Vị tiến sỹ bước ra từ trại giam Hỏa Lò

"Tháng 9 năm 1996, tôi cay đắng bước chân vào nhà giam Hỏa Lò, bắt đầu một cuộc sống không còn quyền công dân đằng đẵng đến 13 năm liền, như ông đã biết. Ấy là tự tôi đã phấn đấu rút ngắn được 7 năm, chứ đúng ra, theo án, tôi phải ở trại 20 năm, ông ạ..." - vị Tiến sỹ tâm sự.

Sinh năm 1941 tại xã An Khánh, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), năm 1960 tốt nghiệp cấp 3 phổ thông, ông được cử sang Liên Xô học Đại học Văn hóa tại Lêningrát. Học xong đại học, ông ở lại làm nghiên cứu sinh. Đề tài ông say mê theo đuổi và Giáo sư đỡ đầu ủng hộ, khuyến khích là: Lễ hội dân gian Việt Nam, nổi bật là Lễ hội về bốn vị thánh bất tử của dân tộc, được suy tôn là “Tứ Bất Tử”. Đó là Sơn Tinh, còn gọi là Thánh Tản Viên, người có công đánh thắng Thủy Tinh, cứu dân khỏi họa lụt lội. Là Thánh Gióng đánh tan giặc Ân, giữ yên bờ cõi đất nước. Là Chử Đồng Tử gắn với thiên tình sử lãng mạn cùng Tiên Dung công chúa, sau có công dẹp loạn và đặc biệt nêu gương chí hiếu với cha mẹ. Và, vị thánh cuối cùng trong “Tứ Bất Tử” là Chúa Liễu Hạnh, được suy tôn là Thánh Mẫu, có công lớn trừ thiên tai địch họa cho dân. Bốn vị thánh gắn với bốn truyền thuyết được truyền tụng, trường tồn trong đời sống tâm linh của dân tộc Việt Nam, được dân lập đền thờ khắp đất nước, hàng năm tổ chức lễ hội linh đình. Lễ hội “Tứ Bất Tử” cùng nhiều lễ hội khác đã trở thành sinh hoạt văn hóa truyền thống không thể thiếu của văn hóa Việt Nam. Làm rõ nội dung “Tứ Bất Tử”, từ đó lý giải về các lễ hội tưởng niệm bốn vị thánh được dân tộc tôn thờ đời đời, góp phần cắt nghĩa văn hóa tâm linh Việt Nam, đấy chính là ý tưởng về Luận văn Phó Tiến sỹ của ông. Với nguồn tư liệu phong phú cộng với niềm say mê khảo sát điền dã, nghiên cứu trong những đợt về nước, ông đã hoàn thành bản Luận văn “Lễ hội dân tộc Việt Nam qua lễ hội Tứ Bất Tử” với chất lượng cao, trong thời gian ngắn đến chính ông cũng bất ngờ. Nhưng buồn thay, Luận văn của ông đã không được các cấp có thẩm quyền của Việt Nam chấp thuận, cho dù nó được vị Giáo sư đỡ đầu mừng rỡ đón nhận, và ông đã lặn lội gõ hầu hết các cửa, cả đến cửa có quyền hạn rất lớn. Lý do người ta không ký duyệt Luận văn chỉ gọn lỏn một câu: Cả nước đang tập trung đánh Mỹ, ủng hộ các lễ hội là ủng hộ mê tín dị đoan! (?) Ông đành trở lại Liên Xô, cặm cụi làm Luận văn “Tục tắm tuyết của người phương Bắc nước Nga” để thay cho bản Luận văn ông đã dồn bao tâm huyết. Với tấm bằng Phó Tiến sỹ từ một Luận văn như thế, sau khi về nước, ông được ngồi chơi xơi nước khá lâu, sau được bố trí làm chân “thông ngôn” cho chuyên gia Liên Xô để khỏi phí công của đào tạo(!). Cho đến khi một Trung tâm thiết kế mẫu đồ chơi được thành lập, may sao các nhà tổ chức nhớ đến ông, gọi ông về giao cho làm Giám đốc. Đấy là thời điểm đất nước sắp bước vào công cuộc Đổi mới, khó khăn chồng chất nhưng hướng đi chưa được khai mở. Với học vấn và niềm say mê chưa vơi cạn, ông cùng Trung tâm nhanh chóng làm ra nhiều mẫu đồ chơi. Kinh tế đất nước đang bên bờ khủng hoảng, thật khó tìm được người mua mẫu đồ chơi, ông tìm cách liên hệ với bạn hàng Liên Xô, và đã gặp may. Khách hàng Liên Xô mua của ông liền lúc mười mẫu đồ chơi với giá 500 ngàn Rúp, lại ký hợp đồng trị giá 500 ngàn Rúp nữa để Trung tâm của ông sản xuất cho họ một trong mười mẫu đồ chơi đó. Liền sau đấy, ông tìm được những khách hàng mới và hướng làm ăn mới: một nông trường trong Quảng Trị có nguồn hàng hạt tiêu đã tìm bán được hàng cho bạn Đông Đức theo thể thức hàng đổi hàng, nhưng họ chưa tìm được khách hàng tiêu thụ các mặt hàng Đông Đức để thu tiền về. Ông và Trung tâm của ông đã nhận giúp họ việc đó. Chẳng mấy khó khăn, ông tìm được 5 Công ty trên địa bàn Hà Nội cần mua hàng Đông Đức, và cả 5 Công ty đều ký hợp đồng, lại ứng trước cho Trung tâm của ông số tiền 160 triệu đồng tiền Việt. Rất tin ở hai hợp đồng trị giá một triệu Rúp với bạn hàng Liên Xô và hợp đồng hàng đổi hàng của nông trường với bạn hàng Đông Đức, ông mạnh dạn sử dụng số tiền 160 triệu đồng ứng trước của 5 Công ty nọ vào việc chi lương và chuẩn bị sản xuất mẫu đồ chơi đã ký. Nhưng, bất ngờ Đông Đức sụp đổ, nước Đức thống nhất. Sự kiện đó khiến ông thật sự lo lắng. Là bởi, hàng Đông Đức không có nữa, trong khi thời hạn giao hàng cho 5 Công ty Hà Nội đã đến. Không có hàng thì hiển nhiên là ông phải hoàn lại số tiền 160 triệu đồng họ đã ứng, mà ông đã tiêu hết nhẵn rồi. Ông trình bày nguồn tiền sẽ có, chìa cả hai hợp đồng với bạn hàng Liên Xô, nhưng khốn thay, các bạn Liên Xô chẳng chuyển cho ông đồng Rúp nào. Và rồi Liên Xô sụp đổ! Ôi chao, lần này thì ông choáng váng, vì thấy nhãn tiền một triệu Rúp tan thành mây khói. Chưa biết xoay xở sao thì cả 5 Công ty Hà Nội đồng loạt khởi kiện ông. Ông bị khép tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản!”. Và… - Tháng 9 năm 1996, tôi cay đắng bước chân vào nhà giam Hỏa Lò, bắt đầu một cuộc sống không còn quyền công dân đằng đẵng đến 13 năm liền, như ông đã biết. Ấy là tự tôi đã phấn đấu rút ngắn được 7 năm, chứ đúng ra, theo án, tôi phải ở trại 20 năm, ông ạ. Cũng tại tôi nghèo, các con tôi nghèo không có tiền, chứ nếu có, tôi được ra trại sớm một năm nữa, vào trước Tết Kỷ Sửu - 2008. Vâng, luật lệ là vậy mà. Dính đến án kinh tế, nếu có tiền nộp trả công quỹ, sẽ được ra trại sớm, thậm chí không phải ngồi tù, mà có phải ngồi tù cũng sẽ có một thân phận tù không đến nỗi nào. Tôi biết cảnh nghèo của mình, lại là người có học, từ ngày phải vào trại, tôi cắn răng phấn đấu. Cũng may cho tôi gặp được các vị Giám thị biết người biết của, luôn giao cho tôi những công việc hợp sức lực và khả năng để tôi có điều kiện phấn đấu. Vào Trại số 5, đầu tiên tôi được giao dạy học suốt 4 khóa xóa mù cho các trại viên không biết chữ. Tiếp đó, tôi được giao thiết kế trang trí hội trường, thiết kế các vườn hoa, cây cảnh. Thấy tôi tận tâm và làm được việc, các vị liền giao cho tôi chỉ huy một đội gồm những trại viên khéo tay, giỏi nghề, chuyên thi công các công trình tôi đã thiết kế. Ông đã vào gặp tôi trong Trại số 5 hẳn ông đã tận mắt thấy các hội trường, các vườn hoa, các cụm tượng, những cây cảnh. Cũng được, phải không ông? Vâng, hầu hết những thứ ông thấy đó có công sức của tôi góp vào. Và nhờ nó mà tôi liên tục được giảm án. Hồi gặp ông tháng 4 năm ngoái, tôi đã được giảm án đến 6 lần, ngồi nhẩm tính sẽ được về với cuộc đời thường này trước Tết Kỷ Sửu, chẳng ngờ phải ở tiếp trong đó đến cuối tháng 11 vừa rồi, sau khi được thưởng thêm lần giảm án thứ 7. Lý do thì tôi vừa nói, vì tôi và các con nghèo, không có tiền nộp trả công quỹ, cho dù tôi có chiếm dụng tiêu riêng cái số tiền 160 triệu của 5 Công ty đó cho cá nhân tôi đâu? Không muốn ông đắm mãi vào nỗi buồn, tôi kéo ông về với kỷ niệm tháng 4 năm 2008. Đấy là lần đầu tiên tôi tình cờ được gặp ông, nghe ông tâm sự. Tôi cùng đoàn nhà văn nhà báo được mời đi thực tế Trại giam số 5, và tại đó, trong căn phòng nhỏ của phân trại số 1, tôi cùng các nhà văn Mai Vũ, Trần Chiểu ngồi trò chuyện với ông - một Tiến sỹ đang gặp nạn, phải thụ án những 20 năm. Chuyện một Tiến sỹ - Giám đốc phải mặc áo số đã khiến tôi tò mò, nhưng tôi ngạc nhiên và muốn tìm hiểu về ông hơn khi sau giờ nghỉ trưa, vào gặp lại ông, ông rút trong bụng áo ra tặng tôi tập truyện ngắn “Cỏ mật” do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành năm 1999, ký bút danh Nguyễn Gia Hoàng, ông viết trong ba năm đầu vào trại. Và, tôi sửng sốt khi sát trước lúc chia tay, ông nhỏ nhẹ bảo hiện ông đã viết được dăm ngàn trang bản thảo, sau tập “Cỏ mật”. Tôi gợi con số năm ngàn trang ông viết ấy, quả nhiên nét mặt ông tươi trở lại. Và ông vui vẻ kể: - Hôm ra trại, tôi đã mang về được kha khá, số trang còn lại, tôi gửi nhờ người ta chuyển cho sau. Tôi định nghỉ ngơi ít bữa, cũng là để làm quen lại với cuộc sống đời thường sau 13 năm biền biệt, rồi sẽ đọc rà soát lại, dồn các trang viết thành tấm thành món ông ạ. - Có thể được những gì? Nghe tôi hỏi, ông tuyệt nhiên không tỏ chút ngại ngùng, nói một mạch như đã có chủ định sau khi tính toán kỹ càng: - Tôi sẽ có hai tập truyện tranh, hai kịch bản phim hoạt hình cho thiếu nhi. Tôi cũng đã dồn xong một tập truyện ngắn, viết xong tám cái truyện dài và tiểu thuyết. Mấy truyện dài hình sự tôi đã chuyển sang kịch bản phim truyện truyền hình nhiều tập, có cái 20 tập. Tôi cũng làm xong ba kịch bản sân khấu. Có thể ông nghi ngại: tôi viết nhiều thế, chất lượng có ổn không? Thú thật với ông, tôi cũng nhiều lần tự hỏi, tự răn tôi câu đó, và tôi tiến hành kiểm chứng. Tập truyện “Cỏ mật” tôi tặng ông tháng 4 năm ngoái chính là sự kiểm chứng đó, ông ạ. Trong số trang tôi viết được, còn có một cái tôi rất tâm đắc. Đó là một công trình về khoa học giáo dục. Vâng, một Đề án công nghệ sản xuất con rối phục vụ việc giảng dạy hệ giáo dục mầm non. Ông không quên tôi là Tiến sỹ khoa học về Văn hóa, cụ thể hơn là về Văn hóa dân gian chứ? Đề án này tôi nghiền ngẫm rất kỹ và theo tôi, tính khả thi rất cao, dễ thực hiện. Nghỉ ngơi ít bữa rồi tôi sẽ liên hệ với Vụ Giáo dục Mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo để bàn với họ về Đề án này, ông ạ. Ông tính xem, thế có được không? Tôi chỉ còn biết mừng rỡ, tán thưởng chứ còn biết trả lời sao nữa. Chao ôi, ở trại 13 năm mà làm từng ấy việc, không kể hoàn thành rất tốt mọi việc Trại giao, tốt đến mức được 7 lần thưởng giảm án (theo quy định, thường chỉ được thưởng cao nhất là 6 lần), cái ý chí và sức bền làm việc trong con người ông Tiến sỹ có thân hình nhỏ nhắn đang ngồi trước mặt tôi sao mà ghê gớm thế! Ý chí và sức bền ấy, nay được thỏa sức bùng phát trong cuộc sống tự do trong lành, hiệu quả của nó rồi sẽ còn đạt đến mức nào?!

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/vi-vn/xahoi/2010/2/126328.cand