Việt Nam ưu tiên phát triển kinh tế xanh

(Chinhphu.vn) – Với định hướng phát triển nguồn năng lượng mới thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo lên 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Ảnh VGP/Hồng Hạnh

Tăng cường hiệu suất sử dụng năng lượng, phát triển những nguồn năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống chính những vấn đề được đặt ra tại Hội thảo Đầu tư cho các nguồn năng lượng mới và tái tạo hướng tới xây dựng nền Kinh tế xanh tại Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức vào chiều 14/9 tại Đà Nẵng.

Mặc dù có nhiều tiềm năng, thuận lợi về địa lý, khí hậu để phát triển nguồn năng lượng tái tạo với các nguồn năng lượng gió, mặt trời, sinh học, sóng biển, địa nhiệt… song việc phát triển nguồn năng lượng này ở Việt Nam chưa thật sự tương xứng với điều kiện vốn có.

Để tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia vào việc phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam đã có chủ trương, chính sách ưu đãi những dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch: Luật Bảo vệ môi trường (2005); Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050; …

Với định hướng phát triển nguồn năng lượng mới thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống, Việt Nam đặt mục tiêu tăng tỉ lệ các nguồn năng lượng tái tạo lên 5% vào năm 2020 và 11% vào năm 2050.

Theo ông Nguyễn Nam Phương – Giám đốc Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam, tính đến 30/8/2012, Quỹ đã cho 144 dự án môi trường tại 42 tỉnh thành vay vốn với lãi suất ưu đãi số tiền hơn 858 tỷ đồng để xử lý chất thải của các khu công nghiệp, xử lý triệt để các cơ sở ô nhiễm môi trường, xử lý nước thải của các nhà máy xí nghiệp, xử lý ô nhiễm làng nghề, xử lý chất thải sinh hoạt, khói bụi xi măng …

Trong đó, tập trung nhiều nhất là nhóm các dự án xử lý nước thải công nghiệp, chiếm 51,2% vốn vay.

Đồng thời, tài trợ cho 33 dự án, chương trình bảo vệ môi trường trong các lĩnh vực tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức cộng đồng, khắc phục xử lý ô nhiễm môi trường do thiên tai, dịch bệnh và bão lũ với tổng số tiền khoảng 21,7 tỷ đồng; thực hiện các chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã cùng đề xuất, trao đổi nhiều mô hình, biện pháp, chiến lược để hướng tới một nền kinh tế Xanh phát triển bền vững: Giải pháp tái tạo năng lượng từ rác thải hướng tới nền kinh tế Xanh; Phát triển phương tiện giao thông vận tải thân thiện với môi trường hướng tới xây dựng nền kinh tế Xanh tại Việt Nam; Xây dựng chiến lược và kế hoạch về sản xuất kinh doanh gắn liền với hoạt động bảo vệ môi trường; Quy hoạch năng lượng địa phương – hướng đi thiết thực trong phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo cho các cộng đồng nông thôn Việt Nam; …

Hồng Hạnh

Nguồn Chính Phủ: http://baodientu.chinhphu.vn/home/viet-nam-uu-tien-phat-trien-kinh-te-xanh/20129/148861.vgp