Vì sao ba cán bộ Công an Tiền Giang bị khởi tố?

Chiều 7-6-2011, Cục Điều tra - Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và khám xét nhà riêng của nguyên ba cán bộ Công an Tiền Giang, gồm các ông: Ngô Thanh Phong, Nguyễn Văn Nên, Phạm Văn Út, về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” theo điều 281 Bộ Luật hình sự. Vì sao họ bị khởi tố?

Kỳ 1: TỪ MỘT VỤ TRANH CHẤP Chúng tôi gặp ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Hưng Thịnh (Cty HT) vào một buổi chiều cuối năm Canh Dần tại cơ ngơi của ông trong Khu công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương. Là một doanh nhân thành đạt - theo cách gọi bây giờ, nhưng ông từng có lúc “lên bờ xuống ruộng” vì một chuyện “trời ơi”. Ông bị giam mất 118 ngày, trong đó có 5 ngày bị giam trái phép. Bây giờ ngồi đây, và khi nghe chúng tôi hỏi về những ngày tháng gian truân mà ông từng nếm trải, mắt ông như mờ đi. Cầm điếu thuốc trên tay, mãi ông mới châm được lửa. Ông nói: “Mặc dù những người trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nỗi hàm oan cho tôi đã đến tận công ty gặp tôi xin lỗi và hứa sẽ tổ chức xin lỗi công khai chỉ để mong tôi rút lại những lá đơn tố cáo, nhưng tôi cương quyết từ chối. Nói thật lòng là tôi chẳng thù oán gì họ, nhưng tôi muốn qua vụ việc này gióng lên một hồi chuông cảnh tỉnh với những ai đã và đang cố tình lạm quyền, nhất là quyền ấy là quyền tố tụng, quyền thực thi pháp luật”. Tọa lạc trong khuôn viên Cty HT, khu Công nghiệp Đồng An, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương, Công ty TNHH gas Bình Dương do ông Đỗ Cao Bằng là Chủ tịch HĐQT, ông Nguyễn Viết Tạo là Tổng giám đốc, ông Nguyễn Đức Bình là ủy viên HĐQT và ông Phạm Văn Hướng là ủy viên HĐQT kiêm Phó tổng giám đốc. Ông Bùi Mạnh Lân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Cty HT, cho biết: “Cũng như nhiều đơn vị khác, Công ty TNHH gas Bình Dương thuê mướn mặt bằng, nhà xưởng của tôi để kinh doanh”. Bị can Phạm Văn Út Năm 2000, xảy ra tranh chấp giữa các thành viên trong HĐQT Công ty gas Bình Dương. Theo các ông Đỗ Cao Bằng, Phạm Văn Hướng, Nguyễn Đức Bình, trong quá trình kinh doanh, ông Nguyễn Viết Tạo có biểu hiện lạm dụng chức vụ tổng giám đốc, chiếm đoạt tài sản. Vụ việc được đưa ra Tòa Kinh tế - Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương phán xử, nhưng sự mâu thuẫn giữa các bên vẫn không chấm dứt bởi lẽ trong khi Tòa Bình Dương đang thụ lý thì ông Tạo cho thay đổi hồ sơ, đăng ký thành lập lại công ty với ý định loại ông Bằng cùng các thành viên khác ra khỏi bộ máy lãnh đạo. Đưa cho chúng tôi xem những tài liệu liên quan, ông Bằng nói: “Ngày 30-8-2000, Hội đồng thành viên Cty gas Bình Dương cách chức giám đốc của ông Nguyễn Viết Tạo, nhưng ông Tạo vẫn giữ con dấu. Sau đó, đến tháng 10-2000 ông Tạo dùng hồ sơ pháp nhân của Cty gas Bình Dương để làm thủ tục đăng ký kinh doanh gas tại địa chỉ mới là số 99 đường Ích Thạnh, phường Trường Thạnh, quận 9, TPHCM rồi thay đổi tên, từ Cty gas Bình Dương thành Cty gas Thái Bình Dương”. Ông Lân nói: “Mặc dù các ông Tạo, Hướng, Bằng, Bình đều là chỗ quen biết và chuyện tranh chấp là chuyện nội bộ của họ, không liên quan gì đến tôi. Ấy thế mà tôi lại... bị bắt!”. Để tránh tài sản bị tẩu tán, ngày 18-9-2000 ông Bằng đưa một số người ngoài công ty vào bảo vệ. Ông Tạo chỉ đạo nhân viên chống lại. Sau đó, với sự tham gia của Ban Quản lý Khu công nghiệp Bình Dương và Công an tỉnh Bình Dương, vụ việc đã được giải quyết. Biên bản do công an địa phương lập ngày 18-9-2000, có ý kiến và chữ ký của ông Nguyễn Viết Tạo, ghi rõ: “Nghe tin báo của công nhân, tôi về thì thấy xe biển số 53L-2247 và một số người không phải là công nhân của công ty. Do đó tôi nhờ cơ quan giải quyết. Hiện tại công ty không xảy ra xô xát”. Sau này, trong báo cáo của Tổng cục Cảnh sát gửi Bộ Công an ngày 26-4-2004, nhận định: “Các phòng nghiệp vụ Công an Bình Dương phối hợp với Công an huyện Thuận An, Công an xã Bình Hòa đã lập biên bản sự việc và cho rằng đây là tranh chấp vốn trong công ty nên chỉ yêu cầu anh Bằng - Bình đưa người của mình ra khỏi công ty... Cơ quan CSĐT - Bộ Công an sau khi thẩm tra, xác minh đơn, kết luận: Việc tranh chấp vốn và tư cách thành viên Công ty gas Bình Dương là tranh chấp kinh tế, thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương”. Tháng 6-2002 - nghĩa là gần hai năm sau đó - khi vụ án Năm Cam nổ ra, và khi Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đang tiến hành giải quyết thì ông Nguyễn Viết Tạo có đơn gửi Ban chuyên án, tố cáo một số thành viên trong Công ty Hưng Thịnh thuê mướn “băng nhóm xã hội đen Năm Cam chiếm giữ tài sản của Công ty gas Bình Dương”. Nhận được đơn này, lãnh đạo Ban chuyên án đã phân công cho ông Nguyễn Văn Nên - lúc ấy là thiếu tá - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an Tiền Giang làm tổ trưởng tổ điều tra, cùng một số điều tra viên thụ lý. Người dân tụ tập xem cơ quan tố tụng bắt giữ Út Ngày 27-3-2003, với tư cách Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Nên đã ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình vì tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Ông Bùi Mạnh Lân nhớ lại: “Khi ấy tôi đang dự một buổi họp tại TP. Vũng Tàu. Nghe tin báo anh Bằng bị bắt tôi vội vã quay về ngay. Tại trụ sở Công ty HT, tôi nói với ông Nên rằng đây chỉ là tranh chấp dân sự thì ông Nên trả lời rất đanh thép: “Tôi - thiếu tá Nguyễn Văn Nên - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT - Công an Tiền Giang, là người ký lệnh bắt Đỗ Cao Bằng. Nếu Đỗ Cao Bằng không có tội, tôi sẽ cởi áo ngồi tù thay”. Ngày 29-4-2003, cũng ông Nguyễn Văn Nên ký lệnh bắt, khám xét khẩn cấp đối với ông Bùi Mạnh Lân và Phạm Văn Hướng. Kể lại cho chúng tôi nghe, ông Lân vẫn bàng hoàng xen lẫn phẫn nộ: “Tôi là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Cty HT - chủ đầu tư Khu công nghiệp Đồng An. Tôi không phải là thành viên của Công ty gas Bình Dương. Ngày 18-9-2000, tôi được chính quyền mời tới công ty gas để chứng kiến giải quyết vụ việc xảy ra trên địa bàn thuộc quyền quản lý của tôi. Theo quy định của pháp luật, cho dù đó là vụ gây rối thực sự chăng nữa thì sau một năm, nếu không có cơ quan chức năng nào ra quyết định xử phạt hành chính, hoặc khởi tố hình sự thì đương nhiên nó không còn hiệu lực tố tụng. Nhưng không hiểu vì lẽ gì tôi lại bị bắt khẩn cấp”. Vào thời điểm ấy, Khu công nghiệp Đồng An đã được ông Bùi Mạnh Lân đầu tư 193 tỉ đồng để làm hạ tầng, và 70 tỉ đồng để xây dựng nhà, xưởng, thu hút 80 dự án đầu tư mà trong đó hơn 60 dự án vốn nước ngoài, giải quyết việc làm cho trên 15 ngàn lao động (hiện nay là trên 150 dự án, 40 ngàn lao động). Một cán bộ UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Trước khi ông Lân bị bắt, tại địa phương, Cty HT đã xây 80 nhà tình nghĩa, đóng góp 230 ngàn USD và 1,3 tỉ đồng để xây dựng một số công trình giao thông, nhà trẻ, trường mẫu giáo, đóng góp 1,5 tỉ đồng ủng hộ nạn nhân bão lụt. Sau này ông Lân còn được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, Cty HT được Huân chương Lao động hạng nhì”. Gia đình các ông Lân, Hướng, Bằng, Bình nhớ lại: “Vậy mà sau khi người nhà chúng tôi bị bắt dư luận lại rộ lên những thông tin về người nhà chúng tôi là “trùm buôn lậu”, “trùm cờ bạc”...”. Thế nhưng từ khi công tác trong ngành Hải quan năm 1986 đến 1992, ông Lân chưa hề bị kỷ luật vì vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy định của ngành. Việc ông xin chuyển ngành là do ý muốn cá nhân và đã được chấp thuận bằng quyết định số 240, ký ngày 4-9-1992. Ông Lân nói: “Khi làm Khu công nghiệp Đồng An, Cty HT đã ủng hộ địa phương trong việc bảo tồn những di tích lịch sử, lập bia tưởng niệm liệt sĩ cho cả ấp tại đình Đồng An. Trong suốt thời gian xây dựng khu công nghiệp đến nay, chưa hề có sự thưa kiện nào của người dân địa phương, phải nhờ chính quyền giải quyết. Vậy mà chẳng hiểu họ lấy thông tin từ đâu để nói rằng tôi cưỡng ép dân, san ủi mồ mả liệt sĩ vô danh”. Ông Lân kể tiếp: “Ngày 29-4-2003, khi tôi vừa đi dự lễ kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng tại Huyện ủy Thuận An về đến trụ sở Cty HT, thì thấy hàng chục cán bộ công an đã đợi sẵn. Tiếp theo, ông Nguyễn Văn Nên đọc quyết định bắt, khám xét khẩn cấp đối với tôi. Khi tôi phản đối thì ông Nên nói: “Oan hay không anh về Tiền Giang sẽ biết tội”. Thế là lên xe, vào trại giam rồi tiếp theo là những buổi “làm việc” căng thẳng. Theo ông Lân, cán bộ hỏi cung đề cập đến vụ gây rối trật tự tại Cty gas Bình Dương thì ít, mà tập trung hỏi về “quan hệ với băng nhóm Năm Cam” thì nhiều, với những cái tên như Bảy Việt, Luông “điếc” được lặp đi lặp lại. Kết luận điều tra của Cơ quan CSĐT Công an Tiền Giang viết: “...Ngày 16-9-2000, tại Cty Hưng Thịnh, Bùi Mạnh Lân, Đỗ Cao Bằng, Nguyễn Đức Bình, Phạm Văn Hướng đã bàn bạc và thống nhất đưa người đến công ty gas để chiếm giữ tài sản. Đỗ Cao Bằng đề xuất và được Bùi Mạnh Lân đồng ý... Bằng, Bình nhận trách nhiệm tìm người và thống nhất ngày 18-9-2000 sẽ thực hiện. Bằng đã gặp Trang Quốc Thọ (Bảy Việt), nhờ Thọ thuê cho Bằng một số người khỏe mạnh giúp Bằng tiếp quản công ty. Thọ đã rủ Dương Minh Hùng, Nguyễn Văn Có và bảy người khác. Nguyễn Đức Bình nhờ nhóm Phạm Văn Luông (Luông điếc)... Khoảng 11 giờ 30 ngày 18-9-2000, Bằng, Bình, Hướng trực tiếp đưa bọn Thọ, Luông, Có, Hùng và đồng bọn đến Cty gas Bình Dương gây rối. Công an Bình Dương và Công an huyện Thuận An nghe tin báo đã đến lập biên bản giải quyết lúc 13 giờ ngày 18-9-2000, có sự chứng kiến của ông Tạo, sau đó lập danh sách đàn em của Thọ, Luông và cho về. Sau khi sự việc xảy ra Bằng đã trả công cho nhóm Thọ 20 triệu, Bình trả cho Luông 5 triệu...”. (Còn tiếp)

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=708&id=319252&mod=detnews&p=