Việt Nam trên đường thắng lợi

Xuân này đất nước tròn 30 năm đổi mới - chặng đường lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước và dân tộc Việt Nam, vì “một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” (Hồ Chí Minh), góp phần vào mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của thời đại.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Qua 30 năm đổi mới với 6 nhiệm kỳ Đại hội Đảng (Đại hội VI đến Đại hội XI), mỗi kỳ đại hội đánh dấu một bước tiến rõ rệt trong nhận thức lý luận của Đảng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại... trên con đường đổi mới theo định hướng XHCN. Những thành tựu lý luận về CNXH, về xây dựng CNXH ở Việt Nam được thể hiện trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên CNXH. Nhận thức lý luận về CNXH và con đường đi lên CNXH của Việt Nam là một thành tựu có ý nghĩa quyết định.

Chiến thắng chính mình bao giờ cũng là chiến thắng khó khăn nhất. Nhưng bước vào công cuộc đổi mới, Đảng ta đã quyết định từ bỏ mô hình tập trung bao cấp, chuyển sang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, coi đó là mô hình kinh tế tổng quát của thời kỳ quá độ với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và phân phối.

Từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, giải phóng lực lượng sản xuất... Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ; đồng thời chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhờ có đường lối phát triển kinh tế đúng đắn và giải pháp phù hợp, trong 30 năm đổi mới, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế được thế giới đánh giá cao. Gần đây nhất, giai đoạn 2011 - 2015, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng tốc độ tăng GDP bình quân của Việt Nam vẫn ở mức khá, ước đạt 5,8%. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong 5 năm 2006 - 2010 đạt gần 45 tỷ USD, vượt 77,8% so với kế hoạch đề ra. Tổng vốn ODA cam kết đạt trên 31 tỷ USD, gấp hơn 1,3 lần so với mục tiêu đề ra; giải ngân ước đạt khoảng 13,8 tỷ USD, vượt 17,5%. Trong 10 tháng năm 2015, ước tính các dự án FDI đã giải ngân được 11,8 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2014. Cơ cấu kinh tế được chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng lên, khu vực nông nghiệp giảm xuống...

Nhìn tổng thể 30 năm đổi mới, chúng ta đã thu được kết quả tương đối toàn diện. Đảng ta đã đề ra chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng chính sách và từng bước phát triển. Phát triển giáo dục, đào tạo cùng với khoa học, công nghệ được coi là quốc sách hàng đầu.

Trong những năm đổi mới, Việt Nam đã rất quan tâm thực hiện các chính sách xã hội vì hạnh phúc của con người, coi đây là thể hiện tính ưu việt, bản chất của chế độ XHCN và cũng là khắc phục mặt trái của cơ chế kinh tế thị trường. Mỗi năm bình quân tạo mới 1,5 đến 1,6 triệu việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.

Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ nghèo đã giảm từ 14,2% năm 2010 xuống còn 9,8% năm 2013 và 5,8% cuối năm 2014. Bà Pretibha Mehta - Điều phối viên thường trú Liên Hợp quốc tại Việt Nam nhận định: “Có rất ít quốc gia đạt được kết quả như Việt Nam và đây là kết quả của một quá trình phấn đấu liên tục, có hiệu quả với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước”.

Về đối ngoại, Việt Nam đã mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Chúng ta kiên trì lập trường chính nghĩa giải quyết vấn đề biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên tại biển Đông (DOC). Vì thế, chúng ta nhận được sự ủng hộ quốc tế rộng rãi.

Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp để tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, tham gia các quan hệ song phương và tổ chức đa phương như ASEAN, APEC, ASEM, WTO..., thu hút mạnh mẽ vốn đầu tư nước ngoài (FDI, ODA), xúc tiến mạnh thương mại và đầu tư, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, khai thác hiệu quả các cơ chế hợp tác quốc tế, các nguồn lực về vốn, khoa học - công nghệ, trình độ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến. Đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 170 nước (trong đó xác lập quan hệ đối tác chiến lược với 15 nước), quan hệ thương mại với 230 nước và vùng lãnh thổ, ký trên 90 hiệp định thương mại song phương, gần 60 hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư.

Hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng lên. Đảng Cộng sản Việt Nam đã rất coi trọng công tác xây dựng Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt. Thành tựu về xây dựng hệ thống chính trị không thể không nói đến việc Việt Nam đã đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; khẳng định nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công; phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân.

Trong thời kỳ đổi mới, Việt Nam đã ban hành Hiến pháp năm 1992, Hiến pháp năm 2013 và một loạt các bộ luật, luật và pháp lệnh theo hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, đề cao vai trò tối cao của Hiến pháp, pháp luật trong đời sống xã hội. Trên cơ sở đó tiến hành đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, của Chính phủ, các cơ quan tư pháp và chính quyền địa phương các cấp.

Ở Việt Nam, việc đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nhằm xây dựng và phát huy dân chủ XHCN. Dân chủ là bản chất của chế độ XHCN, vừa là mục tiêu, là động lực của sự nghiệp đổi mới. Dân chủ gắn liền với kỷ luật, kỷ cương và được thể chế hóa bằng pháp luật, được pháp luật bảo đảm.

“Việt Nam trên đường thắng lợi” là tên bộ phim của Roman Karmen (1906 - 1978), nhà quay phim, đạo diễn của Nga - một trong những nhà làm phim tài liệu hàng đầu của thế kỷ 20. Trước thềm Xuân mới, xin mượn tên bộ phim tài liệu nghệ thuật “Việt Nam trên đường thắng lợi của ông làm tựa cho bài báo này. Việt Nam đang trên đường thắng lợi trong sự nghiệp đổi mới!/.

Từ Tâm

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/viet-nam-tren-duong-thang-loi-261597.html