Vui buồn nghề làm đẹp cho người cõi âm

Song Hồ (Thuận Thành, Bắc Ninh) không chỉ nổi tiếng với làng tranh Đông Hồ mà còn được biết đến với làng nghề làm vàng mã Đạo Tú. Bước chân vào làng, du khách như lạc vào một thế giới khác lạ với giấy, màu, nan tre, đặc biệt là các mô hình được bày biện khắp nơi, từ máy bay, tàu lửa, nhà lầu đến ngựa, voi, cung điện… Người dân thì cứ tất tả, cần mẫn ngồi cắt, dán, ghép, tỉ mỉ từng mẩu giấy, nét bút.

Cái nghề tưởng nhàn…

“Cái nghề này chẳng bỏ đi thứ gì. Thậm chí còn tái sự dụng những loại giấy đã bỏ đi. Giấy được tập hợp để làm hàng mã, khi vụn thừa lại được thu gom tái chế. Chỉ khi đốt đi thì mới kết thúc.”, một người làm nghề lâu năm tâm sự.

So với nhiều làng nghề truyền thống khác thì dường như nghề làm mã nhẹ nhàng, “sạch sẽ” hơn cả. Công việc chỉ quanh đi quẩn lại với hồ dán, với giấy màu, bìa carton rồi những sợi dây màu tua rua đẹp mắt. Song cái nghề này cũng đòi hỏi lắm công phu. Ấy là sự tỉ mỉ, là cái khéo léo của đôi bàn tay, là sự tài hoa trong việc phối ghép và cần có cả sự sáng tạo khi làm nên những mẫu mã mới. Chả thế mà người dân làng thường nói vui: “Cả nhà có nghề thiết kế thời trang”. Quả thực cứ trên trần có gì thì nơi đây cũng sản xuất ra cái đó nhưng chất liệu chỉ là hàng mã để phục vụ người cõi âm. Nói vậy nhưng các sản phẩm đều có sự đầu tư khá kỹ về “kiểu dáng”, “chất liệu” thậm chí còn phải theo xu hướng hiện thời.

…mà cũng cực thân

Anh Hữu Thọ, một người làng tâm sự: “Một ngày anh chỉ khắc được tầm ngót nghét 20 thếp thiếc. Những ngày lạnh, tay cước, sưng lên, cộng cả miếng lót cao su bên dưới cứng lại làm cây kim nảy ngược lại càng mạnh hơn làm tay càng đau hơn.”

“Làm cái này lương gia công thấp lắm, nhưng gia đình từ bao lâu nay vẫn cứ theo nghề. Làm nhiều nó thành quen và không bỏ được”, anh chia sẻ.

Khắc những tấm thếp thiếc cần độ tỉ mỉ rất cao. Những đường chấm nhỏ rất dễ bị khắc sai nếu ai làm không quen tay.

Tay làm nhiều bị chai. Thậm chí, nhiều khi kim đập ngược lại nhiều máu tụ lại để lại những mảng chai màu máu đỏ thẫm. Nhưng lâu dần cũng cứng lại rồi tự bong.

Người làng Đạo Tú khá giả lên cũng nhờ buôn hàng mã. Nhưng số đó thực cũng không phải phần đông. Vì đa số, người dân làm hàng mã vẫn ở trong làng, các gia đình trong làng thì phần lớn đều làm theo kiều chuyên hóa một mặt hàng và thường thì nhân công là của gia đình là chính. Nên, quy mô cũng chỉ xoay trong kiểu “hộ gia đình”.

Một người dân chia sẻ, một túi đủ đồ như nhà bác làm bao gồm mũ, ngai bán buôn là 13 nghìn đồng. Nhưng nguyên liệu chính vẫn phải nhập. Thực ra, giá chênh để bán chẳng đáng là bao mà đa phần là “lấy công làm lãi”, có khi, chẳng thu được nhiều lãi bằng những người buôn đồ ra các thành phố lớn. Mà hiện nay, hầu như nhà nào cũng làm hàng mã mà cạnh tranh nhau dữ lắm, người ta không mua nhà mình thì người ta mua nhà người khác. Vì thế, cũng chẳng mong làm giàu nhờ nghề này.

Công việc này đã gắn liền với cuộc sống của người làng Đạo Tú

Giờ đây, những người làm hàng mã ở Đạo Tú không cực như trước. Họ có thể dùng súng phun keo, dùng dập ghim thay vì chỉ có dùng mỗi hồ “bột sắn” nấu lên để làm nữa, họ có cả cưa máy để cắt giấy nhanh gọn. Công việc chân tay phần nào được giảm thiểu. Tuy nhiên, khi hỏi bất kỳ ai trong làng rằng họ có thấy vất vả không thì người làng chỉ trả lời một câu rằng, họ làm vì cái tâm với những người cõi âm. “Mình làm đại khái quá là không tôn trọng những người đã khuất. Làm cái gì cũng phải thật chỉn chu, nếu không là có lỗi lắm.”, một bác gái trong làng chia sẻ.

Cái cách họ gọi các sản phẩm theo một ngôn ngữ rất riêng cũng cho thấy tình yêu với nghề của họ. Nào là giấy dán gọi là “vải”, trang phục của người âm cũng gọi là ngai vàng, là mũ, là đồ dùng cá nhân. Thậm chí, có nhà còn để biển là “Đồ dùng sinh hoạt, đồ chơi trẻ em” nghe qua cứ tưởng hàng bán bình thường.

Cứ độ giáp tháng Chạp hay rằm tháng Bảy cả làng lại đông đúc hơn thường rất nhiều. Nhiều xe ô tô tải lớn tới chở hàng đi bán khắp cả nước. Nhu cầu lễ hội dịp đầu Xuân mới không ít nên người làng chẳng khi nào ngơi tay. “Nếu được ngày thì mùng 1 cũng mở hàng”, bác Mến, một người chuyên làm mũ chia sẻ. Nếu không, thì cứ mùng 3 là người dân lại mở cửa và bắt đầu cắt dán để chuẩn bị đồ phục vụ nhu cầu sau Tết của người dân.

Hải Yến

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/van-hoa-khong-gian-song/vui-buon-nghe-lam-dep-cho-nguoi-coi-am