Vọng mãi hào khí Nam Bộ kháng chiến

(VOH) - Mùa thu 1945 sẽ còn mãi trong trang sử vẻ vang của cách mạng Việt Nam, với sự kiện trọng đại của dân tộc: cuộc cách mạng tháng 8 thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa - lần đầu tiên một nước thuộc địa đã vùng lên để giành lại Độc lập Dân tộc cho mình.

Song chỉ sau 21 ngày Độc lập, khi niềm vui chưa được bao lâu thì tại Sài Gòn, thực dân Pháp lại nổ súng xâm chiếm nước ta một lần nữa. Không nhường bước trước dã tâm xâm lược của kẻ thù, quân dân Nam bộ đã nhất tề đứng dậy, làm nên một tinh thần Nam bộ kháng chiến bất diệt. Nhân dân miền Nam đứng lên kháng chiến chống Pháp - Ảnh tư liệu Tìm về lịch sử hào hùng của những ngày của mùa Thu kháng chiến tại Nam bộ, chúng tôi vẫn như nghe đâu đây âm vang ca khúc “Nam bộ kháng chiến”. “Mùa thu rồi, ngày hăm ba ta đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến…”, Từ bài hát sục sôi tinh thần yêu nước đã thôi thúc lớp lớp người con ưu tú sẵn sàng xả thân vì tự do, no ấm của dân tộc. Đó là hình ảnh của lực lượng tự vệ, thanh niên tiền phong và quần chúng nhân dân Sài Gòn yêu nước đã không tiếc máu xương, đứng lên bảo vệ thành phố Sài gòn. Ngày 23 tháng 9, những trận đánh quả cảm của quân dân ta tại các mặt trận Thị Nghè, Cầu Bông, Sở cứu hỏa, Bưu điện, cột cờ thủ ngữ, mãi mãi là biểu tượng của chủ nghĩa Anh hùng cách mạng không bao giờ phai nhòa. Nam bộ thành đồng tổ quốc, Nam bộ kiên cường bất khuất dù chiến đấu trong điều kiện không cân sức, vũ khí lại thô sơ chỉ với giáo mác, tầm vông vạt nhọn và một số ít súng đạn, song ngọn lửa yêu nước chính là sức mạnh cổ vũ đồng bào, chiến sĩ ta . Trên mọi nẻo đường, đồng bào đả đem bàn ghế, tủ giường ném ra đường, rồi đốn cây cho ngã tạo thành chướng ngại vật chặn bước tiến của quân thù. Nhớ về những ngày đóng quân tại Chợ Lớn - ông Nguyễn Văn Chí, khi đó mới tròn 24 tuổi, tỉnh Ủy viên Chợ Lớn không giấu niềm tự hào, kể: “thật ra sau ngày 2/9, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị, sẵn sàng chiến đấu, tôi phụ trách công tác thanh niên, thành lập Hội thanh niên cứu quốc tại Chợ Lớn nên không lúc nào nghỉ luyện tập quân sự, ngày nào cũng một hai, một hai, không khí vô cùng rạo rực”. Đến khi quân Pháp băn phá Sài Gòn cũng là lúc ông và lớp thanh niên yêu nước đứng lên đáp lời sông núi. Hồi tưởng về những tháng ngày hào hùng năm xưa, ông Nguyễn Văn Chí bồi hồi: Tiếng súng nổ ra cuộc kháng chiến ở Sài Gòn đã gây chấn động cả nước. Nhiều tỉnh ở Nam Bộ đưa lực lượng đoàn viên, thanh niên về góp sức với Sài Gòn chống giặc ngoại xâm. Không chỉ thanh niên mà có cả những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường theo tiếng gọi non sông, xếp bút nghiên lên đường tranh đấu. Là Chủ tịch Liên đoàn học sinh Sài Gòn - Chợ Lớn, nhà cách mạng lão thành, tiến sĩ Nguyễn Duy Cương đã theo sát diễn biến từ sau ngày giành chính quyền. Đến khi Pháp đánh Sài Gòn, lực lượng học sinh do ông chỉ huy cũng gia nhập đội quân xung phong. Hào khí ngất trời năm nào như vẫn còn in đậm trong trí nhớ của ông, một thanh niên tiền phong của những ngày mùa thu kháng chiến hào hùng. Cho đến hôm nay, dù tuổi đã cao song ông vẫn cống hiến, vẫn làm việc. Ông tâm niệm đã là thanh niên, dù ở thời đại nào, nếu như biết khát khao, có được tinh thần Nam bộ kháng chiến thì việc gì cũng làm nên, ông chia sẻ: 65 năm đã trôi qua, những người trẻ hôm qua đã hoàn thành lý tưởng cách mạng cao cả đó là giành được độc lập cho dân tộc. Còn hôm nay, khi nghĩ về quá khứ hào hùng đã qua, thế hệ trẻ chúng tôi càng thêm khâm phục tinh thần Nam bộ kháng chiến. Tinh thần một lòng vì nước, quyết tử cho tổ quốc quyết sinh của những lớp người ưu tú nhất đã làm nên lịch sử vẻ vang, như nhà thơ Nguyễn Đình Thi ca ngợi: “Nước chúng ta. Nước của những người chưa bao giờ khuất. Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất. Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Tinh thần quật khởi, hào khí của mùa thu kháng chiến năm xưa như lan tỏa trong mỗi chúng tôi, những người trẻ thời đại Hồ Chí Minh. Càng tự hào và thêm yêu Tổ quốc mình, anh Trần Quang Hải, cán bộ trẻ hiện đang công tác tại Quận Ủy quận 3 cho biết: Sống và làm việc trong điều kiện đầy đủ sung túc hiện nay, trong mỗi chúng tôi luôn ghi sâu vào tâm khảm tinh thần ngày Nam bộ kháng chiến. Đó là, thanh niên biết sống có lý tưởng, có trách nhiệm với đất nước.Và đó cũng là tinh thần “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, hết lòng, hết sức cống hiến tài trí cho công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc của tuổi trẻ hôm nay. Đây cũng là suy nghĩ của anh Phan Minh Tâm - Phó bí thư quận đoàn quận 3: Hơn nửa thế kỷ sự kiện lịch sử ngày Nam bộ kháng chiến, đã có bao sự đổi thay tốt đẹp của đất nước nói chung và của Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh nói riêng. Dấu ấn vinh quang ấy là của bao thế hệ, trong đó Nam bộ kháng chiến năm xưa như tiếp thêm nguồn sức mạnh cho thế hệ hôm nay vững bước trên con đường xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Nhìn những công trình mới đã và đang hoàn thành như cầu Phú Mỹ, đại lộ Nguyễn Văn Linh, Đại lộ Đông - Tây, chúng tôi đều dâng lên niềm tự hào về lịch sử oai hùng của đất nước và thành phố, tự hào hơn khi tài năng, trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đang ngày một khẳng định và vươn xa hơn./.

Nguồn VOH: http://voh.com.vn/news/newsdetail.aspx?id=22519