Việt Nam tham dự hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016

Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai cùng với nhiều Đại sứ các nước thuộc Đoàn Ngoại giao tại Oslo đã tham dự hội nghị.

Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016 với chủ đề Công nghiệp và Môi trường vừa diễn ra tại thành phố Tromso, cửa ngõ của Bắc Cực và là nơi đặt trụ sở của Ban thư ký Hội đồng Bắc Cực.

Hội nghị do Diễn đàn Bắc Cực của Na Uy tổ chức thường niên nhằm thảo luận về Bắc Cực, thu hút sự tham gia của đông đảo các đại biểu quốc tế thuộc các cơ quan chính phủ, giới nghiên cứu và giới kinh doanh.

Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai cùng với nhiều Đại sứ các nước thuộc Đoàn Ngoại giao tại Oslo đã tham dự diễn đàn chính sách của Hội nghị.

Biến đổi khí hậu ở Bắc Cực gây tác động toàn cầu

Các khảo sát, nghiên cứu khoa học do các nhóm làm việc của Hội đồng Bắc Cực tiến hành cho thấy, Bắc Cực là nơi biến đổi khí hậu đang diễn ra nhanh chóng nhất, có tác động toàn cầu.

Đại sứ Việt Nam tại Na Uy Lê Thị Tuyết Mai tham dự hội nghị.

Những nỗ lực của Hội đồng Bắc Cực đã thu hút sự chú ý của quốc tế đối với biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu ở Bắc Cực đến các khu vực khác trên toàn thế giới. Khí hậu nóng lên gây tác động nghiêm trọng đối với toàn cầu. Đặc biệt, ở Bắc Cực, nhiệt độ đang tăng lên nhanh hơn so với trung bình toàn cầu 2-3 lần, tuyết đang tan chảy với tốc độ kỷ lục, gây tác động nghiêm trọng đến hệ sinh thái biển, đồng thời là một nguyên nhân của việc mực nước biển dâng dẫn đến tác hại nghiêm trọng ở các khu vực trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng bộc lộ nhiều ảnh hưởng toàn cầu, Bắc Cực đứng trước thách thức ngày càng lớn của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, cũng mở ra cơ hội có thể khai thác lợi ích thương mại ở Bắc Cực. Chính vì vậy, Bắc Cực đang ở ngã tư toàn cầu giữa các lợi ích thương mại và quan tâm về môi trường. Khu vực Bắc Cực tiềm ẩn tài nguyên đáng kể và nhiều bên đang tìm hiểu tận dụng những lợi ích kinh tế của Bắc Cực. Trong khi đó, nhiều bên nhấn mạnh Bắc Cực là môi trường đặc biệt dễ bị tổn thương và nguyên sơ, nhấn mạnh cần phải hạn chế phát triển công nghiệp ở khu vực này.

Cân bằng giữa công nghiệp và môi trường ở Bắc Cực

Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016 tập trung thảo luận về sự cân bằng giữa việc sử dụng và việc bảo tồn nguồn lợi, và giữa lợi ích phát triển công nghiệp và quan tâm về môi trường ở Bắc Cực.

Các tham luận và thảo luận tập trung vào đề xuất làm thế nào để có thể bảo đảm sự phát triển của Bắc Cực với quy hoạch tốt, quản lý tốt và bền vững, làm thế nào để quản lý Bắc Cực một cách tốt nhất, cân bằng giữa quan tâm về môi trường và mở rộng công nghiệp, vai trò của công nghệ hiện đại nhằm bảo đảm phát triển công nghiệp có lợi nhuận và thân thiện với môi trường, đảm bảo một kịch bản tăng trưởng bền vững cho cộng đồng Bắc Cực.

Thủ tướng Na Uy, bà Erna Solberg đã phát biểu khai mạc diễn đàn doanh nghiệp tại Hội nghị, nhấn mạnh vai trò của các doanh nghiệp đóng góp cho việc thúc đẩy hợp tác quốc tế giải quyết các vấn đề của Bắc Cực, đồng thời đầu tư cho sự phát triển bền vững của vùng Bắc Cực.

Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thủy sản, Bộ trưởng Môi trường và Khí hậu và Bộ trưởng Dầu mỏ và Năng lượng của Na Uy cùng với một số Bộ trưởng một số nước đã tham dự và phát biểu tại Hội nghị, ở diễn đàn chính sách và diễn đàn doanh nghiệp. Bên cạnh diễn đàn chính sách và diễn đàn doanh nghiệp, còn có diễn đàn khoa học, đồng thời có một loạt hoạt động bên lề Hội nghị của sinh viên, thảo luận mở dành cho người dân có quan tâm về Bắc Cực.

Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016 có một phiên họp với nhiều phát biểu nhấn mạnh việc triển khai kết quả của Hội nghị lần thứ 21 các quốc gia thành viên Công ước về biến đổi khí hậu tại Paris tháng 12/2015 (COP 21) để ứng phó với biến đổi khí hậu ở Bắc Cực, nơi thể hiện rõ rất những biến đổi khí hậu nghiêm trọng và mạnh mẽ, có tác động đến các khu vực khác trên thế giới.

Vai trò của Hội đồng Bắc Cực

Hội nghị Diễn đàn Bắc Cực 2016 đã dành một phiên họp kỷ niệm 20 năm ra đời Hội đồng Bắc Cực, đánh giá thành công và vai trò của tổ chức này. Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Borge Brende đã có phát biểu nhấn mạnh, Hội đồng Bắc Cực là diễn đàn quốc tế duy nhất mà các đại diện của các dân tộc bản địa sinh sống ở Bắc cực ngồi họp ngang với các đại diện của các quốc gia; một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thành công của Hội đồng Bắc Cực là khả năng xây dựng đồng thuận giữa tất cả các bên liên quan về phát triển bền vững ở Bắc Cực.

Bộ trưởng Brende nêu rõ, bản chất của hợp tác trong Hội đồng Bắc Cực đã thay đổi cùng với những thay đổi của Bắc Cực. Hai mươi năm trước, nhiệm vụ chính của Hội đồng là thúc đẩy bảo vệ môi trường. Ngày nay, Hội đồng Bắc Cực là diễn đàn hàng đầu cho hợp tác quốc tế trên một loạt các vấn đề Bắc Cực...

Hội đồng Bắc Cực là tổ chức liên chính phủ khu vực được thành lập năm 1996 với 8 quốc gia thành viên ở Bắc Cực (gồm 05 nước Bắc Âu: Ireland, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan và Thụy Điển và Canada, Hoa Kỳ, Nga, trên cơ sở Tuyên bố Ottawa 19/9/1996 giữa các nước này.

Sáu tổ chức của người bản xứ Bắc Cực có quy chế thành viên tham dự thường xuyên các hoạt động của Hội đồng Bắc Cực. Ngoài ra, Hội đồng Bắc Cực còn có các quan sát viên, hiện nay gồm 12 quốc gia ngoài Bắc Cực (7 nước châu Âu, 5 nước châu Á). Hiện nay, Hoa Kỳ đang giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Bắc Cực nhiệm kỳ 2015-2017. Vai trò này sẽ được chuyển giao cho Phần Lan vào năm tới.

Các phát biểu và thảo luận tại Hội nghị đều cho rằng, Hội đồng Bắc Cực đóng vai trò quan trọng, là diễn đàn hàng đầu cho hợp tác quốc tế về Bắc Cực; các bên tham gia Hội đồng Bắc Cực, kể cả các quan sát viên cần nỗ lực tăng cường hợp tác quốc tế nhằm giải quyết một loạt các vấn đề ở Bắc Cực, không chỉ thúc đẩy bảo vệ môi trường mà còn đàm phán, ký các thỏa thuận ràng buộc về pháp lý cho ứng phó với các thách thức ở Bắc Cực về tìm kiếm cứu nạn, ngăn ngừa và sẵn sàng ứng phó với sự cố tràn dầu; các quốc gia Bắc Cực cũng thảo luận về hợp tác khai thác du lịch, khai thác đường hàng hải Bắc Cực, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường...

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg phát biểu tại hội nghị.

Na Uy đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Bắc Cực

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và các vị Bộ trưởng Na Uy đều nhấn mạnh chính sách nhất quán của Na Uy coi trọng hợp tác quốc tế về Bắc Cực, đề cao vai trò đi đầu của Na Uy trong định hướng sự phát triển của Bắc Cực. Na Uy là một quốc gia ở Bắc Cực có sự hiện diện ở Bắc Cực từ nhiều thế kỷ và hiện nay có tới 10% dân số sống ở vùng Bắc Cực, đồng thời Na Uy cũng là nước có đường tiếp cận Bắc Cực thuận lợi nhất.

Các phát biểu cũng nhấn mạnh chủ trương của Na Uy nỗ lực cùng các nước hợp tác để bảo đảm Bắc Cực là khu vực hòa bình, an toàn, hợp tác quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982; Bắc Cực phải là khu vực phát triển bền vững và bảo đảm cân bằng giữa mở rộng thương mại và công nghiệp và vấn đề môi trường.

Phát biểu kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội đồng Bắc Cực Na Uy, Bộ trưởng Ngoại giao Na Uy Borge Brende đề cao Hội đồng Bắc Cực đóng vai trò hết sức quan trọng cho sự phát triển bền vững của Bắc Cực; khẳng định, Na Uy sẽ tiếp tục đi đầu trong phát triển khoa học Bắc Cực. Na Uy là một siêu cường quốc hàng hải, dầu khí và thủy sản, với gần 90 phần trăm doanh thu xuất khẩu là từ các hoạt động kinh tế trên biển và tài nguyên biển. Bắc Cực có tiềm năng đáng kể cho các thế hệ tương lai, nhưng cần phải tôn trọng những giới hạn môi trường của Bắc Cực./.

Thu Thủy/VOV.VN

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/viet-nam-tham-du-hoi-nghi-dien-dan-bac-cuc-2016-476215.vov