Về nơi trời thấp đất cao

TP - Đứng trên đỉnh Pù Pà Tặc (thuộc xã biên giới Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) cảm giác như chỉ cần giơ tay lên là chạm tới trời. Lao mắt xuống là thung lũng bao la, với nhiều ngọn núi nhấp nhô trùng điệp. Con đường đất dẫn vào thủ phủ của người Khơ Mú giống như dải lụa mềm bao quanh…

Trẻ em vùng biên giới Keng Đu.

Thủ phủ đồng bào Khơ Mú

Keng Đu là một trong những xã nghèo thuộc vùng sâu, vùng xa nhất của huyện miền núi Kỳ Sơn. Vì người dân của xã một trăm phần trăm là đồng bào dân tộc Khơ Mú nên Keng Đu được ví như một thủ phủ của dân tộc này. Để vào được Keng Đu chỉ có con đường mòn đất đá lởm chởm viền quanh hết ngọn núi này sang ngọn núi khác trùng trùng điệp điệp. Nhưng nếu gặp phải trời mưa thì Keng Đu bị cách biệt với các xã bên ngoài, vô hiệu các loại phương tiện. Khi chúng tôi có mặt, mặc dù đã mười hai giờ trưa nhưng sương mù vẫn còn bao phủ quanh các bản làng dày đặc. Có những nơi chỉ nhìn thấy nhau trong bán kính chưa đầy năm mét. Thỉnh thoảng nghe thấy tiếng gà gáy hay tiếng lợn kêu, rồi lục lạc gắn cổ trâu bò rung lắc khi ấy mới biết mình đang đi qua thêm một bản làng của người Khơ Mú. Vượt qua đỉnh Pù Tà Tặc với độ cao gần nghìn rưỡi mét, trời đất bỗng sáng ra, cây cối của núi rừng ngút ngàn xanh và khí hậu ấm hẳn.

Ông Lương Văn Ngam, Chủ tịch UBND xã Keng Đu cho biết, chưa có gia đình nào của đồng bào Khơ Mú ở Keng Đu có con cái thành đạt như gia đình cụ Cụt Phò Lan. Nhà có 7 người con thì có 4 người trưởng thành làm cán bộ. Cụ cũng là người duy nhất của đồng bào Khơ Mú có cháu nội thi đỗ và đang theo học ĐH Y khoa. Giờ, cụ là chủ tịch Hội người cao tuổi của xã Keng Đu.

Ông Lương Văn Ngam, Chủ tịch UBND xã Keng Đu tâm sự: Xã có hơn 4.070 nhân khẩu. Keng Đu có 25 km đường biên giới nối liền với nước bạn Lào, trong đó có 9 km là đường sông. Người Khơ Mú ở đây hiền lành, chẳng mấy khi trong bản để xẩy ra các vụ va chạm nhau hay các tệ nạn xã hội như ở một số vùng quê khác. Không những thế, người Khơ Mú rất đoàn kết. Mỗi khi trong bản làng có gia đình thiếu đói, thế nào bà con cũng chung tay giúp đỡ nhau với tinh thần lá rách ít đùm lá rách nhiều. Thực phẩm phải tự cung tự cấp vì không có chợ. Mặc dù xã có tới 10 bản làng nhưng đến nay chưa nơi nào có điện.

Được biết, lâu nay người dân Keng Đu còn được các chiến sỹ Bộ đội Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Keng Đu hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô, trồng lúa, chăn nuôi lợn, nuôi gà, trâu bò. Tuy nhiên, Keng Đu vẫn còn gần 80% là hộ nghèo. Năm nay bà con ở đây thu hoạch được khá nhiều ngô nhưng không bán được. Nguyên nhân cũng chỉ vì giao thông đi lại khó khăn nên các thương lái ngại vào. Vì thế dọc hai bên đường, nhiều lều lán được bà con dựng lên chi chít để dựng ngô nằm chờ bán. Điều đáng nói, cuộc sống của đồng bào còn muôn vàn khó khăn nhưng con em của họ không mấy ai bỏ học. Hằng năm Keng Đu có cả trăm em học sinh ra tận thị trấn Mường Xén để theo học cấp ba. Gần đây một số con em Khơ Mú đã thi đỗ vào đại học. Một số người học xong nay là cô giáo, thầy giáo dạy học cho con em trong vùng và một số người là cán bộ địa phương.

Người Khơ Mú ở Keng Đu đang chờ đón mùa xuân mới.

Gặp thủ lĩnh Keng Đu

Cụ Cụt Phò Lan (SN 1940, trú ở bản Huồi Khuôn 1) được người dân Keng Đu gọi thủ lĩnh của người Khơ Mú. Cụ là người Khơ Mú đầu tiên được đứng vào hàng ngũ của Đảng, có thâm niên 53 năm tuổi Đảng. Cụ còn là người Khơ Mú đầu tiên được vào ngành công an nhân dân. Cụ Cụt Phò Lan cho biết: Năm 1963, khi đang công tác ở Công an huyện Kỳ Sơn, thì tình hình an ninh lúc bấy giờ có biến động. Bọn phỉ xuất hiện quấy rối an ninh khắp khu vực biên giới. Thấy vậy, cấp trên giao nhiệm vụ cho Trung úy Cụt Phò Lan chỉ huy đảo phỉ và vận động bà con nhân dân không đi theo bọn chúng. Biết đây là công việc hết sức khó khăn và nguy hiểm nhưng Cụt Phò Lan sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ. Cụ đã từng vào tận sào huyện của phỉ để tuyên truyền, giáo dục, vận động những phần tử lầm đường lạc lối quay về. Đến năm 1974, phỉ lại tràn về bản Huồi Pủng. Cụ Lan lại tiếp tục được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy. Tại đây, nhiều tên phỉ bị bắt, số còn lại ra đầu hàng... Sau đó, mặc dù đã nhiều năm công tác trong ngành công an nhưng vì bố mẹ mất nên cụ phải xin nghỉ việc để về chăm sóc các em và chuyển công tác sang đơn vị thương nghiệp của địa phương, làm cửa hàng trưởng từ đó cho đến lúc nghỉ hưu.

Xuân sớm

Mặc dù còn hơn một tháng nữa mới Tết, nhưng đồng bào Khơ Mú ở Keng Đu đã sẵn sàng chờ đợi để đón một mùa xuân mới. Do điều kiện kinh tế và giao thông đi lại khó khăn nên đồng bào nơi đây luôn chuẩn bị sẵn cho gia đình những gì cần thiết để đón Tết. Đối với đồng bào Khơ Mú, tết cổ truyền rất quan trọng nhưng họ không nặng nề về ăn uống. Nếu nhà nào có điều kiện thì mổ lợn, thậm chí mổ bò, mổ trâu, gói bánh chưng, bánh tét... giống như ở các vùng miền xuôi. Thường trong các bản làng người dân chung nhau mua một con trâu hoặc con bò để đến sáng 30 tết là mổ thịt. Sau đó toàn bộ người dân tập trung lại để cùng nhau ăn chung một bữa cơm trong ngày cuối năm.

Điều đặc biệt ở Keng Đu là có đồn biên phòng đóng ở trung tâm xã nên tết đến càng đông vui và ấm tình quân dân. Để cùng với đồng bào đón giao thừa, các chiến sỹ ở đây chuẩn bị đống củi to để đốt lửa trại. Chương trình đêm ba mươi tết đã chuẩn bị sẵn, các chiến sỹ biên phòng thông báo mời bà con khắp các bản làng trong xã tập trung về đồn uống rượu cần, tổ chức giao lưu văn nghệ chào đón giao thừa. Sau khi nghe thư chúc tết của Chủ tịch nước trong khoảnh khắc giao thừa xong, sân Đồn Biên phòng Keng Đu rộn rã, tưng bừng náo nhiệt với các sinh hoạt văn hóa, văn nghệ. Tan lửa trại, bộ đội biên phòng cùng mọi người cùng đi chúc tết từng gia đình người dân ở trong vùng Keng Đu cho đến hết ngày đầu tiên của năm mới. Ở trung tâm xã cũng như trong các bản làng đều có nhiều trò chơi dân gian được tổ chức rộn ràng. Đó đây nam thanh, nữ tú sặc sỡ áo, váy mới trẩy hội xuân trong tiếng khèn gọi bạn, trong điệu khấp, điệu lăm vông những ngày đầu năm.

Người Khơ Mú ở Keng Đu đang chờ đón mùa xuân mới.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ve-noi-troi-thap-dat-cao-963608.tpo