Virus Zika chính thức được 'báo động đỏ' trên toàn cầu

WHO chính thức công bố virus Zika đã thành đại dịch và đặt y tế toàn cầu vào tình trạng khẩn cấp.

Vi rút Zika chính thức được "báo động đỏ" trên toàn cầu

Có thể bạn quan tâm

Vào ngày 1.2 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có một cuộc họp bất thường ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu về virus Zika. Tại cuộc họp, WHO đã công bố virus Zika đã thành đại dịch và đặt y tế toàn cầu vào tình trạng khẩn cấp.

Tuyên bố nói số lượng trẻ sinh ra mắc chứng đầu nhỏ (não và hộp sọ nhỏ một cách bất thường) ở khu vực Nam Mỹ tăng vọt có thể do virus Zika lây qua đường muỗi đốt gây ra. Virus Zika được cho là thủ phạm gây tổn thương não, dẫn đến dị tật cho thai nhi ở những bà mẹ mang thai bị nhiễm virus này.

Virus Zika là gì?

Ngày 3.2.2016, ông Marshall Santi Srisermpoke, Giám đốc Bệnh viện Bhumibol Adulyadej, Bangkok (Thái Lan) đã chính thức xác nhận một trường hợp nhiễm virus Zika gây teo não mới phát hiện ở một thanh niên 22 tuổi. Ông cũng cho biết, bệnh nhân không hề đi du lịch ở bất kỳ nước nào và việc phát hiện thông qua việc xét nghiệm máu khi có các triệu chứng sốt, phát ban và đỏ mắt.

Trả lời câu hỏi của báo điện tử Một Thế Giới, ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) giải thích: virus Zika là một loại virus thuộc nhóm Flaviviridae, lan truyền bởi muỗi Aedes. Virus Zika là một loại vius nhiệt đới hiện hoành hành tại châu Mỹ và lan sang tới châu Á, cụ thể là ở Thái Lan. Rất có thể, ngay tại đất nước này sẽ bị bùng phát dịch bệnh nếu như không kiểm soát một cách chặt chẽ.

Tại Việt Nam, hiện nay Bộ Y tế đã phát thông báo khẩn tới tất cả các bệnh viện, người dân về việc phòng chống virus Zika xâm nhập vào Việt Nam. Con đường lây truyền virus chủ yếu là thông qua muỗi Aedes, chính vì vậy Bộ Y tế tập trung nâng cao việc ý thức người dân nhằm loại bỏ những chậu, thau nước để lâu trong nhà, nơi trú ngụ lý tưởng của muỗi, đồng thời đi ngủ cần mắc màn cẩn thận, tránh bị đốt.

Bên cạnh đó, ông Cục trưởng Cục Y tế dự phòng lưu ý muỗi Aedes đang tấn công vào phụ nữ mang thai và trẻ em nhỏ - đó chính là điều mà các nhà khoa học đang tập trung tìm hiểu, giải quyết.

Phòng chống virus Zika tại Việt Nam

Bộ Y tế đang lên các phương án phòng chống dịch bệnh xâm nhập tại Việt Nam và đáp ứng các tình huống khẩn cấp trong y tế công cộng. Theo chia sẻ của Cục trưởng Cục Y tế dự phòng thì khó khăn lớn nhất trong việc phát hiện ca bệnh nhiễm virus Zika hiện nay là 80% triệu chứng bệnh không điển hình, rất dễ nhầm sang bệnh sốt xuất huyết hoặc sốt phát ban đỏ. Chính vì các dấu hiệu gần giống với triệu chứng bệnh sốt xuất huyết mà việc chẩn đoán bệnh không hề dễ dàng đối với cả các nhân viên y tế.

Sốt xuất huyết là một nhóm các bệnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó virus Dengue chính là loại chủ yếu gây bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam. Loại virus gây sốt xuất huyết Dengue hay sốt vàng da (kể cả một căn bệnh cực nguy hiểm khác do virus West Nile gây ra)... đều được lây truyền bởi một số loài muỗi trong chân của muỗi Aedes.

Loài muỗi Aedes Aegypti vẫn được biết đến với tên gọi là muỗi vằn đang sinh sống rất nhiều ở Việt Nam, đặc biệt vùng đất nóng ẩm, những khu vườn lâu ngày không phát quang, các bình nước để lâu ngày hay cống rãnh... Loài muỗi này nguy hiểm ở việc nó sinh trưởng rất mạnh, bất kể trong những môi trường nước bé nhỏ như nắp chai lọ. Nó đốt người vào buổi sáng và chiều tối, chứ không đốt về đêm như mọi người lầm tưởng và chủ quan.

VirusZika là nghi vấn đầu tiên gây bệnh teo não ở trẻ em

Virus Zika lây qua đường nào?

Theo khuyến cáo của Cục Y tế dự phòng và nghiên cứu mới nhất của các nhà khoa học thì ngoài đường truyền do bị muỗi vằn đốt, virus Zika còn có thể lây lan khi truyền máu hay quan hệ tình dục. Đã có trường hợp tìm thấy virus Zika trong tinh dịch của người.

Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng cho biết hiện nay các gia đình đang nuôi con nhỏ hoặc phụ nữ mang thai nên hạn chế đi đến các vùng đang có dịch bệnh, đặc biệt là ở các quốc gia khu vực Caribe, Trung Mỹ và Nam Mỹ.

Để kiểm tra cơ thể có nhiễm virus Zika hay chưa, cần gửi mẫu máu hoặc mô từ tuần đầu tiên nhiễm virus tới các phòng thí nghiệm được trang bị đủ phương tiện, giúp phát hiện Zika thông qua các xét nghiệm phân tử phức tạp.

Điều nguy hiểm của virus Zika lây qua phụ nữ có thai đó chính là khi siêu âm trong 6 tháng đầu thai kỳ thường không phát hiện ra loại bệnh này mà chỉ khi gần sinh, có thể siêu âm và nhìn thấy hình ảnh của thai nhi.

Chưa có thuốc phòng tránh

Nguy hiểm nhất của loại virus Zika này chính là chưa có vắc xin phòng ngừa. Tuy đã có các công trình nghiên cứu nhằm tìm ra vacxin nhưng còn mất nhiều năm cũng như chi phí hàng trăm triệu USD cho việc thử nghiệm nhưng vẫn chưa thành công.

Hiện nay cũng chưa có cách nào để triệt để phòng trừ muỗi đốt hay chữa các bệnh khi virus Zika truyền nhiễm. Vì thế các chuyên gia y tế đưa ra khuyến cáo phụ nữ có thai không nên đi đến vùng có virus Zika, những phụ nữ dự định có thai thì nên tham khảo ý kiến bác sỹ trước.

Khách du lịch tới các quốc gia có virus được khuyến cáo tránh hoặc giảm thiểu muỗi đốt bằng cách ngủ trong màn, ở trong phòng có điều hòa, phòng đã có các biện pháp che chắn muỗi, luôn sử dụng kem chống côn trùng, mặc quần áo dài tay, đi giày, đội mũ.

Tổng giám đốc WHO bà Margaret Chan kêu gọi trong thời gian này, các nước trên thế giới không được trì hoãn các biện pháp phối hợp để đề phòng virus Zika lây lan ở các khu vực bị ảnh hưởng về bên ngoài, nếu phát hiện ra bất kỳ một trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm nào cần cách ly ngay để tránh lây lan ra cộng đồng.

Minh Khuê tổng hợp

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/suckhoe/virus-zika-chinh-thuc-duoc-bao-dong-do-tren-toan-cau-285784.html