Về một loài cây quý hiếm còn lại duy nhất ở Huế

(Tamnhin.net) - Đó là loại cây chà là Canary có nguồn gốc từ quần đảo Canary của Châu Phi đã có hơn 100 năm tuổi đời vừa mới được ông Đỗ Xuân Cẩm, cựu giảng viên Trường Đại học Nông lâm Huế phát hiện và công bố rộng rãi trong thời gian gần đây.

Cây Chà là Canary có tuổi đời khoảng 100 tuổi chỉ có duy nhất ở Huế và đang được nhiều nhà nghiên cứu nhân giống. Nó đã được di chuyển đến nơi trồng mới và số phận của nó trong tương lai sẽ ra sao?

Nhiều năm nghiên cứu tìm tên cho cây

Thời gian gần đây, giới nghiên cứu cây xanh quý hiếm ở Huế đang hết sức quan tâm đến vấn đề là vừa mới tìm ra được một loại cây được đánh giá là loại cây rất quý hiếm ở Việt Nam và hiện chỉ còn duy nhất 4 cây tại Thừa Thiên Huế. Nghe đồn đại thì đó là một cây quý, thuộc vào hàng cổ thụ, được người Pháp lấy từ quần đảo Canary, thuộc vùng biển Tây Bắc châu Phi về trồng ở Huế khi đã đặt ách đô hộ lên nước ta từ khoảng cuối thế kỷ 19 đầu 20.

Để rõ thực hư, PV Tamnhin.net đã tìm gặp ông Cẩm và tìm hiểu rõ hơn về loài cây này.

Ông Đỗ Xuân Cẩm cho biết, cách đây gần chục năm , ông có nghe một vài người bạn là đồng nghiệp giảng dạy cùng bàn tán về việc, tại khuôn viên của Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế có 4 cây trông giống loài cọ rất đẹp. Tuy nhiên, chúng lại không giống như những loài cọ bình thường hay thấy. Nghe xong chuyện, thầy Cẩm rất tò mò muốn được biết và trông thấy xem nó như thế nào. Vậy là thầy đã tìm đến tận nơi để tìm hiểu.

Thầy Cẩm là một trong số những người có thâm niên trong việc nghiên cứu về các loại cây xanh vào bậc nhất xứ Huế cùng với kinh nghiêm giảng dạy lâu năm trong ngành nông lâm nhưng nhiều lần đến nơi những cây này được trồng hiện tại, ông cũng chẳng biết đó là loại cây gì. “Lúc đầu mới nhìn, mình cũng chẳng biết đó là cây gì nữa, chỉ biết là trông nó giống như cây cọ và cây thốt nốt vốn rất quen thuộc ở Việt Nam” - thầy Cẩm nói.

Từ đó, sự tò mò trong nghề nghiên cứu đã thôi thúc thầy Cẩm ráo riết hơn trong việc tìm hiểu và nghiên cứu về cây này. Thầy đã bỏ ra rất nhiều công sức để tìm dịch các sách nước ngoài và tài liệu của bạn bè, đồng nghiệp. Đến cuối năm 2007, thầy Cẩm đã giám định được tên tuổi, nguồn gốc của 4 cây này. Đó là cây Chà là Canary thuộc vào họ Cau. Sau khi giám định trong 4 cây Chà là có 3 cây đực, 1 cây cái và chỉ cây cái mới kết quả được để nhân giống.

Vậy là thành công bước đầu của thầy Cẩm là đã tìm ra được nguồn gốc và thông tin cơ bản của loại cây này. Tuy nhiên, thầy vẫn muốn được đi vào để nghiên cứu sâu hơn nữa về loài này. Thầy Cẩm cho biết thêm, để nghiên cứu tiếp về loại cây này là một điều hết sức khó khăn, bởi đặc tính của loài cây Chà là này là chúng sinh trưởng rất chậm. Để nghiên cứu được toàn diện thì phải mất thời gian ít nhất khoảng mười năm.

Chỉ còn lại 4 cây

Theo tìm hiểu của PV thì đặc trưng của Chà là Canary là thích khí hậu khô và lạnh, ưa nhiều ánh sáng, thích đất ẩm thoát nước và không chịu được úng nước. Nhưng trên thực tế là 4 cây Chà là ở Huế, chúng có thể chịu được những nơi có lượng mưa lớn, đất ẩm... Chà là Canary là một trong 24 loài cảnh quan thuộc 11 chi trong họ Cau có khả năng chịu lạnh, cũng là một trong 29 loài cảnh quan thuộc 13 chi trong họ Cau thích điều kiện chiếu sáng toàn phần. Hiện Chà là Canary thu hút rất nhiều sự chú ý của giới cảnh quan học. Trên thế giới, người ta trồng với mục đích trang trí bởi vẻ đẹp tuyệt vời của nó.

Ông Cẩm khẳng định, đến thời điểm tìm ra được tên, nguồn gốc và đặc trưng cơ bản của loài cây này thì ở Việt Nam chỉ có duy nhất 4 cây ở Huế.

Tuy nhiên, trước tình hình cây Chà là Canary quý hiếm, có nguy cơ bị tuyệt chủng như thế này thì năm 2009 thầy đã kiến nghị với Trung tâm Công viên cây xanh Huế để tiến hành nhân giống với số lượng lớn. Kết quả là có khoảng 1000 cây non nảy mầm nhưng chỉ có gần 100 cây sống sót. Sau đó, thầy đã tổng hợp lại và viết thành bài dể gửi đi các tạp chí trong ngành nghiên cứu với mong muốn loài cây này sẽ có thật nhiều người biết đến.

Từ khi bài viết của thầy được đăng tải trên các tạp chí, đã có rất nhiều người liên hệ với thầy và tìm đến nơi 4 cây to để xin mua quả cây về nhân giống. Hiện nay, cây Chà là Canary đã có mặt tại một số nơi ở các thành phố lớn và nó vẫn đang được xem như là một loài cây quý hiếm.

Nỗi lo mất gốc

Được biết, trước đây 4 cây Chà là Canary ở Huế được đặt trong khuôn viên của Công ty Xăng dầu Thừa Thiên Huế. Từ khi Công ty này được nhượng lại cho Công ty cổ phần Đầu tư và Du lịch Petrolimex Huế để xây khách sạn thì 4 cây Chà là này phải nhường chỗ và được mang đến Trung tâm văn hóa Việt - Nhật ở đường Lâm Hoằng, phường Vỹ Dạ, TP Huế trồng lại.

Cây Chà là này được thầy Đỗ Xuân Cẩm nhân giống thành công và trồng tại khuôn viên Trường Đại học Nông Lâm Huế

Trao đổi về vấn đề này, thầy Đỗ Xuân Cẩm cho biết, dù thầy là người nghiên cứu nhiều nhất về nó và ai cũng biết nhưng khi di chuyển cây đi, không hề có ai thông báo cũng như tham khảo ý kiến từ thầy.Nếu không đảm bảo được yếu tố kỹ thuật và khoa học trong khi bứng cây, vận chuyển, rồi trồng lại thì cây rất dễ bị chết.

Điều mà hiện nay thầy Cẩm và nhiều người đang tỏ ra rất lo lắng là khu vực Vĩ Dạ là vùng thấp trũng, khi mưa xuống thì nước đọng, rất dễ bị ngập úng. Như thế thì cây sẽ không sinh trưởng và phát triển được, thậm chí nó có thể chết vào bất cứ lúc nào.

Và câu hỏi được rất nhiều người quan tâm hiện nay là, bốn cây Chà là này sẽ là tài sản chung để các nhà khoa học nghiên cứu, bảo tồn và phát triển hay vẫn tài sản riêng của Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch Petrolimex Huế và số phận của nó sẽ đi về đâu.

Chà là Canary là cây thân gỗ thường xanh, dạng thân cột. Chiều cao của loài cây này có khi đạt tới 20 m, đường kính thân tới trên 0,6 m, vỏ thân được bao bọc bởi những vảy lớn hình những viên kim cương, do một phần cuống lá để lại khi rụng, trông rất đặc sắc và dễ phân biệt với nhiều loài cùng chi, cùng họ. Đây là loài cây có dáng rất đẹp, giành được sự chú ý của nhiều nhà cảnh quan học. Trên thế giới, người ta trồng nó không vì lợi nhuận kinh tế mà trồng vì vẻ đẹp tuyệt vời của nó. Để tôn tạo cảnh quan, có thể trồng đơn độc từng cây nhằm tô điểm cho vườn hoa cây cảnh, trồng thành cụm 3 – 5 cây để trang trí công viên, khuôn viên công sở, trường học, hoặc trồng thành 2 hàng dọc theo lối vào trụ sở, khu hành chính, cũng có thể trồng ven bờ nước các hồ, sông hay cả bờ biển để làm cảnh hoặc trồng thành hàng ở giải phân cách lớn của các con đường.

Thanh Ngọc

Nguồn Tầm Nhìn: http://www.tamnhin.net/viet-nam-xanh/17335/ve-mot-loai-cay-quy-hiem-con-lai-duy-nhat-o-hue.html