Về làng Đông Tảo xem gà Đông Cảo

Nhãn lồng bổ ngập dao phay

Con gà Đông Cảo kéo cày thay trâu

Đó là câu ca dao nói về hai thứ đặc sản "có một không hai” ở tỉnh Hưng Yên: Nhãn lồng và gà Đông Cảo- hai thứ tiến vua một thời.

Gà Đông Cảo nổi tiếng với "chân rồng”

Đến làng Đông Tảo, huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên), điều đầu tiên chúng tôi muốn tìm hiểu là tại sao giống gà quý này lại có tên là Đông Cảo như trong câu ca dao trên. Trao đổi với rất nhiều người dân trong làng mới biết giống gà này có hai tên gọi, có người thì gọi là gà Đông Tảo như tên của làng, có người lại gọi là gà Đông Cảo như trong câu ca dao. Câu ca dao trên có từ bao giờ thì thật khó, nhưng có lẽ cũng không dưới nghìn năm, bởi một sản vật đã đi vào ca dao tục ngữ thì phải có bề dầy thời gian.

Hình ảnh ví von con gà Đông Cảo kéo cầy thay trâu, có thể hình dung ra hình dáng con gà Đông Cảo này to khỏe tới mức nào. Gà Đông Cảo là vật phẩm tiến vua một thời, bởi thịt giòn và ngọt, đó là chưa kể đến dáng dấp rất "oai phong” của giống gà này với trọng lượng lên tới 6 – 7 kg, đầu to, mào lớn đỏ tía, ngực nở, chân như hai cây cột có vẩy giống như vẩy rồng. Một trong số người dân có thâm niên nuôi gà Đông Cảo trong làng là ông Tô Văn Vương, năm 2011 gia đình ông nuôi được 100 con, con lớn nhất chừng 7 kg, con trung bình là 3,5 kg. Gà mái bán với giá 300 ngàn/1kg, gà trống có giá 500 ngàn/1kg. Vì sự "nổi tiếng” vốn có, gà Đông Cảo nay còn được thương lái chuyển vào tận TP. Hồ Chí Minh phục vụ cho các nhà hàng. Những dịp Tết nhất, món đặc sản gà Đông Cảo luôn là lựa chọn của nhiều gia đình có điều kiện.

Tuy về với quê của gà Đông Cảo nhưng để mua được một con gà thuần chủng cũng rất khó, bởi số người chuyên nuôi gà thuần chủng trong làng không còn nhiều, mặc dù giá gà rất cao. Lý giải điều này ông Vương cho rằng, gà Đông Cảo thuần chủng năng suất thấp, chỉ đẻ mỗi lứa trên dưới 10 quả trứng, ăn rất khỏe, chi phí nuôi tốn kém. Chính vì thế, hiện nay bà con phần nhiều lai giữa gà ri với gà Đông Cảo cho giống khỏe hơn, đẻ nhiều hơn và kháng bệnh cũng tốt hơn. Tuy nhiên dáng dấp gà không được đẹp và hoành tráng”.

Hiện nay bà con nhân dân trong làng Đông Tảo đang có phong trào khôi phục lại giống gà Đông Cảo thuần chủng, mặc dù giá trị kinh tế của nó không cao như gà lai. Tuy nhiên có không ít người xản xuất kinh doanh không hẳn vì tiền, mà còn mong giữ được giống gà truyền thống Đông Cảo.

Đông Tảo là một miền quê đẹp và nên thơ. Hầu như gia đình nào trong làng cũng có vườn trồng rau và cây ăn quả. Làm cây cảnh cũng là nghề truyền thống nhiều đời của người dân Đông Tảo. Người Đông Tảo còn có truyền thống cho con cái học hành đến nơi đến chốn, bất luận kinh tế gia đình khá giả hay nghèo khó. Chính vì thế mà số người thành đạt rất nhiều. CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” được Ban công tác Mặt trận lấy nòng cốt thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa. Một làng quê có bề dày lịch sử lâu đời ở trung tâm đồng bằng sông Hồng với nền văn minh nông nghiệp, người dân Đông Tảo luôn coi trọng cốt cách ứng xử với nhau trong cuộc sống thường nhật. Dù đi đâu, làm gì thì người Đông Tảo luôn thể hiện tính cách giao tiếp có văn hóa với nhau thông qua hành vi sống hướng thiện.

Về Đông Tảo du khách "say” bởi không gian xanh, những khoảng vườn đẹp như tranh vẽ với đủ loại su hào, bắp cải, cam bưởi, hồng xiêm... Nói rằng, đất Đông Tảo là đất của "hoa thơm quả ngọt” thật chẳng sai chút nào.

Lê Tự

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=45836&menu=1371&style=1