Vĩnh Long: Kinh tế hợp tác xã cần được hỗ trợ, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển

- Những năm gần đây, kinh tế hợp tác xã ở Vĩnh Long không ngừng phát triển và mang lại nhiều lợi ích, góp phần đáng kể trong việc tạo thêm công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho xã viên cũng như người lao động.

Theo báo cáo của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Vĩnh Long, toàn tỉnh hiện có 90 HTX và 2 Liên hiệp HTX hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, giao thông, tín dụng và thương mại, dịch vụ. Tổng vốn hoạt động của các HTX trong toàn tỉnh gần 283 tỷ đồng; trong đó, vốn điều lệ gần 112 tỷ đồng. Ước tính, đến cuối năm 2010, giá trị sản xuất kinh doanh của các HTX đạt trên 312 tỷ đồng, trong đó, nhiều HTX hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và có lãi. Toàn tỉnh hiện có hơn 6.500 xã viên và trên 7.400 lao động tham gia phong trào kinh tế tập thể. Điển hình như HTX gia công sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Đồng Tiến ở huyện Long Hồ với hơn 300 lao động tham gia với thu nhập bình quân từ 700.000 đồng/người/tháng trở lên . Tương tự, HTX tiểu thủ công nghiệp - thương mại Thanh Thanh là một trong những đơn vị kinh tế tập thể ăn nên, làm ra ở tỉnh Vĩnh Long. Hiện, HTX đã xây dựng được 30 tổ gia công ở các huyện, thành phố trong tỉnh với hơn 500 lao động tham gia. Thu nhập bình quân của lao động từ 600.000 đồng đến hơn 1.000.000 đồng/tháng. Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh và Sở công thương đang tích cực khuyến công, tư vấn cho những sáng lập viên để nhân rộng các mô hình này nhằm góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi, dư thừa, nâng cao đời sống nhân dân. Riêng trên lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh Vĩnh Long có 11 HTX sản xuất, tiêu thụ nông sản. Hiện nay, các HTX rau quả trên địa bàn tỉnh đã ký kết nhiều hợp đồng để tiêu thụ sản phẩm của nông dân. Hàng hóa nông sản của các HTX thường có chất lượng cao, an toàn thực phẩm được thị trường ưa chuộng, thâm nhập vào các trung tâm thương mại, có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị lớn tại một số tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và cung ứng sản phẩm cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Điển hình như HTX rau an toàn Thành Lợi, huyện Bình Tân; HTX rau an toàn Phước Hậu, huyện Long Hồ, nhiều năm qua đã trở thành đơn vị có uy tín, với dòng sản phẩm rau chất lượng cao cung ứng cho thị trường TP HCM, Cần Thơ, Vĩnh Long...; HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi năm roi Mỹ Hòa xuất khẩu được cả sang các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Trung Đông; HTX khoai lang Tân Thành hàng năm tiêu thụ cả chục ngàn tấn khoai lang sang thị trường Trung Quốc; HTX Thủy sản Sông Măng thực hiện khá tốt mô hình liên kết 4 nhà trong sản xuất và tiêu thụ cá tra xuất khẩu... Để phát triển mạnh và giữ thương hiệu, các HTX đang tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất; ứng dụng tiêu chuẩn Global GAP trong quy trình sản xuất trên cây ăn trái; áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật trên rau màu, thủy sản, để tạo ra những sản phẩm chất lượng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long còn có nhiều làng nghề, tổ hợp tác thu hút hàng ngàn người tham gia, cung ứng một lượng hàng hóa lớn cho thị trường trong nước và xuất khẩu như: làng nghề đan lác lục bình ở xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình; làng nghề tàu hủ ki ở xã Mỹ Hòa, huyện Bình Minh; làng nghề sản xuất và se lõi lác ở huyện Vũng Liêm; các tổ hợp tác sản xuất và cung ứng cây, con giống ở khắp các huyện trong tỉnh; tổ hợp tác nuôi thỏ số 1 ở xã Chánh An, huyện Mang Thít... Tuy nhiên, nhìn chung hầu hết các HTX trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, nhỏ lẻ, vốn đầu tư thấp, quản lý chưa khoa học, lỏng lẻo; bộ máy hoạt động chưa chuyên nghiệp và chưa trở thành đơn vị sản xuất kinh doanh thực thụ. Khi tham gia HTX, xã viên xác định rõ mong muốn tăng cao lợi nhuận và sự thuận lợi khi thực hiện các hợp đồng mua bán nhưng trên thực tế hiệu quả chưa cao, còn lệ thuộc quá nhiều vào tình hình giá cả thị trường. HTX chưa có tiếng nói trọng lượng trong đàm phán hợp đồng cung ứng vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi cũng như quyết định giá cả hàng hóa nông sản bán ra ngay từ đầu. Điều này, nhiều chủ nhiệm HTX cho rằng, vai trò của HTX là rất quan trọng, tạo điều kiện cho xã viên liên kết, hợp tác sản xuất kinh doanh, khắc phục tình trạng sản xuất riêng lẻ, qui mô nhỏ, lạc hậu, tuy nhiên nếu không có nội lực mạnh, phương án chuyển đổi hiệu quả, HTX khó có thể vượt qua những trở lực thời hội nhập. Theo Ban giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Vĩnh Long, yếu tố con người đóng vai trò quyết định, nhưng hiện nay lực lượng này chủ yếu là nông dân, tuy sản xuất giỏi nhưng năng lực quản lý kinh doanh còn hạn chế. Để HTX đủ sức ra “đấu trường chuyên nghiệp” đòi hỏi nguồn nhân sự chuyên nghiệp và sản phẩm mang tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường trong nước và thế giới. Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long cũng cho rằng, HTX cần phát huy nội lực, tăng cường năng lực quản lý điều hành, củng cố ban quản trị và thực hiện với quyết tâm cao. Có như vậy thì HTX mới xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, để đủ sức vượt qua những tác động bất lợi của giá cả, điều kiện tự nhiên; phát triển dịch vụ, mở rộng qui mô hoạt động và tăng cường các mối liên kết, hợp đồng chặt chẽ. Một khó khăn rất lớn nữa mà nhiều HTX vấp phải là vốn đầu tư và vốn hoạt động sản xuất kinh doanh. Ông Trần Văn Sang, Chủ nhiệm HTX sản xuất và tiêu thụ bưởi 5 roi Mỹ Hòa cho biết HTX có thị trường tiêu thụ rất lớn nhưng nhiều hợp đồng ông không dám ký do sợ không đủ nguồn hàng, trong khi sản lượng hàng hóa tại địa phương khá lớn. Ông mơ ước nếu được nhà nước tạo điều kiện cho vay xây dựng kho trữ và ứng vốn trước cho nông dân khi áp dụng, thực hiện quy trình theo tiêu chuẩn Global GAP thì sản phẩm bưởi 5 roi Mỹ Hòa, không bị động đầu ra và giá cả sẽ ổn định ở mức cao. Mặt khác, tuy đã có giấy thông hành Global Gap nhưng để tái chứng nhận tiêu chuẩn này hiện HTX đang gặp không ít khó khăn. Tương tự, khó khăn lớn nhất của HTX khoai lang Tân Thành, huyện Bình Tân là thiếu kho bãi sơ chế khoai theo yêu cầu của các đối tác và có thể thu mua dự trữ kịp thời lượng khoai trong dân vào những đợt thu hoạch đồng loạt. Ngoài ra, theo ông Lê Thành Trung, Chủ nhiệm HTX rau an toàn Thành Lợi, Bình Tân thì hạ tầng giao thông nông thôn không đồng bộ cũng là trở ngại, tăng chi phí vận chuyển hàng hóa nông sản ra thị trường. Do đó, bên cạnh việc tự thân vận động, tìm tòi hướng đi thích hợp để phát triển, các HTX rất cần được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của nhà nước trong việc tìm nguồn vốn đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng kết cấu hạ tầng, có cơ chế tạo sự bình đẳng trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong tương lai phải giúp HTX thật sự trở thành đơn vị kinh doanh mang tính tập thể, xã hội cao, có tính chuyên nghiệp, chính quy, hiệu quả, có hạch toán, tự chủ, mang lại lợi nhuận cao như một doanh nghiệp. Có như thế thì kinh tế tập thể mới có thể là nòng cốt, là thành phần kinh tế chủ đạo của nền kinh tế quốc dân.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=439562&co_id=30066