Vượt năm “bản lề” đón hội nhập

Đi qua với nhiều thách thức và áp lực dồn nén để bắt nhịp những mục tiêu phát triển của giai đoạn mới, ngành ngân hàng đã vượt năm Ất Mùi 2015 cùng các cột mốc đáng nhớ.

Với sự hợp tác, mở rộng, nâng tầm chất lượng và quy mô, các ngân hàng VN đang tự tin bước vào hội nhập. Ảnh: Lễ ký kết hợp tác giữa BIDV với ngân hàng Ngoại thương Nga (VTB) tại Diễn đàn “DN Việt – Nga: Thúc đẩy hợp tác và thanh toán song phương” ở Matxcova ngày 12/11/2015

Các cột mốc ấy cũng là nền tảng được củng cố lại, để ngành bước vào giai đoạn hội nhập các chuẩn mực quốc tế, cạnh tranh “phẳng” cùng những ngân hàng bạn ở thị trường sân nhà – sân AEC lẫn toàn cầu.

Sự kết nối hiện tại…

Steve Jobs, nhà sáng lập Apple từng chia sẻ quan niệm của ông về hiện tại và tương lai: “Hãy tin tưởng rằng theo một cách nào đó, những cột mốc trong cuộc đời rồi sẽ nối kết với nhau trong tương lai…”. Với ngành ngân hàng, những cột mốc của năm Ất Mùi chính là các then bản lề mở ra và nối kết với tương lai 2016, xa hơn, khi ngành này bước vào giai đoạn phát triển 2016-2020 với sứ mệnh khẳng định mình trong cộng đồng kinh tế AEC và toàn cầu. Cột mốc đầu tiên trong tổng thể của ngành ngân hàng năm qua, xứng đáng được đánh dấu son của một chu kì dài ba năm “vật vã” với nợ xấu. Từ chỗ nợ xấu toàn ngành trên 15% tính ở năm 2012, nay đã về mức an toàn dưới 3%, theo đúng chuẩn an toàn quốc tế . Đây là cột mốc đánh dấu ngành đã vượt qua những chặng đường đầu tiên mở đường cho sự hanh thông huyết mạch của nền kinh tế. Song hành cùng với sự ổn định chung của nền kinh tế, ngành ngân hàng cũng đã có một năm “đáp cánh” đẹp ở các chỉ tiêu: Tăng trưởng tín dụng đạt mục tiêu đã định 18%, tỷ giá ổn định, linh hoạt và thích ứng với biến động thị trường, lãi suất được đưa về mức thấp nhất nếu so với diễn biến lãi suất của ngành gần 1 thập kỷ qua, thanh khoản vững… Bên cạnh những cột mốc sáng, tất nhiên vẫn còn tồn tại mà ngành cần thêm thời gian để xử lí dài hạn như: Giải quyết hoàn toàn hệ quả nợ xấu đang đọng ở VAMC, giảm tiếp số lượng các ngân hàng có hiệu suất hoạt động không cao để nâng tầm các tổ chức tín dụng quy mô lớn, đủ năng lực cạnh tranh với mọi sân nhà, sân khách… . Dù vậy, bằng những con số, động thái cụ thể, ngành ngân hàng vẫn thể hiện một sức sống mới sau tái cấu trúc sáng rõ nhất, sức sống của ngành đã đi đầu và chạm đích tái cấu trúc so với hai “mũi nhọn” còn lại cùng một xuất phát điểm phải thay đổi là đầu tư công và DNNN. Như vậy, “Tổng tư lệnh” ngành ngân hàng, Thống đốc Nguyễn Văn Bình vì vậy, đã có một năm điều hành thành công!

Ngành ngân hàng đã thể hiện một sức sống mới sau tái cấu trúc.

Đến niềm tin tương lai

Với những cột mốc hiện tại trên những dặm hành trình còn dài ở phía trước, chúng ta có thể “Vững tin vào sự quyết tâm, vận mệnh, cuộc sống, nhân quả… miễn là giữ niềm tin” – theo đúng những từ khóa mà nhà sáng lập “Quả táo căn dở” đã tri nghiệm?

Câu trả lời là: Có thể ! Bởi, so sánh ngay trong bức tranh tương lai đang mở ra trước mắt ở năm Bính Thân, các tổ chức tín dụng trong hệ thống hiện đang sẵn sàng ở sân chơi mới. Thi triển nhiệm vụ áp dụng chuẩn Basel II ở 10 tổ chức tín dụng hàng đầu mà NHNN đề ra năm 2015, trên nền tảng nợ xấu và tái cấu trúc đã “đâu vào đó”, là một trong những chuẩn mực của sự sẵn sàng. Đầu năm 2016, Thống đốc Nguyễn Văn Bình ban hành cơ chế điều hành tỷ giá trung tâm, thả nổi tỷ giá có điều tiết – cũng là sự sẵn sàng của chính sách điều hành tiền tệ của cơ quan quản lý ngày càng tiệm cận những thuộc tính kinh tế thị trường. Tuy tỷ giá được đánh giá vẫn còn tiềm ẩn những rủi ro, Ngân hàng Nhà nước cũng chưa thực sự “mạnh tay” qua quyết định “thả nổi một phần”, nhưng những bước đi dần về hướng thị trường khá cơ bản, đã củng cố thêm niềm tin trên hành trình tương lai mới. Chính sách là quan trọng, nhưng thị trường còn quan trọng hơn. Cân bằng giữa chính sách và thị trường, ngoái lại phía sau là người bẻ lái hệ thống vững tay, là kho dự trữ ngoại hối đang dần đầy hơn, với những tổ chức trên toàn hệ thống nỗ lực minh bạch hơn. Sẵn sàng để xây dựng niềm tin, chính là một cộc mốc khác mà NH đang tôn đắp.

Dù vậy, đến AEC và tương lai xa hơn là chặng đường 5 năm đến 2020, là TPP với một Cộng đồng kinh tế chiếm gần 1/2 GDP toàn cầu, một lần nữa, câu chuyện thời gian lại được đặt ra. Thời gian sẽ giúp chúng ta hoàn toàn tự tin, đặt niềm tin trọn vẹn rằng với quy mô của những tổ chức đầu ngành của ngân hàng Việt Nam hiện tại, dù đang nhỏ hơn 1,2 – 1,5 lần quy mô của những tổ chức tín dụng khác trong khối Asean từ Thailand, Indonesia, Phillippine, hoặc nhỏ hơn 3-4 lần so với các tổ chức tín dụng từ Malaysia, Singapore… thì khoảng cách này cũng đang được rút ngắn. Theo đó, hướng mục tiêu chỉ còn 15 nhà băng là một then khóa hé lộ cánh cửa của hành trình tái cấu trúc mới.; Ngưỡng cửa năm Bính Thân cũng đang rút ngắn lại khoảng cách đến những mục tiêu ấy.

“Chiến lược xoay trục châu Á với trọng tâm là ASEAN”

Ông Phạm Hồng Hải – Phó Tổng Giám đốc NH HSBC

Có thể nói phần nhiều nỗ lực cải cách NH của Việt Nam là để chuẩn bị hệ thống cho sự hội nhập kinh tế sâu, rộng, nhất là AEC. Việt Nam sẽ đứng trước sự cạnh tranh rất mạnh mẽ từ các NH trong vùng. Hiện tại, đã có NH 100% vốn nước ngoài, chi nhánh NH nước ngoài và văn phòng đại diện của các NH ASEAN tại Việt Nam. Một số các NH này đều có giấy phép mở cửa tại Việt Nam từ những năm 90 cho thấy tầm nhìn rất dài hạn của các nước phát triển trong cộng đồng ASEAN. Cho tới thời điểm hiện nay, tôi nghĩ NH nội vẫn cần cải thiện về vốn, công nghệ, kinh nghiệm quản trị rủi ro và con người để cạnh tranh với các NH ngoại. Đa phần các NH nội đang dùng chiến lược cạnh tranh về giá để phát triển. Tuy nhiên, chiến lược về giá sẽ khó bền vững. Do đó, cải cách hệ thống NH Việt Nam cần được đẩy nhanh để đảm bảo các NH của Việt Nam đủ sức khỏe để cạnh tranh với các NH khác trong vùng. HSBC đã đồng hành cùng các nền kinh tế, khách hàng trong những giai đoạn phát triển và cả khủng hoảng kinh tế với sự có mặt tại 7 trên 10 nước thành viên Asean. Điều này có nghĩa là NH đang ở vào vị thế chiến lược để hỗ trợ nguồn vốn và thương mại giữa các nước trong vùng ASEAN. Với Việt Nam, chiến lược của HSBC là tận dụng mạng lưới quốc tế tại 72 quốc gia và vùng lãnh thổ để kết nối khách hàng tại Việt Nam với những cơ hội kinh doanh toàn cầu, đồng thời hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài khi họ tìm hiểu và muốn đầu tư vào Việt Nam.

“Ưu tiên hàng đầu là quản trị ”

TS Lê Thành Trung – P.Tổng Giám đốc NH HDBANK

Trong tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều bất ổn thì NH, nơi tiên phong trong hoạt động bơm vốn ra thị trường cho các hoạt động sản xuất kinh doanh… Vì vậy, vấn đề quản trị NH trong thời gian tới là quan trọng nhất với việc nâng cao chất lượng quản trị, dự báo, chiến lược… là mục tiêu cao nhất. Bên cạnh dự báo lãi suất, tỷ giá, mối quan tâm sát sườn của các NH nói chung, HDBank nói riêng là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế năm nay đến đâu. Ngoài các hoạt động truyền thống, đặc thù ngành NH phải theo các chuẩn mực nhất định. Nhà quản trị phải nắm bắt xu hướng, thay đổi theo trào lưu chung của tiến trình phát triển. Định hướng năm 2016, HDBank sẽ chú trọng về chất hơn về số lượng. Chất ở đây chủ yếu tập trung phát triển dịch vụ, hoàn thiện sản phẩm đang có, đưa ra sản phẩm mới dựa trên nền tảng công nghệ. Hiện mặt bằng lãi suất huy động, cho vay (tức giá thành đầu vào, đầu ra) đã ổn định, nên hiệu quả kinh doanh phụ thuộc nhiều vào công nghệ và con người. HDBank có đặc trưng riêng để lên tiếng với thị trường và để khách hàng chú ý. Về cơ bản, sản phẩm của các NH về cơ bản giống nhau, nhưng giá của chúng khác nhau. Để đạt một mức lợi nhuận nhất định, NH phải bán được nhiều sản phẩm hoặc giá vốn phải rẻ. HDBank nỗ lực bán sản phẩm theo thị trường, nhưng chất lượng phải hơn và giá thành phải cạnh tranh. Đây mới là cốt lõi của vấn đề và đây mới là điểm gút cạnh tranh.

Lê Mỹ

Nguồn DĐDN: http://enternews.vn/vuot-nam-ban-le-don-hoi-nhap.html