Vì sao Tổng Giám đốc IMF tin vào kinh tế Trung Quốc?

Kinh tế Trung Quốc, dù đang khó khăn khi chuyển sang mô hình tăng trưởng chậm và bền vững hơn, nhưng sẽ tránh được nguy cơ “hạ cánh cứng”.

Đó là nhận định của Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 4/2. Theo bà Lagarde, Trung Quốc sẽ tránh được “hạ cánh cứng” nếu nước này tập trung vào cải cách các doanh nghiệp nhà nước, thúc đẩy một nền kinh tế thị trường và làm minh bạch hơn các chính sách ngoại hối.

Nhà lãnh đạo IMF cũng kêu gọi Trung Quốc tiếp tục cải cách theo hướng thị trường, trong đó có cải cách các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước.

Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Uy Hải, tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc. Ảnh: THX

Trong một bài phát biểu tại trường Đại học Maryland cùng ngày 4/2, bà Lagarde nói rằng đà tăng chậm lại của kinh tế Trung Quốc có thể gây hiệu ứng lan tỏa đối với thương mại và nhu cầu hàng hóa trong ngắn hạn. Song về dài hạn, đầu tư và tiêu dùng nội địa sẽ giúp nền kinh tế lớn thứ hai thế giới lấy lại "phong độ" với mô hình tăng trưởng bền vững hơn.

Trong bài phát biểu của mình, Tổng Giám đốc IMF cũng chỉ ra những thách thức đối với các nền kinh tế mới nổi, trong đó có kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm hơn dự kiến, giá dầu giảm và sự khác nhau trong cách thức vận hành các chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

Tổng Giám đốc IMF đã nhiều lần thể hiện sự lạc quan của mình đối với nền kinh tế Trung Quốc. Còn nhớ, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ hồi tháng 1/2016, bà cũng khẳng định đà tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc, tuy đang khiến các thị trường tài chính toàn cầu chao đảo, song điều đó là là “rất bình thường”.

Bà Lagarde từng tuyên bố, IMF rất ủng hộ quá trình Trung Quốc chuyển dịch từ nền kinh tế dựa vào xuất khẩu sang dựa vào tiêu dùng. Bà ghi nhận nỗ lực của Trung Quốc trong quản lý tỷ giá hối đoái và dao động lãi suất, đồng thời hy vọng nước này dần dần sẽ thông tin cho thế giới đầy đủ kịp thời hơn về những gì xảy ra trong nền kinh tế.

Trước đó, trong năm 2015, Trung Quốc đã phá giá kỷ lục đồng nhân dân tệ, thị trường chứng khoán nước này rung lắc dữ dội hồi tháng 8, khiến 5 nghìn tỷ USD bốc hơi khỏi thị trường và hiện tại đang rơi vào thị trường giá xuống (bear market). Việc đồng nhân dân tệ suy yếu đã thúc đẩy dòng tiền chảy ra ngoài Đại lục, đồng thời làm dấy lên nỗi lo ngại đối với các đối tác thương mại toàn cầu rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục phá giá nội tệ.

An Nhiên (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/vi-sao-tong-giam-doc-imf-tin-vao-kinh-te-trung-quoc-3299879/