Vụ đánh nhầm gây chết người: Nhân chứng tố bị đe đọa

Bị cáo tố bị bức cung, dùng nhục hình nên mới nhận tội, hai nhân chứng cũng tố bị điều tra viên đánh, hăm dọa nên mới phải đổ tội cho bị cáo.

Ngày 2/2, TAND tỉnh Bình Phước mở lại phiên xử sơ thẩm vụ bị cáo Phạm Duy Lăng (ngụ xã Phước Sơn, Bù Đăng) bị khởi tố về tội giết người, bị bắt tạm giam bảy năm nay nhưng các cơ quan tố tụng vẫn chưa thể kết tội được.

Tại phiên tòa, bị cáo Lăng khai bị điều tra viên đánh nên ban đầu mới nhận tội. Ảnh: báo Pháp luật TP. HCM

Nhiều phiên xử vẫn chưa thể kết án

Theo báo Người lao động, cáo trạng thể hiện, khoảng 16 giờ ngày 23/3/2009, Lăng đi dự đám cưới của Hoàng Văn Giang (ngụ thôn 5, xã Phước Sơn, Bù Đăng). Trong lúc nhậu, Lăng nảy sinh mâu thuẫn với nhóm thanh niên xã Thống Nhất (cũng là khách dự đám cưới). Sau đó, hai bên lao ra đường đánh nhau. Trong lúc ẩu đả, Lăng bị Chu Quang Tùng (26 tuổi, ngụ xã Thống Nhất, Bù Đăng) dùng đá đánh trúng mắt gây chảy máu.

Sẵn có hơi men trong người lại bị đánh nên Lăng tức giận chạy vào nhà bà Triệu Thị Tích ở đối diện đám cưới, vớ cây chày sắt chạy ra đánh nhóm thanh niên xã Thống Nhất nhưng không đánh được ai.

Thấy Trương Thanh Thức (26 tuổi, ngụ xã Đức Liễu, Bù Đăng) đứng gần đó, Lăng tưởng thuộc nhóm thanh niên xã Thống Nhất nên dùng chày sắt đánh liên tiếp vào đầu anh Thức khiến nạn nhân ngất xỉu. Dù được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, đến ngày 26/3/2009, anh Thức tử vong.

Đến ngày 28/6, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Phạm Duy Lăng 16 năm tù về tội “giết người”.

Tuy nhiên, sau khi bản án sơ thẩm đầu tiên (phạt Lăng 16 năm tù) bị Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao hủy hồi tháng 9/2011, từ đó đến nay TAND tỉnh Bình Phước đã nhiều lần mở lại phiên tòa sơ thẩm nhưng liên tục hoãn xử, chưa thể tuyên án vì chứng cứ kết tội Lăng không rõ, mâu thuẫn…

Liên quan đến vụ việc, báo Pháp luật TP. HCM cũng cho hay, không chỉ dừng lại ở việc mâu thuẫn, bất nhất trong lời khai để tuyên án mà trong vụ án này nhân chứng còn tố điều tra viên đánh, dọa, ép cung. Cụ thể:

Nhân chứng tố điều tra viên đánh, dọa, ép cung

Theo kết luận giám định mới nhất, tổn thương vùng đầu của nạn nhân là do vật chày tác động tạo ra. Chày bằng inox màu trắng (mẫu vật CQĐT gửi giám định) có thể tạo ra được thương tích này.

Tuy nhiên, tại phiên xử sơ thẩm được TAND tỉnh Bình Phước mở lại hôm qua (2/2), giám định viên đã không khẳng định cái chày là nguyên nhân gây ra cái chết cho người bị hại.

Tòa muốn làm rõ hành vi đấm vào vai nạn nhân của bị cáo khiến nạn nhân bị đập đầu xuống đường gây ra thương tích như kết luận giám định hay không. Giám định viên cho biết: Chỉ giám định qua hồ sơ, không đi hiện trường. Nắm đấm bằng tay người là vật tày mềm. Lực tác động bằng tay người dù có dẫn đến nạn nhân bị ngã đập đầu xuống đường nhựa cũng không thể gây ra thương tích như xuất huyết nội sọ được.

Trong khi đó, Lăng khai sở dĩ ban đầu nhận dùng chày đánh nạn nhân là do điều tra viên TNT ép buộc, đánh đập, nắm tóc, vả vào mặt. Có mặt tại phiên xử, ông T. phủ nhận “hoàn toàn không có việc đánh đập” và cho biết lúc đó ông không phải là điều tra viên chính của vụ án.

Các nhân chứng có mặt tại phiên tòa khai không thấy Lăng đánh nạn nhân. Trong đó, nhân chứng Trường Giang, người ban đầu khai thấy Lăng đánh nạn nhân, nói: “Lúc đó tôi chưa đủ 18 tuổi, bị điều tra viên T. đá, đấm vào người, dọa nhốt nên mới khai lung tung. Tôi sợ quá và cũng chưa biết tác hại từ lời khai của mình. Tại phiên tòa hôm nay, tôi khẳng định không thấy Lăng cầm chày đánh người bị hại”. Một nhân chứng khác là Phạm Duy Thống cũng tố bị dọa, mớm cung: “Tôi bị cán bộ nhốt hết ba ngày ở xã, được cán bộ cho coi lời khai của Lăng để khai theo rồi mới cho về”.

Trước các lời tố cáo trên, điều tra viên T. tiếp tục phủ nhận: “Lời trình bày trước và sau đổ vào tôi mục đích là nhắm tới tôi để thấy oan sai. Các đối tượng còn nhỏ, không nhất thiết gì tôi phải làm chuyện đó…”. Đại diện VKS thì cho rằng lời khai của nhân chứng Trường Giang không khách quan vì trước sau không thống nhất, mặt khác em gái nhân chứng này lấy nhân chứng Phạm Duy Thống mà Thống lại là em trai của Lăng.

Tranh luận, đại diện VKS giữ nguyên quan điểm truy tố (trước đó đại diện VKS từng đề nghị tòa phạt Lăng 14-15 năm tù về tội giết người, Khu 12-15 tháng tù, Tùng và một bị cáo khác 9-15 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng).

Luật sư của Lăng cho rằng bằng chứng kết tội Lăng là lời khai ban đầu của nhân chứng Trường Giang, lời khai nhận tội ban đầu của Lăng tại CQĐT cùng kết luận giám định. Thế nhưng lời khai ban đầu của nhân chứng Trường Giang không có người giám hộ, tại phiên tòa này Giang cũng khai lại và tố bị điều tra viên đánh. Bản thân Lăng tố bị bức cung, dùng nhục hình nên ban đầu mới nhận tội. Tại phiên tòa, giám định viên cũng không khẳng định cái chày inox là nguyên nhân gây ra cái chết cho nạn nhân. Mặt khác, lời khai của các nhân chứng khác đều xác định sau khi Khu đánh nạn nhân thì không thấy ai đánh nạn nhân nữa.

Theo luật sư, Lăng chỉ có hành vi gây rối trật tự công cộng nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì thế, luật sư đề nghị tòa tuyên bố Lăng không phạm tội giết người và trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa.

Tòa sẽ tuyên án vào chiều nay (3/2).

HẠNH VŨ (Tổng hợp)

Đọc báo Pháp luật Đời Sống trong ngày cập nhật liên tục từng giờ tại chuyên mục Pháp Luật

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/vu-danh-nham-gay-chet-nguoi-nhan-chung-to-bi-de-doa-a131759.html