Về quan điểm xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng

Quan điểm về xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng đã thể hiện sự trung thành và vận dụng sáng tạo những nguyên lý, quy luật về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong học thuyết quân sự Mác - Lênin và tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh vào thực tế Việt Nam.

Trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và vai trò nòng cốt của quân đội nhân dân và công an nhân dân trong củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia, Đảng ta đã chỉ rõ phương hướng “xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” và được thể hiện nhất quán trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng. Theo phương hướng này, Đảng đã chỉ rõ những vấn đề cơ bản và cấp thiết cần phải làm để xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân vững mạnh toàn diện, cả về con người, tổ chức, biên chế trang bị vũ khí, kỹ thuật và đời sống vật chất, tinh thần. Trong đó đặc biệt coi trọng vấn đề tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, về mọi mặt của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước đối với quân đội nhân dân và công an nhân dân. Đây là nhân tố chủ yếu quyết định nhất bảo đảm cho quân đội nhân dân và công an nhân dân có đầy đủ bản chất giai cấp công nhân và có tính nhân dân thật sự. Có thể nhận thấy, quan điểm của Đảng ta về xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân không những có tính khoa học và cách mạng mà còn thể hiện tính nhân văn sâu sắc trong mối quan hệ giữa Đảng với quân đội nhân dân và công an nhân dân. Các quan điểm đó được diễn đạt một cách rõ ràng, dễ hiểu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng, xin có vài điểm đóng góp thêm. Thứ nhất: Nội dung về xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân trong “Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2011 – 2020” nên sửa cho nhất quán với các văn kiện khác. Hai dòng cuối cùng ở trang 45 trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng cần bỏ đi cụm từ “lực lượng” và cụm từ “vững mạnh toàn diện”. Quan điểm xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân “vững mạnh toàn diện” là đúng nhưng không thể để lên trước nội dung “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”. Nếu có thể thì nên bổ sung làm rõ thêm vấn đề xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân “vững mạnh toàn diện”, trong đó phải nhấn mạnh lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở. Cụm từ “xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại” nên được để nguyên thành một câu trong các văn kiện của Đảng, bởi vì đó là phương hướng chung mà các nội dung khác đều nhằm vào thực hiện phương hướng này. Thứ hai: Cần thống nhất dùng cụm từ “tăng cường” hay “bảo đảm” trước cụm từ “sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng ta đối với quân đội nhân dân và công an nhân dân”. Theo tôi, dùng từ “tăng cường” thì đúng với tư tưởng của Hồ Chí Minh về xây dựng quân đội nhân dân. Sinh thời, Người đã nhiều lần nhấn mạnh phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội. Thứ ba: Trong quan điểm về xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân, Đảng ta cần đưa vào văn kiện vấn đề: Tăng cường sự đoàn kết (và phối hợp công tác) giữa quân đội nhân dân và công an nhân dân. Đây là vấn đề vừa cấp thiết, vừa lâu dài, nhằm xây dựng sự đoàn kết thống nhất bền vững, không có thế lực nào chia rẽ được giữa hai lực lượng nòng cốt trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, giữ vững an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội. Thứ tư: Về quan điểm xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân “từng bước hiện đại” cũng cần được viết rõ hơn, nếu như không bỏ đi cụm từ “từng bước”. Như đã biết, Hồ Chí Minh có nhiều lần nhấn mạnh phải xây dựng “quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại” và có một lần, Người nhắc: “Quân đội ta nhất định phải tiến từng bước lên chính quy và hiện đại”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng quân đội “tiến lên” hay “từng bước lên” chính quy và hiện đại không có gì mâu thuẫn với nhau, “tiến lên” cũng phải đi từng bước trên con đường phát triển. Vấn đề cần nói rõ là ở chỗ, không phải chỉ có xây dựng quân đội “hiện đại” mới phải làm “từng bước” mà còn cả mặt chính quy cũng phải vậy. Chúng ta không dựa vào tư tưởng Hồ Chí Minh như những gì “nhất thành bất biến” nhưng từ thực tế cho thấy tư tưởng của Người về xây dựng Quân đội từng bước lên chính quy và hiện đại là hoàn toàn đúng đắn. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng nên cân nhắc về quan điểm xây dựng quân đội và công an nhân dân “từng bước hiện đại”. Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Thế

Nguồn Biên Phòng: http://www.bienphong.com.vn/nd5/detail/chinh-tri/ve-quan-diem-xay-dung-quan-doi-nhan-dan-va-cong-an-nhan-dan-trong-du-thao-cac-van-kien-trinh-dai-hoi-xi-cua-dang/39951.051.html