Vì sao Intel chưa thể thành công trên thị trường smartphone?

Intel không hề thua kém Qualcomm về tốc độ xử lý nhưng rõ ràng hiệu năng xử lý không phải là yếu tố duy nhất cần có trên một chiếc smartphone.

Theo trang công nghệ Android Central, hai năm trước, chẳng mấy ai để ý tới những chiếc smartphone sử dụng chip của Intel. Thế giới smartphone Android đơn giản là thuộc về Qualcomm. Thế nhưng, trong năm 2015, sự cố của Snapdragon 810 đã thay đổi hẳn cục diện của cuộc đấu này: trong lúc chạy theo kiến trúc 64-bit của Apple, Qualcomm đã khiến cho Snapdragon 810 gặp phải sự cố quá nhiệt tai hại.

Cùng lúc, những chiếc smartphone chạy chip của Intel được tăng cường đáng kể về hiệu năng. Ví dụ điển hình nhất là dòng ZenFone của ASUS: những người đã từng sử dụng ZenFone 2 hay ZenFone Zoom sẽ nhận thấy những chiếc smartphone này có thể khởi động Chrome hoặc điều hướng bên trong Android nhanh không kém gì chiếc HTC One M9 hay Galaxy Note 5 có giá cao gấp… 3, 4 lần. Xét trên khía cạnh này, Intel đã vượt mặt cả Qualcomm lẫn Samsung.

Ấy vậy nhưng trong năm 2016, các nhà sản xuất gần như chắc chắn vẫn sẽ sử dụng chip Snapdragon 820 của Qualcomm thay vì chuyển sang sử dụng chip của Intel. Nếu chỉ xét riêng yếu tố hiệu năng xử lý, điều này có vẻ là rất vô lý, song sự thật lại không đơn giản đến vậy.

Sự khác biệt đầu tiên giữa chip Intel và chip Qualcomm trên mảng di động đến từ hiệu năng đồ họa, đặc biệt là trên các tựa game nặng ký. Bạn có thể chơi game Vainglory trên những chiếc ZenFone, nhưng quá trình chơi game trên smartphone của ASUS vẫn không thể mượt mà như trên Galaxy S6 hay Galaxy Note 5. Lý do là bởi hiệu năng của GPU PowerVR được sử dụng trên chip Intel vẫn là quá kém cỏi so với hiệu năng của các đối thủ Snapdragon và Exynos. Cũng chính bởi lý do này, ZenFone Zoom không thể thực hiện được các tính năng chụp ảnh RAW hay quay video 4K. Khi không nhận được sự hỗ trợ phù hợp từ phần cứng, các tính năng này sẽ mang lại trải nghiệm khó chịu trên smartphone.

Tiếp đó, chip của Intel vẫn thiếu đi một tính năng quan trọng khác: chip sóng tích hợp. Hiện tại, tất cả các dòng SoC của Qualcomm đều được tích hợp sẵn các chip sóng (2G, 3G, LTE...) có thể tương thích với gần như tất cả các dải tần. Vi xử lý của Intel hiện tại chưa thể làm được điều này, và đây là một thiếu sót mà gần như không một nhà sản xuất nào có thể chấp nhận được. Trái ngược lại, hiệu năng kết nối của Qualcomm gần như đã trở thành tiêu chuẩn cho toàn bộ ngành công nghiệp smartphone, đủ để đánh bại những đối thủ sừng sỏ nhất.

Nói tóm lại, Intel có thể đã làm tốt trên khía cạnh quan trọng nhất là hiệu năng xử lý trong ứng dụng, nhưng lại thiếu đi những "chi tiết" nhỏ không kém phần quan trọng như đồ họa và kết nối mạng. Trên cả 2 khía cạnh này, Qualcomm đều đánh gục Intel.

Dù sao, điều này cũng không khiến cho thành quả của Intel trở nên kém ấn tượng hơn, bởi với phần đông người dùng thì tốc độ của trải nghiệm ứng dụng thông thường/duyệt web hàng ngày đã là quá đủ. Nếu như nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới có thể giải quyết được bài toán đồ họa và modem, cán cân của thế giới vi xử lý smartphone cao cấp có thể sẽ không nghiêng hẳn về phía Qualcomm như hiện nay.

Lê Hoàng

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tu-van-di-dong/-/view_content/content/1759775/vi-sao-intel-chua-the-thanh-cong-tren-thi-truong-smartphone