Viện Môi trường và tài nguyên: “Chúng tôi không đủ cơ sở”

SGTT.VN - Trước ý kiến của người dân cho rằng có kết quả xác định của viện Môi trường và tài nguyên không chính xác so với thiệt hại thực tế ô nhiễm do Sonadezi Long Thành gây ra, thạc sĩ Nguyễn Thanh Hùng, phó trưởng phòng Quản lý tài nguyên (viện Môi trường và tài nguyên - đại học Quốc gia TP.HCM), đơn vị được tỉnh Đồng Nai mời xác định thiệt hại, đã thừa nhận với phóng viên Sài Gòn Tiếp Thị: có thể thực tế người dân thiệt hại rất lớn nhưng viện không đủ cơ sở khẳng định Sonadezi gây ô nhiễm nghiêm trọng hơn.

Người dân xã Tam An đã tập kết vật tư đòi lấp cống xả của công ty Sonadezi, ngày 27.4.2012 vì không nhận được câu trả lời chính thức sẽ giải quyết như thế nào, có bồi thường thiệt hại cho dân hay không? Ảnh: CTV

Theo ông Hùng, do vụ gây ô nhiễm của Sonadezi Long Thành đã xảy ra rồi, các dữ liệu quan trắc trong quá khứ ở khu vực đó không có nên viện đã dùng một trong những phần mềm khá phổ biến để đánh giá chất lượng nước là mô hình Mike 11. Theo đó, dữ liệu đầu vào cho mô hình tính toán thứ nhất là đặc tính xả thải của Sonadezi (gồm lưu lượng xả thải và nồng độ các chất ô nhiễm trong dòng thải); thứ hai là các dữ liệu thủy văn, thủy lực ở dòng sông này thông qua việc đo đạc trực tiếp.

Nguồn thải của Sonadezi được xác định như thế nào, thưa ông?

Đầu vào nguồn thải Sonadezi là toàn bộ số liệu đã được cơ quan chức năng các cấp thanh, kiểm tra giám sát hàng năm, và của thời điểm bắt quả tang của C49 (ngày 4.8.2011). Theo đó, viện đã xem xét nhiều kịch bản, phương án xả thải khác nhau và áp dữ liệu ở mức ô nhiễm cao nhất là của C49 cung cấp để làm cơ sở yêu cầu Sonadezi bồi thường.

Nhưng theo phản ánh thực tế của dân và chính quyền cơ sở địa phương, nhiều năm trước đây Sonadezi đã xả thải, gây ô nhiễm rất nghiêm trọng, khiến cây con chết hàng loạt. Liệu tính toán dựa trên cơ sở trên đã công bằng?

Công bố vừa rồi là dựa vào bằng chứng rõ ràng. Do đây là việc gắn với vấn đề thưa kiện, đầu vào phải có cơ sở kết luận rõ ràng. Vì vậy sau khi họp trao đổi, báo cáo kết quả với UBND tỉnh Đồng Nai, bàn đi bàn lại, chúng tôi quyết định chọn kết luận bắt quả tang của C49 vào mô hình tính. Từ đó viện tính toán ra mức độ và phạm vi bị ô nhiễm trong nhiều năm do Sonadezi gây ra.

Các kịch bản khác mà chúng tôi làm chỉ đưa ra để tham khảo và so sánh, để sau này khi quyết thì có tình tiết tăng hoặc giảm nhẹ. Đứng ở góc độ khoa học, chúng tôi cũng làm kịch bản ở giả định xấu nhất: Sonadezi xả thải ra môi trường mà không xử lý gì cả trong những năm quá khứ. Lúc đó phạm vi và mức độ ô nhiễm tất nhiên sẽ lớn hơn so với kết quả công bố vừa rồi. Tuy nhiên, nó không phải là kịch bản có cơ sở pháp lý, do mình không đủ chứng cứ kết luận ở trường hợp này. Có thể người dân chứng kiến và nghi ngờ, cơ quan nhà nước cũng có thể nghi ngờ, nhưng do không có bằng chứng gì thì không thể ép tội doanh nghiệp.

Ông giải thích như thế nào khi thực tế có rất nhiều trường hợp bị thiệt hại nhưng họ lại không được công nhận nằm trong phạm vi ô nhiễm?

Trong quá trình tính toán, chúng tôi đã cố gắng bám sát theo địa hình, địa vật, thực tế dùng nguồn nước cụ thể của các hộ dân… để đưa ra đường biên, khoanh vùng ô nhiễm, trên nguyên tắc là cố gắng mở rộng tối đa. Tuy nhiên, kết quả tính toán chỉ giới hạn tới đó nên không tính được ra bên ngoài. Đương nhiên, trên thực tế cũng có những hộ bị ô nhiễm nằm men đường ranh này.

Chúng tôi cho rằng đầu vào tương đối chính xác rồi. Mô hình tính toán cũng có tính lồng ghép đến quá trình tích lũy các ô nhiễm và yếu tố tự làm sạch tự nhiên của dòng sông… Tất nhiên, độ chính xác đến đâu còn do uy tín của mô hình tính toán này. Có thể mỗi một mô hình sử dụng sẽ đưa ra một kết quả khác nhau. Riêng mô hình Mike 11 khá phổ biến, hiện nay nó được thương mại gần như toàn cầu, đương nhiên độ tin cậy không phải 100%.

Tức là có thực tế ô nhiễm không khớp với kết quả tính toán?

Như đã nói, trong báo cáo chúng tôi gửi cho tỉnh Đồng Nai có tính đầy đủ các phương án kịch bản khác nhau, trong đó có cả giả định xấu nhất là: trong mấy năm liền trước đây Sonadezi không xử lý gì nước thải. Nếu đúng như vậy thì những hộ dân bị lọt khỏi phạm vi ô nhiễm hiện nay sẽ nằm trong phạm vi ô nhiễm. Tuy nhiên, chúng tôi kiến nghị những kết quả đó chỉ mang tính chất tham khảo thôi, chứ không phải lấy kết quả đó để yêu cầu Sonadezi bồi thường, vì chúng tôi không có đủ cơ sở. Có thể hiện nay đúng là có một số trường hợp bị thiệt thòi, nhưng mọi cái đều nằm ngoài khả năng phán quyết của mình. Chúng tôi chỉ có thể dựa vào những bằng chứng gây ô nhiễm cụ thể (đã được các cơ quan chức năng bắt quả tang, xử phạt…) để khoanh ra vùng ô nhiễm này thôi.

Với tư cách là một đơn vị khoa học, độc lập, liệu viện giúp được gì cho người dân?

Trước mắt phải đợi kết quả làm việc của ban bồi thường thiệt hại. Nếu tỉnh yêu cầu viện giải trình tiếp những trường hợp bị lọt sổ thì viện sẽ có những ý kiến thêm về vấn đề đó. Chúng tôi cũng kiến nghị ban chỉ đạo phải ghi nhận những trường hợp bị ô nhiễm nằm ngoài vùng ô nhiễm, sau đó sẽ tổng hợp, báo cáo lại với tỉnh xin ý kiến tiếp hướng giải quyết như thế nào. Phía viện cũng muốn Sonadezi phải có trách nhiệm rõ trong trường hợp này, không dây dưa, trường hợp bồi thường là bồi thường, trường hợp hỗ trợ cũng phải ít nhất 30% chứ không thể chèn ép dân xuống quá thấp, mà phải có tinh thần trách nhiệm cao.

Người dân bị thiệt hại, sao lại hỗ trợ mà không phải là đền bù?

Những lỗi mà mình xác định đúng chỉ mình Sonadezi gây ra thì phải bồi thường, nhưng các thiệt hại mà còn kết hợp nhiều yếu tố khác nhau nữa, thì yêu cầu hỗ trợ. Trong trường hợp này, đối với thiệt hại thủy sản thì gọi là bồi thường (Sonadezi chịu trách nhiệm bồi thường 95% – PV), còn thiệt hại với cây trồng vật nuôi thì do thiệt hại còn bởi nhiều yếu tố khác nữa như kỹ thuật nuôi trồng, nhiễm mặn, ngập úng… nên đề nghị Sonadezi hỗ trợ.

Dân phản ánh: cây trồng chết lai rai từ năm 2006, khi Sonadezi bắt đầu xả thải nước bẩn, đến 2008 thì chết hàng loạt. Đến nay, đất vườn trồng cây cũng không thu hoạch được như xưa, thậm chí nhiều hộ dân đã phải bỏ hoang… Vậy nói yếu tố gây chết cây trồng vật nuôi còn do các yếu tố khác và không xác định được cụ thể mức độ ô nhiễm do Sonadezi gây ra với hai đối tượng này liệu có công bằng với người dân?

Chúng tôi chia sẻ những nhìn nhận vấn đề của dân. Họ sống ở đó và họ quan sát được, nên khi người dân đưa ra những cơ sở bị thiệt hại cây trồng và vật nuôi cũng đáng là tin cậy. Biết đâu vào những thời gian đó xả thải của Sonadezi nhiều và nặng nên đã dẫn đến thiệt hại nặng nề, là nguyên nhân chính dẫn đến cây con chết. Nhưng khoa học phải dựa vào số liệu để nói, chứ không thể theo cảm quan để phán đoán. Đầu vào của chúng tôi nắm được thì nồng độ ô nhiễm chỉ ở mức này chưa thể gây chết cây, con nuôi, mà phải do các yếu tố khác mới gây chết cây con.

Về mặt khoa học phải trả lời nếu ở độ ô nhiễm đó có làm chết cây trồng và con nuôi hay không thì phải có thực nghiệm. Chúng ta hiện chưa có đủ điều kiện tiến hành đầu tư cơ bản để biết ở mức nào cây con chết, và làm phải mất rất nhiều năm để ra kết quả.

Viện có dùng vệ tinh trong quá khứ để thấy sự lan truyền trong ô nhiễm như trong vụ việc Vedan trước đây?

Đây chỉ là một phạm vi ô nhiễm quá nhỏ, mức độ ô nhiễm trên kênh rạch ô nhiễm cũng nhỏ hơn vụ Vedan nhiều nên chúng tôi không dùng.

Nguồn SGTT: http://sgtt.vn/ban-doc/165869/vien-moi-truong-va-tai-nguyen-%e2%80%9cchung-toi-khong-du-co-so%e2%80%9d.html