Về xã nghèo nhất Thủ đô

Về Ba Vì hôm nay, cái nghèo được đẩy lùi, các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao còn được quan tâm bảo tồn.

Nói đến xã Ba Vì, huyện Ba Vì, Hà Nội, một xã mà 98% dân số là người dân tộc Dao, hầu hết mọi người đều biết đến nét văn hóa nổi bật là tết Nhảy mỗi độ Tết đến, Xuân về. Nhưng cũng nhiều người biết đến đây là xã nghèo nhất của thủ đô Hà Nội.

Cái đói, cái nghèo đã in đậm trong mỗi người dân ở đây. Đến tận những năm 2014, toàn xã còn 174 hộ nghèo và 107 hộ cận nghèo, trong đó còn 30 hộ có nhà hư hỏng, xuống cấp cần được cải tạo, xây mới.

Từ khi về với ngôi nhà chung Thủ đô Hà Nội, đặc biệt sau cuộc làm việc của đồng chí Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị năm 2014 với huyện, với xã, cuộc sống của đồng bào nơi đây đã khởi sắc hơn nhiều. Xuân này trên các bản người Dao, nhà nhà no đủ hơn.

Bà con người Dao, xã Ba Vì đang thu hoạch thuốc Nam

Bà con người Dao, xã Ba Vì đang thu hoạch thuốc Nam

Ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì cho biết: “Nổi bật ở xã Ba Vì vẫn là nghề thuốc Nam của dân tộc Dao thôn Yên Sơn, Hợp Sơn có từ rất lâu đời, do cuộc sống du canh, du cư phát nương làm rẫy trên núi cao và phải đối mặt với các bệnh tật xảy ra hàng ngày, trong hoàn cảnh đó người Dao thôn Yên Sơn - xã Ba Vì đã biết sử dụng các loại cây thuốc Nam có trên núi để chữa bệnh và được truyền từ đời này sang đời khác trở thành các bài thuốc quý gia truyền. Tác dụng chữa bệnh của cây thuốc Nam có hiệu quả rất lớn, nhiều bài thuốc quý chữa một số bệnh thường gặp như: Phong tê thấp, thoái hóa khớp, xoang, trĩ, gan, thận, dạ dạy, đường ruột, các bệnh nội tiết và một số bệnh nan y khác đã được người Dao thôn Yên Sơn mang đi bán không chỉ ở các chợ của huyện mà còn ở một số các tỉnh thành trong nước”.

Nghề thuốc Nam hiện nay mang lại cho người Dao một cuộc sống ngày càng ổn định hơn. Năm 2015 này, thu từ thuốc Nam toàn xã đã đạt 9 tỷ 600 triệu, chiếm 1/3 tổng các nguồn thu của xã. Gặp chúng tôi, bà Triệu Thị Hòa, Triệu Thị Thanh, Lý Văn Nguyên là những hộ đã làm giàu từ nghề thuốc Nam chia sẻ, cuộc sống của những hộ trồng, chế biến thuốc Nam ở xã Ba Vì đã thực sự ổn định. Mùa Xuân này, về xã Ba Vì trên những con đường liên thôn, ở các thôn Hợp Sơn, Hợp Nhất, Yên Sơn đã được bê tông hóa, đi lại thuật tiện đã tạo nên một diện mạo nông thôn mới, khang trang và sạch đẹp hơn. Cũng trong năm 2015, được sự quan tâm của Chi bộ Vụ dân tộc, sự tài trợ của Công ty Bắc Minh đã triển khai xây dựng Khu Nhà Bia tưởng niệm các liệt sỹ xã Ba Vì. Cùng với đó, được sự quan tâm của Thành phố, của Huyện, xã triển khai xây dựng dự án Trường PTCS Hợp nhất, PTCS Yên Sơn, Trường Mầm non Ba Vì, dự án nước sạch thôn Hợp nhất, Hợp Sơn và công trình Nhà văn hóa Thôn trên địa bàn xã. Các công trình đã và đang được hoàn thành ngày càng giúp thêm cho xã Ba Vì những công trình dân sinh đầy ý nghĩa, góp phần cho bộ mặt nông thôn đối mới của xã đổi thay nhanh chóng.

Nghĩa trang Liệt sỹ xã Ba Vì - Công trình mới hoàn thành và đưa vào sử dụng

Trước đây, nói đến Ba Vì là nói đến cái nghèo, nhưng suốt nhiều năm trở lại đây cùng với sự giúp đỡ của thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì cùng sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của cán bộ và nhân dân nơi đây, năm 2015, người dân ở đây tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh công cuộc xóa đói giảm nghèo. Diện tích cây lúa của xã đã nâng lên 18 ha, nhiều giống mới, năng suất, tiến bộ, phù hợp với địa chất, địa hình tại đây tiếp tục đưa vào sản xuất, nên năng suất lúa vụ Xuân đã đạt 58.1tạ/ha; vụ mùa năng suất là 51 tạ/ha. Bình quân lương thực đạt 401kg/hộ/năm. Song song với đó, người dân xã Ba Vì đã tiếp tục trồng 40 ha cây sắn, năng suất bình quân 17 tấn/ha, sản lượng 680 tấn, quy ra tiền là 1 tỷ 292 triệu đồng. Cây dong riềng có diện tích 50 ha, năng suất bình quân 20 tấn/ha, sản lượng 100 tấn, quy ra tiền là 2 tỷ 300 triệu đồng. Cây bương ở xã Ba Vì được trồng nhiều nhất ở bản Yên Sơn với khoảng 200 hộ, còn lại hơn 100 hộ ở bản Hợp Sơn và Hợp Nhất. Bương ở xã Ba Vì được trồng để lấy măng ở độ cao cốt 100, đây là loại cây dễ trồng, từ một nhánh bương bánh tẻ trồng vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, gặp mưa rào đầu hạ, bương đẻ nhánh rất nhanh, không tốn công chăm sóc, sau 2- 3 năm sẽ trở thành bụi bương lớn. Cây bương được 5- 6 năm tuổi bắt đầu cho thu hoạch măng. Mỗi năm vườn bương cho thu hoạch măng 2 vụ, mỗi vụ kéo dài 2 tháng.

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi tại đây tiếp tục tăng về số lượng qua từng năm. Cụ thể, đàn trâu, bò đến nay đã đạt 455 con, tăng so với cùng kỳ năm 2014 là 75 con; đàn lợn 3.210 con, tăng so với năm trước là 2110 con. Đàn gia cầm là trên 14 nghìn con, tăng so với cùng kỳ năm trước trên 1 nghìn con… Nhờ các chính sách giảm nghèo, đến năm 2015, toàn xã còn 129 hộ nghèo chiếm 26.38 %, 155 hộ cận nghèo chiếm 31.7 %. Toàn xã đã giảm được 45 hộ nghèo so với năm 2014. Bình quân thu nhập đầu người đến năm 2015 đạt hơn 11 triệu đồng/người/năm, tăng 7 triệu đồng so với năm 2013.

Về Ba Vì hôm nay, cái nghèo được đẩy lùi, các giá trị văn hóa truyền thống của người Dao còn được quan tâm bảo tồn. Xã Ba Vì đã làm tốt công tác tuyên truyền gìn giữ, khôi phục và phát huy lớp dạy chữ dân tộc tại các thôn. An sinh xã hội luôn được xã đảm bảo, các chế độ chính sách cho đồng bào Dân tộc thiểu số được thực hiện đầy đủ.

Bà con người Dao xã Ba Vì đón tết năm 2016 với nhiều nét đẹp truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy, đời sống của bà con tiếp tục được đổi mới. Với sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành Thành phố và huyện, của các tầng lớp nhân dân, trong năm 2016 này, đời sống của nhân dân nơi đây sẽ tiếp tục phát triển, để phấn đấu đến năm 2017, Ba Vì không còn là xã nghèo.

Nguồn: hanoi.gov.vn

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ve-xa-ngheo-nhat-thu-do-33056.html