Vệ sinh an toàn thực phẩm, vấn đề nóng bỏng hiện nay

Theo GS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm (ATTP) - Bộ Y tế, ATTP trở thành vấn đề "nóng" trên phạm vi toàn cầu. Thời kì hội nhập, thực phẩm là loại hàng hóa không biên giới, thực phẩm không an toàn xảy ra ở một nước nhưng lại ảnh hưởng đến toàn bộ các châu lục như sữa và thực phẩm chế biến từ sữa có chứa mê-la-min, di-o-xin...

Việt Nam đang phải đối mặt với những vấn đề lớn về phát triển thị trường, hội nhập quốc tế và kiểm soát những hành vi không an toàn trong điều kiện kinh tế thị trường. GS Trịnh Quân Huấn, Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, việc hai luật: Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và An toàn thực phẩm có hiệu lực từ 1-7-2011 vừa qua đã nâng cao vai trò quản lí Nhà nước từ Trung ương đến địa phương đặc biệt là vai trò của UBND các cấp. Vai trò bảo vệ người tiêu dùng được quy định trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Thanh tra sửa đổi, Luật An toàn thực phẩm: Bộ Y tế được phép xây dựng các quy chuẩn kĩ thuật, đưa ra giới hạn trên và dưới của tất cả các loại chất có thể và không thể đưa vào chế biến thực phẩm. GS Viện sĩ Đặng Vũ Minh, Nguyên Chủ nhiệm UB Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, vấn đề vệ sinh ATTP hiện nay đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Trong quá trình nghiên cứu dự thảo Luật An toàn thực phẩm, các chuyên gia đầu ngành, cơ quan chức năng và UB Khoa học Công nghệ và Môi trường Quốc hội đã đi khảo sát tại 13 tỉnh thành phố. Có rất nhiều cử tri ở các địa phương quan tâm tới vấn đề vệ sinh ATTP bởi họ lo ngại không chỉ tác động tới sức khỏe của mỗi cá nhân, mà còn ảnh hưởng cả cộng đồng, tới giống nòi của dân tộc. Nhiều cử tri đề nghị ba nhóm giải pháp chính. Thứ nhất, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, để người tiêu dùng tự bảo vệ mình. Thứ hai, ngăn chặn các sản phẩm thực phẩm nguy hại từ bên ngoài vào nước ta bởi nếu không kiểm soát chặt chẽ và chỉ cần để lọt vài kg thực phẩm kém chất lượng, có thể làm ảnh hưởng tới rất nhiều người dân. Thứ ba, tạo điều kiện thuận lợi nhất để cho công nghiệp sản xuất sạch phát triển. Trong đó có việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất thịt sạch, rau sạch, phụ gia thực phẩm bảo đảm an toàn. Thanh tra Cục ATVSTP - Bộ Y tế kiểm tra một bếp ăn tập thể. Việt Nam đã xuất khẩu một lượng lớn các sản phẩm nông sản, thực phẩm. Từ chỗ kim ngạch xuất khẩu hằng năm khoảng 9 tỉ USD đến nay đã đạt trên 20 tỉ USD. Gần đây những tiến bộ về thực hành, hành vi hiểu biết của các cấp lãnh đạo, cơ quan quản lí, doanh nghiệp, người dân đã có nhiều thay đổi về ATTP. Từ năm 2007 đến nay, vấn đề ngộ độc thực phẩm tập thể đang có chiều hướng giảm nhưng chưa chuyển biến mạnh. Đến năm 2010, xu thế ngộ độc thực phẩm cũng có nhiều thay đổi so với 10 năm trước đây. Nếu như trước đây ngộ độc chủ yếu do yếu tố vi sinh, thì đến nay trội lên nhiều hơn là từ hóa chất, trong đó có vấn đề sử dụng phẩm màu thực phẩm. Dùng phẩm màu trong thực phẩm là cần thiết, tuy nhiên nó đòi hỏi sự an toàn và đầu tư văn minh. Hoặc như vấn đề chăn nuôi hiện nay cũng đang đặt ra khâu kiểm soát với những thách thức rất lớn. Nếu như ở các nước tiên tiến trên thế giới, kiểm soát thức ăn chăn nuôi chặt chẽ như thức ăn cho người thì tại Việt Nam, điều đó còn bỏ ngỏ. Hoặc trong nuôi trồng thủy sản xuất khẩu đã có nhiều tiến bộ trong khai thác và chế biến, áp dụng các tiêu chuẩn sản xuất thực phẩm như GAP, HACCP… nhưng tiêu dùng trong nước lại đặt ra nhiều vấn đề khó quản lí. Mặc dù trên thế giới đã xây dựng được hệ thống các tiêu chuẩn và quy chuẩn, nhưng việc sử dụng nó như thế nào, ra sao sẽ không dễ gì làm thay đổi hành vi gian lận trong kinh doanh. Bài và ảnh Nguyễn Nam

Nguồn Báo Người cao tuổi: http://nguoicaotuoi.org.vn/story.aspx?id=6565&lang=vn&zone=10&zoneparent=0