theo nghề này. Cũng muốn có hệ thống lọc nước để giảm ô nhiễm môi trường nhưng lực bất tòng tâm, bởi để có một hệ thống đó phải bỏ ra vài chục triệu thì mới làm được, nhưng nông dân biết lấy đâu ra. Thành thử biết là độc hại nhưng vẫn phải sống, lâu rồi cũng quen”. Theo ông Từ Tất Cán, Phó chủ tịch xã Liên Hiệp: “Làng nghề chế biến tinh bột sắn được hình thành từ những năm 1986 và đến năm 2003 thì được tỉnh (Hà Tây cũ) phê duyệt và công nhận là làng nghề. Chúng tôi thừa nhận làm nghề này độc hại và ô nhiễm nghiêm trọng nhưng đó là nghề truyền thống của bà con nên không thể cấm được”. Kết quả kiểm nghiệm gần đây cho thấy, nhiều giếng nước sinh hoạt của xã Liên Hiệp có nồng độ asen (chất gây ung thư) vượt quá tiêu chuẩn cho phép 5 lần, có giếng còn gấp đến 8 lần. Mặc dù vậy, đa phần các hộ dân trong xã vẫn không dùng nước máy thay cho nước giếng. Theo ông Đinh Trọng Du, trạm trưởng trạm y tế xã, số trẻ em mắc bệnh ho và suy hô hấp tăng đột biến trong những năm gần đây. Chỉ trong vòng một tháng có tới 300 trẻ em nhiễm bệnh đường hô hấp phải đến trạm y tế điều trị. Số người chết vì bệnh ung thư năm sau luôn cao hơn năm trước. Do vậy, mong muốn lớn nhất của người dân xã Liên Hiệp lúc này là các cơ quan chức năng cần sớm triển khai quy hoạch làng nghề. Chỉ như thế mới giảm thiểu được mức độ ô nhiễm như hiện nay. Nguyễn Bắc

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=29759&menu=1504&style=1