Vua nào giàu có và được yêu mến nhất thế giới?

Quốc vương Thái Lan Bhumibol Adulyadej là vị vua hiếm hoi trên thế giới hiện đại cùng lúc có được khối tài sản khổng lồ, quyền lực trên chính trường, sự sùng kính của người dân trong nước và trọng thị của nước ngoài.

Vị thánh sống

Đến đất nước Thái Lan, người nước ngoài thấy ngay sự hiện diện của nhà vua Bhumibol Adulyadej ở khắp mọi nơi.

Dù hiếm khi xuất hiện trước công chúng bởi tuổi cao sức yếu, nhưng đức vua có mặt khắp đất nước Thái Lan. Tranh, ảnh chân dung của ông với khổ lớn treo ngay mặt tiền của các tòa nhà, ngay tại lối vào sân bay và bắt buộc treo tại các công sở và trường học.

Vua Bhumibol thời trẻ. Ảnh: Pinterest

Phóng viên Petchanet của tờ The Nation đặt cho mình nick “Petchanet yêu mến Đức Vua” trên trang Facebook cá nhân. Petchanet chỉ là một trong vô số người Thái trẻ luôn thể hiện lòng sùng kính với Vua Bhumibol, như thể người là vị thánh sống, trên mạng xã hội.

Cựu nhà báo Kulachada từng thường trú tại Việt Nam lý giải, đời sống của người dân Thái Lan hàng chục năm nay luôn gắn liền với Vua Bhumibol. Người dân Thái lo sợ trước mọi thông tin không tốt về sức khỏe của đức vua.

“Điều họ sợ nhất là nếu nhà vua có mệnh hệ gì …” – Kulachada nói thêm rằng nỗi lo sợ ngày càng thường trực khi nhà vua đã bước sang tuổi 88.

“Một số người nói rằng đã 50 năm qua đi, chúng ta lại mong có thể chúc tụng nhau sau 50 năm nữa; khi đó đã là 100 năm rồi. Sau 100 năm, tôi sẽ 118 tuổi” – nhà vua từng chia sẻ sau lễ kỷ niệm 50 năm ông lên ngôi (vào năm 1950).

Gia đình hoàng gia Thái Lan. Ảnh: Telegraph

Thời điểm năm 2010, khi đức vua nhập viện và tình hình sức khỏe có nhiều diễn biến xấu, vô số người dân Thái thấp thỏm ngóng tin ông. Tại bệnh viện người điều trị, mỗi ngày có hàng ngàn người ở mọi độ tuổi thành tâm, kính cẩn tới thăm hỏi và cầu nguyện mong nhà vua sớm mạnh khỏe.

Điều khiến người nước ngoài ngạc nhiên nhất có lẽ là, ở một đất nước dân chủ và hiện đại, giao lưu văn hóa phương Tây cởi mở như Thái Lan, người dân và quan chức chính phủ lại sẵn sàng phủ phục, hoặc quỳ gối trước một vị vua.

Những nghi lễ như vậy đã được bãi bỏ từ thế kỷ 19, nay lại được khôi phục dưới thời Vua Bhumibol. Tờ New York Times nhận định: Dường như các thần dân của Vua Bhumibol coi họ chỉ là “cát bụi dưới chân người”.

Sự thuần phục và sùng kính của người dân đối với Vua Bhumibol Adulyadej lại không liên quan trực tiếp tới khối tài sản khổng lồ mà nhà vua sở hữu.

Người dân phủ phục khi tới viếng thăm bệnh viện, nơi Vua Bhumibol điều trị. Ảnh: Reuters

Vị vua giàu có nhất thế giới

Kế vị anh trai là Vua Anada Mahidol vào năm 1946, Vua Bhumibol lên ngôi Quốc vương Thái Lan vào ngày 5/5/1950 tại Cung điện Hoàng gia ở Bangkok. Sau gần 7 thập kỷ cầm quyền, ông là người trị vì lâu nhất trong lịch sử Thái Lan.

Dù không trị vì trong một chính thể quân chủ với dầu mỏ là nguồn tài nguyên dồi dào, Vua Bhumibol Adulyadej, còn gọi là Vua Rama IX, nhưng báo chí phương Tây ước đoán số tài sản của ông nhiều gấp bội so với các ông hoàng ở Ả Rập và Brunei.

Tờ Business Spectator và Forbes ước tính tài sản ròng của Quốc vương Thái Lan vào khoảng 30 tỷ USD, chủ yếu nguồn thu nhập đến từ cổ phần trong các doanh nghiệp, đầu tư bất động sản. Có báo nói số tài sản này là 37 tỷ USD.

Văn phòng Tài sản Hoàng gia (CPB) là cơ quan quản lý khối tài sản của Vua Bhumibol và gia đình hoàng gia Thái Lan.

Qua CPB, nhà vua sở hữu nhiều loại tài sản rải rác khắp Thái Lan cũng như cổ phần trong nhiều công ty, bao gồm 30% cổ phần tại Siam Cement (tập đoàn công nghiệp lớn nhất Thái Lan), và 20% cổ phần trong Ngân hàng Thương mại Siam (trong số những ngân hàng lớn nhất), cổ phần cá nhân tại Công ty Bảo hiểm Thái Lan và Sammakorn.

Người dân cầm ảnh của nhà vua Bhumibol nhân dịp sinh nhật người. Ảnh: Thaispa

Gia đình hoàng gia Thái Lan sở hữu khu đất rộng trên 12km 2 ngay ở trung tâm Bangkok. Có khoảng 36.000 tài sản các loại của CPB được cho thuê mướn. Các tài sản do CPB sở hữu còn có Khách sạn Bốn mùa, Chợ đêm Suan Lum và Central World Tower.

Vua Bhumibol Adulyadej cũng là người sở hữu viên kim cương Golden Jubilee 545 carat, viên kim cương có mặt cắt lớn nhất thế giới, trị giá 12 triệu USD.

Khối tài sản khổng lồ trên tạo ra nguồn thu nhập hàng năm trị giá hàng triệu USD. Theo luật Thái Lan, số tiền này có thể chi tiêu ‘tùy ý của nhà vua’.

Nhiều người thắc mắc rằng gia đình hoàng tộc với 30 tỷ USD sẽ chi tiêu như thế nào. Thực tế, hầu hết các khoản chi đó đều được giữ kín và riêng tư, nhưng có ước tính cho rằng cung điện Thái Lan chi khoảng 500 triệu USD mỗi năm, tức là gấp 10 lần so với chi tiêu của hoàng gia Anh.

Tuy nhiên, ngay sau khi tạp chí Forbes công bố Quốc vương Bhumibol là nhân vật hoàng gia giàu nhất thế giới, ngày 23/8/2008, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã ra thông cáo nói rằng thông tin mà tờ tạp chí này đưa ra là không chính xác và mâu thuẫn.

Đón đọc kỳ sau: Vị vua giàu nhất thế giới, hào phóng nhất thế giới

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/the-gioi/vua-nao-giau-co-va-duoc-yeu-men-nhat-the-gioi-660657.html