Vụ TNGT tại Ninh Hòa (Khánh Hòa): Có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự

Điều tra viên không ký biên bản khám nghiệm hiện trường, Cơ quan giám định pháp y không trưng cầu giám định nguyên nhân người gặp nạn tử vong… Thế nhưng Cơ quan điều tra (CQĐT), Viện kiểm sát (VKS) vẫn truy tố ông Phạm Thiên Tường, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hàm Nghi, huyện Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Đây cũng là vụ án có dấu hiệu vi phạm tố tụng hình sự và nhiều uẩn khúc cần được làm rõ…

Vì sao Điều tra viên không kí biên bản hiện trường?

Theo Cáo trạng, khoảng 18 giờ 50 phút ngày 15-12-2009, tại đường tỉnh lộ 1B, địa phận thôn Ninh Yển, xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa xảy ra vụ tai nạn giao thông chết người. Ông Phạm Thiên Tường điều khiển xe mô tô BKS 79K1-1162 lưu thông không đúng phần đường, đâm vào xe mô tô BKS 79R1-0274 do bà Lê Thị L. chở bà Lê Thị T. chạy ngược chiều. Hậu quả bà L. chết trên đường đi cấp cứu. Trong quá trình điều tra, ông Tường cho rằng ông lưu thông đúng phần đường. Khi chạy xe đến đoạn Công ty Hyundai Vinashin, ông bị một xe máy chạy ngược chiều tông phải khiến ông ngã xuống bất tỉnh và được đưa đi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu. Gần 1 năm sau, CQĐT mới khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Trên cơ sở kết luận điều tra, cáo trạng truy tố, TAND thị xã Ninh Hòa tuyên Bản án số 02/2011/HSST ngày 6-1-2012 phạt ông Trường 15 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Nhiều quyết định trả hồ sơ của Tòa án không được VKS chấp nhận

Mấu chốt của vụ án là xác định điểm xảy ra va chạm giữa hai xe để làm căn cứ buộc tội. Theo biên bản khám nghiệm hiện trường lập hồi 19 giờ 40 phút ngày 15-12-2009, nơi xảy ra tai nạn là đường rải đá dăm thẳng, mặt đường gồ ghề rộng 4m. Hai xe để lại 3 mảnh vỡ, mảnh 1 là vành xe bằng nhôm của xe bà L. cách mép đường đất hướng Nam 1m; mảnh 2 là mảnh vỡ phần trước chắn bùn của xe ông Tường cách mép đường đất hướng Nam 0,75m; mảnh 3 là mảnh vỡ đèn xe máy ông Tường cách mép đường đất hướng Nam 0,75m. Một số cán bộ tham gia khám nghiệm đã dựa trên các mảnh vỡ và vị trí ngã các xe để xác định “điểm gây tai nạn là nơi mảnh vỡ 1 (vành xe máy xe bà L.)”. Ông Tường liên tục khiếu nại, cho rằng biên bản khám nghiệm hiện trường không thể hiện đúng sự thực khách quan của vụ án. Dựa vào căn cứ nào để dùng những mảnh vỡ làm vật xác định điểm hai xe tông nhau? Khi 2 xe tông nhau, các mảnh vỡ văng ra theo quán tính và lực tương tác. Việc xác định điểm va chạm là căn cứ quan trọng để buộc tội ông Tường, do đó các cơ quan tố tụng không thể suy diễn chủ quan, cần chứng minh bằng cơ sở khoa học.

Các thành viên hội đồng khám nghiệm hiện trường đã có sự bất đồng quan điểm khi xác định điểm hai xe va chạm. Trung tá Lê Long, Điều tra viên Đội Điều tra tổng hợp Công an Ninh Hòa không ký biên bản. Theo ông Long, ông không đồng ý với cán bộ cảnh sát giao thông về cách xác định điểm đầu tiên hai xe va chạm dựa trên hai mảnh vỡ là “không hợp lý”. Một lý do khác, “biên bản hiện trường” ngày 15-12-2009 lại không được lập tại hiện trường mà ông Long cũng “không thể hiểu tại sao”. Ngoài ra, Trung tá Lê Long cho biết: “Bản thân tôi có mặt tại hiện trường tối hôm đó, tôi khẳng định không có đại diện VKS tham gia khám nghiệm vụ tai nạn”. Việc ông Lê Long không ký biên bản lẽ ra phải được ghi rõ và nêu cụ thể lý do vào biên bản khám nghiệm hiện trường theo đúng quy định của Bộ luật TTHS. Việc dựa vào biên bản khám nghiệm không có chữ ký của Trung tá Lê Long làm căn cứ buộc tội khiến ông Tường kêu oan, khiếu nại về những dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng.

Nhiều lần Tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Hồ sơ vụ án thể hiện việc khám nghiệm tử thi không có sự tham gia của bác sỹ pháp y là trái với quy định tại Điều 151 Bộ luật TTHS. Theo đó, “việc khám nghiệm tử thi do Điều tra viên tiến hành có bác sĩ pháp y tham gia và phải có người chứng kiến…”. Nghiêm trọng hơn, CQĐT đã không tiến hành mổ tử thi để làm rõ cơ chế chấn thương, nguyên nhân tử vong của người bị hại. Tại khoản 3, Điều 155 Bộ luật TTHS quy định: “Bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định: a) Nguyên nhân chết người…”. Nghiên cứu hồ sơ, TAND thị xã Ninh Hòa từng ra quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung, yêu cầu “làm rõ lý do vì sao việc khám nghiệm tử thi lại không có bác sỹ pháp y tham gia và cần làm rõ nguyên nhân cái chết của người bị hại”. Ông Bùi Văn Mỹ, Viện trưởng VKSND thị xã Ninh Hòa ký văn bản cho rằng “việc mổ tử thi là không cần thiết vì qua giấy chứng tử, lời khai nhân chứng, đại diện người bị hại để xác định bà L. chết do tai nạn giao thông”(?). Do đó, “những yêu cầu điều tra của TAND thị xã Ninh Hòa là không phù hợp…”.

Việc VKS kết luận nguyên nhân tử vong của người bị hại dựa trên giấy chứng tử, không tiến hành giám định pháp y là suy diễn chủ quan, có dấu hiệu vi phạm Bộ luật TTHS. Để làm rõ sự thật khách quan, cần dựa trên cơ sở khoa học để xác định cơ chế chấn thương, hình thái, thời gian tử vong… của người bị hại. Với những thiếu sót trên, TAND thị xã Ninh Hòa nhiều lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ sự thật của vụ án nhưng Viện trưởng Bùi Văn Mỹ đã ký văn bản cho rằng việc Tòa trả hồ sơ là “không có căn cứ”. Với nhiều uẩn khúc xung quanh việc Điều tra viên từ chối ký biên bản khám nghiệm hiện trường vì “bất hợp lý”, không có bác sỹ khám nghiệm tử thi, không trưng cầu giám định… cho thấy sự thật khách quan của vụ án chưa được làm rõ. Dư luận trông chờ các cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh Khánh Hòa sẽ xem xét, giải quyết thấu đáo vụ án, không bỏ lọt tội phạm nhưng không làm oan sai người vô tội.

An Dương

Nguồn Công Lý: http://congly.com.vn/vu-tngt-tai-ninh-hoa-khanh-hoa-co-dau-hieu-vi-pham-to-tung-hinh-su-c1034n20120320164249984p0.htm