Vụ thẩm mỹ viện Cát Tường: Bác sĩ "ném xác" có thể bị tử hình

(ĐSPL) - Khi trao đổi về vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, Luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” theo quy định tại Khoản 1 (Điều 93, BLHS), ông Tường có thể bị mức án cao nhất là tử hình".

(ĐSPL) - Khi trao đổi về vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường, Luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Nếu bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” theo quy định tại Khoản 1 (Điều 93, BLHS), ông Tường có thể bị mức án cao nhất là tử hình".

Như tin đã đưa, trưa ngày 19/10, chị Lê Thị Thanh Huyền sau khi tiến hành phẫu thuật nâng ngực tại Thẩm mỹ viện Cát Tường đã bị chết lâm sàng và tử vong. Sau đó, bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường, giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường, bác sĩ khoa ngoại bệnh viện Bạch Mai, đã đưa thi thể chị Huyền ra sông Hồng ném xác phi tang.

Vụ việc này đã làm nóng dư luận trong những ngày qua. Trong đó, có nhiều người đặt nghi vấn rằng, nếu ngay từ khi phát hiện chị Huyền có biểu hiện co giật, BS Tường nhanh chóng đưa bệnh nhân vào BV Bạch Mai gần đó cấp cứu thì bệnh nhân có thể thoát chết hay không?

BS Hoàng Quốc Kỷ - nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội)

Để giải đáp thắc mắc này, PV đã có cuộc trao đổi với BS Hoàng Quốc Kỷ - nguyên Giám đốc bệnh viện Việt Nam - Cuba (Hà Nội), chuyên gia hàng đầu về p hẫu thuật tạo hình thẩm mỹ . Theo đó, ông Kỷ cho biết, bệnh nhân hoàn toàn có cơ hội sống nếu được cấp cứu kịp thời.

"Kể từ khi bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu co giật, BS tiên lượng tình hình không tốt đưa ngay vào BV Bạch Mai cấp cứu thì bệnh nhân có thể thoát chết". Tuy nhiên, nếu "hơn 1 tiếng sau khi bệnh nhân xuất hiện tím tái, khó thở, mạch khó bắt, huyết áp không đo được, BS mới cho thở ôxy, truyền thuốc trợ tim thì không ăn thua".

Cũng theo ông Kỷ, nếu lúc đó, BS Tường khẩn trương vừa bóp bóng oxy, vừa chuyển bệnh nhân vào khoa cấp cứu - BV Bạch Mai gần đó để đặt nội khí quản duy trì hô hấp thì có thể bệnh nhân còn cơ hội sống. Nhưng đáng tiếc là, ông Tường đã xử lý không tích cực khiến bệnh nhân tử vong.

Còn có ý kiến thắc mắc, vì sao chị Huyền khi thực hiện phẫu thuật này lại bị tai biến, nguyên nhân là do đâu?

BS Hoàng Quốc Kỷ cho biết, bất kể thủ thuật nào trên người cũng có thể gây tai biến. Với trường hợp chị Huyền, trong quá trình thực hiện lấy mỡ, bơm mỡ vào ngực đã xảy ra các rủi ro. Và theo ông Kỷ thì có hai giả thiết: "Để giảm đau cho bệnh nhân, BS thường phải dùng thuốc gây tê, có thể bệnh nhân đã bị sốc thuốc gây tê rồi tử vong. Hoặc khi tiêm dung dịch mỡ vào ngực có thể tiêm vào tĩnh mạch, mỡ đã đi vào mạch máu gây tắc mạch do mỡ khiến tắc động mạch phổi dẫn đến suy hô hấp và tử vong. Để có được kết luận rõ ràng về nguyên nhân tử vong vẫn phải dựa trên kết quả giải phẫu tử thi".

Bên cạnh đó, cũng có người nhận định, trong vụ việc này, bác sĩ Tường thực hiện một lúc 3 thủ thuật gây mê, phẫu thuật và hồi sức là hành động nguy hiểm.

Theo giới chuyên môn, gây mê và gây tê rất quan trọng trong quá trình phẫu thuật. Không thể nói gây tê, gây mê, phẫu thuật và hồi sức quá trình nào quan trọng hơn, càng không thể một bác sĩ thực hiện cả 3 thủ thuật vừa gây mê – vừa phẫu thuật – vừa hồi sức.

Nguyễn Mạnh Tường tại nơi vứt xác nạn nhân phi tang.

Ngoài ra, trong quá trình bơm ngực, việc hút mỡ tự thân bơm ngực đòi hỏi kỹ thuật cao, và rất nguy hiểm, không phải ai cũng có thể làm được, nhất là các thẩm mỹ viện tư không đủ trang thiết bị.

Như vậy, bất cứ góc độ nào, hành động của bác sĩ Tường cũng mang lại nguy hiểm cho bệnh nhân, sớm hay muộn cũng xảy ra biến chứng.

Trong khi đó, tính đến 12 giờ hôm nay (15/10), lực lượng chức năng và gia đình vẫn chưa tìm thấy thi thể chị Huyền. Trước những khó khăn trong công tác tìm kiếm thi thể chị Huyền, nhiều ý kiến băn khoăn liệu Nguyễn Mạnh Tường có bị xử lý về tội “giết người” hay không?

Về vấn đề này, luật sư Dương Kim Sơn (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, để xác định được chính xác tội danh của Tường, ngoài lời khai của các bị can thì cần phải có kết quả giám định pháp y. "Nếu kết quả giám định pháp y phát hiện trong ngực, bụng nạn nhân có nước thì Nguyễn Mạnh Tường sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “giết người” theo quy định tại Khoản 1 (Điều 93, BLHS) với tình tiết tăng nặng là “giết người để che giấu tội phạm khác” và “giết người vì động cơ đê hèn”. Nếu bị truy tố ở khung hình phạt này, ông Tường có thể bị mức án cao nhất là tử hình".

Mục Đồng (Tổng hợp)

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/xa-hoi/vu-tham-my-vien-cat-tuong-bac-si-nem-xac-co-the-bi-tu-hinh-a6575.html