Vẻ đẹp Gò Công

Thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang “nhỏ như lòng bàn tay”, nhưng thật hiếm có một điểm đến xinh xắn nào lại chứa trong nó nhiều công trình kiến trúc độc đáo đặc sắc đến vậy. Và điều đặc biệt, đến nơi từng được gọi là xứ Gò Công- thị xã Gò Công hôm nay còn để cảm nhận nhịp sống chậm, thật khoan thai.

Dinh tỉnh trưởng Gò Công cũ.

Khí hậu Gò Công quanh năm khá mát mẻ, nên bạn có thể tới đây tất cả các mùa trong năm. Từ TP HCM, giờ bạn sẽ không còn phải mất thời gian chờ phà Mỹ Lợi hoặc đi đường vòng qua Quốc lộ 1 - Cao tốc TP HCM - Trung Lương xa hơn 75km. Từ tháng 8-2015, cầu Mỹ Lợi nối giữa Long An - Tiền Giang vận hành đã tạo thuận lợi cho người dân đi từ TP.HCM đến thị xã Gò Công bằng đường bộ với cự ly khoảng 25km. Phóng xe máy qua cây cầu Mỹ Lợi tuyệt đẹp cũng là một trải nghiệm thú vị.

Và giờ đây trước mắt bạn là thị xã Gò Công - một đô thị cổ xinh đẹp, thanh bình và quyến rũ. Cảm giác đầu tiên là sự kiêu hãnh đọng lại trên những công trình kiến trúc hàng trăm năm còn lưu dấu.

Mỗi du khách tới đây đều trầm trồ thán phục và hoài niệm về một quá khứ hoàng kim của xứ Gò Công. Qua những con phố ô bàn cờ, bắt gặp những gánh hàng rong trên phố, hiệu cắt tóc trong một căn nhà cổ, vị cha xứ đang giảng đạo trong Nhà thờ Thanh Tâm... để cảm nhận nhịp sống yên ả của người dân nơi đây.

Nét kiến trúc châu Âu ở Gò Công.

Theo sử sách, Gò Công xưa kia là tên gọi của một tỉnh ở miền Tây Nam Bộ, nay là các huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công và huyện Gò Công Tây thuộc tỉnh Tiền Giang. Đây là vùng dân cư hình thành khá sớm ở Nam Bộ. Thị xã Gò Công là trung tâm của tỉnh lị, là khu đô thị sầm uất với đậm nét kiến trúc cổ độc đáo bậc nhất ở vùng đất phương Nam.

Với diện tích nhỏ bé của thị xã cổ Gò Công, nếu bạn muốn “cưỡi ngựa xem hoa” bằng xe máy để thăm thú, chắc chỉ mất chừng 10 phút là đi hết. Tuy nhiên, để khám phá cho hết vùng đất hiền hòa này thì phải dành cả kỳ cuối tuần mới... đã. Trước khi tới đây, một người rong ruổi miền Tây vài chục năm qua chia sẻ với chúng tôi, Gò Công có nhiều thứ hay, nhưng đặc sắc hơn cả là những công trình kiến trúc thời Pháp thuộc còn giữ nguyên vẹn tới nay. Từ gợi ý đó, chúng tôi bắt đầu tới khu phố cổ Gò Công.

Với kiến trúc phương Tây pha lẫn nhà cổ miền Trung, các công trình ở đây thường thiết kế ba gian, hai chái, mái ngói âm dương, rất to rộng. Điều thú vị là phần lớn các dinh thự, nhà cổ Gò Công được xây dựng bằng ô dước trộn mật kết dính với gạch mà không sử dụng bê tông, cốt thép. Ngôi nhà cổ được nhiều người trong và ngoài nước biết đến ở Thị xã Gò Công hiện nay là nhà của Đốc Phủ Nguyễn Văn Hải ở số 9 Hai Bà Trưng, thị xã Gò Công được xây dựng năm 1860. Đến nay qua nhiều lần trùng tu, công trình vẫn còn rất giá trị, được xếp loại đẹp nhất nhì ở vùng đất Nam bộ.

Ngôi nhà được chạm khắc gỗ tinh xảo gồm hơn 100 khung, đủ đề tài thể loại của thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Đồ dùng tủ, bàn, ghế phong cách cũ chạm nổi bằng gỗ quý hay bằng cẩm thạch, đá hoa, khảm xà cừ vô cùng giá trị. Năm 1994, nhà Đốc Phủ Hải được Bộ Văn hóa- Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia. Đây cũng là nơi các đoàn làm phim, hay các nhiếp ảnh gia muốn kiếm tìm những góc máy xa xưa.

Nhịp sống chậm ở Gò Công.

Cùng với đó là ngôi nhà của ông Nguyễn Anh Tuấn ở 49/2 Hai Bà Trưng, phường 1. Nhà được xây dựng năm 1885, kiến trúc phối hợp Đông - Tây với vòm cửa vòng cung, tường vôi, mái ngói âm dương. Nhà do các thợ mộc ở miền Bắc và miền Trung vào xây dựng, dùng toàn gỗ mật, sao, tất cả đều chạm trổ hoa văn. Rồi ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Thành ở số 113 Nguyễn Huệ, phường 1 cũng xếp loại cổ ở đô thị này. Nhà được xây dựng năm 1852 theo kiến trúc Trung Bộ rất độc đáo...

Tuy nhiên phố cổ Gò Công cũng không tránh khỏi tác động của đô thị hóa và sự bào mòn của thời gian, hay đơn giản là sự mưu sinh. Một cán bộ văn hóa của thị xã chia sẻ, không ít hộ dân còn chia nhà cổ ra cho thuê hay dùng nuôi chim yến. Nhiều nhà, phố cổ ở đường Phan Bội Châu, thị xã Gò Công nay gần như biến mất. Một số khu chung cư, khu đô thị mọc lên cũng khiến nhiều nhà cổ hàng trăm tuổi bị giải tỏa...Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho công tác trùng tu, bảo tồn phố cổ Gò Công rất khiêm tốn.

Tỉnh Tiền Giang cũng có những dự án, công trình nghiên cứu để bảo tồn phố cổ Gò Công nhưng vẫn chưa triển khai thực hiện vì không có nguồn kinh phí. Mặt khác, khu phố cổ dù đã được đưa vào tuyến tour du lịch của thị xã nhưng hiện nay vẫn còn nằm trên giấy.

Cầu Mỹ Lợi

Tại Thị xã Gò Công còn có lăng Thái hậu Từ Dũ triều Nguyễn, lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định, lăng Hoàng Gia… là những di tích thu hút đông đảo du khách. Đến Gò Công du khách cũng đừng quên bãi biển Tân Thành nổi tiếng là một trong những bãi biển cát đen đẹp nhất Việt Nam. Ở đây cũng có nhiều món hải sản ngon và lạ. Bãi biển Tân Thành cũng được biết tới là một “sân nghêu” của miền Tây, vì thế món nghêu ở đây là đặc sản có tiếng.

Nhắc tới Gò Công, người ta còn nhớ đến một loại đặc sản nổi danh khắp vùng Nam Bộ, đó là mắm tôm chà. Trong quá khứ món ăn này từng được chọn làm vật phẩm để tiến vua. Nguyên liệu chính của món ăn này là con tôm đất có nhiều gạch son. Tôm được làm sạch rồi ướp gia vị, cho vào cối quết nhuyễn. Người ta cẩn thận cho tôm giã nhuyễn vào rổ và chà mạnh để vỏ tôm tách khỏi thịt. Sau đó, phơi nắng tôm vài ngày tùy kỹ thuật gia truyền từng nhà. Sau đó chà qua rây (lưới lỗ li ti) để ép lấy phần thịt tôm, cho gia vị vào, đem phơi nắng tiếp độ mười ngày hoặc nửa tháng tùy con nắng có tốt không, lại để tiếp trong mát chừng nửa tháng nữa thì được ăn.

Tới Gò Công lần này, chúng tôi được thết đãi một bữa đặc sản mắm tôm chà ăn kèm với bánh tráng cuốn thịt heo trong một nhà hàng của thị xã. Quả không uổng công món ăn dân dã này được ca ngợi hàng trăm năm qua. Và thị xã Gò Công gây bất ngờ bởi những nét khác lạ như vậy.

Khôi Nguyên

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/que-huong-hai-ngoai/ve-dep-go-cong/86500