Về bốn nguy cơ và dân chủ trong Đảng

- "Thực hiện dân chủ liên quan tới việc được cung cấp thông tin đầy đủ, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết và phải có thái độ thẳng thắn phản biện", nhà báo lão thành Hữu Thọ, người đảng viên có 60 năm tuổi đảng, nguyên Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa TƯ nói về dân chủ trong Đảng.

>> Loạt bài: "Đảng phải là Đảng của dân tộc" Bốn nguy cơ với Đảng - Số đông người Việt Nam đã tin theo Đảng Cộng sản, từng thật lòng khi nói “ơn Bác, ơn Đảng”, thật lòng gọi hai tiếng “Đảng ta”. Soi vào hiện tại, ông có suy nghĩ gì về tình cảm và niềm tin của người dân với Đảng ngày nay? Trong xã hội có nhiều giai cấp, tầng lớp, nhóm lợi ích khác nhau và cả những ẩn ức cá nhân, cho nên về vấn đề này, vấn đề khác có ý kiến khác nhau là điều có thể hiểu được. Nhưng theo tôi, tình cảm của đại đa số nhân dân với Đảng vẫn thiêng liêng. Lịch sử phát triển của dân tộc ta trong 80 năm qua từ khi có Đảng đã khẳng định điều đó. Theo tôi biết thì Đảng ta thành lập sau nhiều đảng ở châu Á nhưng mới 15 tuổi đã chớp thời cơ lãnh đạo nhân dân vùng lên đấu tranh giành chính quyền. Sau khi giành chính quyền về tay, nhân dân ta muốn hòa binh xây dựng đất nước nhưng lại buộc phải kháng chiến trong 30 năm để giữ gìn độc lập, thực hiện thống nhất nước nhà. Và dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước đang tiến hành công cuộc đổi mới giành được những thành tựu có ý nghĩa lịch sử mà chúng ta đã thấy. Đảng ta lãnh đạo vì sự phát triển của đất nước, vì hạnh phúc nhân dân, không vì mục đích nào khác. Tôi nghĩ rằng, đánh giá vai trò lãnh đạo của Đảng thì nên nhìn vào sự phát triển của đất nước và đời sống nhân dân. Nên có cách nhìn tổng thể thấy những thành tựu cơ bản cũng như cả thiếu sót, có lúc sai lầm, để đánh giá cho sòng phẳng và công bằng. Đó là lý do để tôi khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng với xã hội, uy tín của Đảng trong nhân dân. - Vậy còn những thách thức đặt ra trong thời kỳ mới này là gì? Đảng cần phải đổi mới như thế nào để thực sự đáp ứng mong mỏi của dân tộc? Trong quá trình thực hiện nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế, giao lưu văn hóa với thế giới, thuận lợi và thách thức đều nhiều. Đảng ta đã nói tới bốn nguy cơ, và những nguy cơ đó vẫn còn tồn tại cho tới ngày hôm nay với các biểu hiện ngày càng phức tạp. Tôi muốn giới thiệu ba nguy cơ mà một số đảng cầm quyền trên thế giới đã tổng kết, coi như những nguyên nhân làm giảm uy tín, thậm chí đe dọa vị trí cầm quyền của họ, để có thể tham khảo. Trước hết, đó là nhà lãnh đạo mà để kinh tế chậm phát triển, trì trệ, đời sống nhân dân không được nâng cao, thậm chí suy giảm. Thứ hai, không thực hiện dân chủ và công bằng xã hội trong đánh giá, sử dụng con người cũng như trong phân phối lợi ích, để khoảng cách giàu nghèo quá xa, gây bất ổn xã hội. Thứ ba, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, lợi dụng quyền hành để sử dụng phung phí công quỹ, tức là tiền thuế của dân. Thực ra, những vấn đề họ nêu ra không hoàn toàn mới nhưng cũng có những điểm mới cần tham khảo. Đó thật sự là những thách thức phải vượt qua bằng trí tuệ, đạo đức và năng lực điều hành. Tồn tại còn nhiều nhưng theo tôi cần quan tâm đến vấn đề dân chủ trong quá trình ra các nghị quyết, chính sách, chủ trương liên quan tới đời sống nhân dân, trong việc đánh giá, bổ nhiệm cán bộ. Vấn đề chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt hiệu quả mong muốn, đang làm giảm uy tín của Đảng. Dân chủ trong Đảng Bác Hồ - người sáng lập và rèn luyện Đảng ta - từng nói, phải luôn nâng cao trí tuệ trong Đảng, chỉnh đốn Đảng, phát huy vai trò nhân dân. Trong hơn 20 năm đổi mới vừa qua, việc thực hiện lời dạy của Bác đã được thực hiện như thế nào? Thời gian tới sẽ phải tiếp tục làm gì, thưa ông? - Cuộc vận động chỉnh đốn Đảng đã đạt được những kết quả nhất định nhưng Đảng ta cũng nhận định là chưa đạt yêu cầu và mong muốn. Nhớ lại đúng nửa thế kỷ trước, trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng, tại Hội trường Ba Đình, Hồ Chủ tịch đã nói "Đảng ta là đạo đức, là văn minh", nghĩa là Đảng phải tiêu biểu về đạo đức, tiêu biểu về tầm trí tuệ và phong cách ứng xử để đáp ứng yêu cầu lãnh đạo đất nước. Đảng khẳng định lãnh đạo hệ thống chính trị nhưng cũng nằm trong hệ thống chính trị. Đảng không thể thay Nhà nước. Tôi nhớ tới phương thức lãnh đạo của Đảng đã ghi trong Cương lĩnh 1991, về đại thể là: Đảng lãnh đạo bằng cương lĩnh, chiến lược, chủ trương, chính sách. Đảng lãnh đạo bằng tuyên truyền, thuyết phục (chứ không ra lệnh), bằng kiểm tra tổ chức thực hiện (chứ không phải chỉ đề ra chủ trương). Đảng lãnh đạo bằng sự gương mẫu của đảng viên. Cứ đối chiếu và kiểm điểm việc thực hiện phương thức lãnh đạo nêu trên thì đúng là Đảng còn phải làm nhiều việc, phải không ngừng nâng cao tầm trí tuệ, phẩm chất và năng lực tổ chức thực hiện hơn nữa để có thể nâng cao năng lực lãnh đạo, cũng là nâng cao sự tin cậy của nhân dân. Tôi nghĩ, Đảng còn phải nâng cao tầm trí tuệ, tiếp cận tri thức của thời đại, thực hiện dân chủ thực sự để có thể đưa ra các quyết sách đúng. Đây là nhân tố hàng đầu đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Cán bộ, đảng viên không ngừng rèn luyện và giữ gìn đạo đức, kính trọng và hết lòng phục vụ nhân dân, không tham nhũng, lãng phí và có tinh thần đấu tranh với các thứ "giặc" đó để được nhân dân yêu mến và tin tưởng. Cán bộ và các tổ chức Đảng cần có lòng khoan dung, qua đối thoại mà cảm hóa, thuyết phục, có quan hệ ứng xử có lý, có tình để có thể đoàn kết trong Đảng và tập hợp sức mạnh của toàn dân trong cuộc phấn đấu vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Nghĩa là phải làm nhiều việc, phải phấn đấu quyết liệt trong công cuộc đổi mới và chỉnh đốn Đảng. - Ông đánh giá như thế nào về vấn đề phát huy dân chủ trong Đảng và trong xã hội? Hồ Chủ tịch cũng như Đảng ta đã chỉ rõ Đảng lãnh đạo nhưng dân là chủ. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng đã khẳng định "dân là gốc", thực hiện "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra", thể hiện tinh thần hết sức tôn trọng vai trò quyết định của nhân dân. Gần đây, một số đồng chí muốn bổ sung thêm "dân quyết" và "dân hưởng" theo đúng tinh thần của Bác Hồ: "Bao nhiêu lợi ích đều của dân, bao nhiêu quyền hành đều ở nơi dân". Nhưng đó là vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của Đại hội. Rồi còn phải có cơ chế cụ thể để thực hiện chứ không chỉ là khẩu hiệu, là mong muốn. Nói về vấn đề dân chủ thì cần phải khẳng định xã hội ta là xã hội dân chủ. Nhưng ở chỗ này, chỗ khác còn xâm phạm quyền làm chủ của dân hoặc dân chủ hình thức, nhưng cũng không nên vì những điều thiếu sót đó mà phủ định bản chất. Rồi mọi người đều có thể có ý kiến nhưng cũng có ý kiến đúng, ý kiến đúng một phần và ý kiến không đúng. Không nên cho rằng ý kiến của mình không được chấp nhận là không dân chủ. Lại cần thấy thực hiện dân chủ là mong muốn của người dân sống trong các thể chế chính trị khác nhau với truyền thống văn hóa và dân trí khác nhau, do đó có các mô hình khác nhau. Không thể có mô hình chung cho các nước, càng không thể lấy hệ giá trị của nước mình làm chuẩn để phê phán và áp đặt cho các nước như nhiều chính trị gia trên thế giới đã nói rõ. Đồng thời, dân chủ cũng là một quá trình, phụ thuộc vào nhiều điều kiện. Tôi đã tham gia Ban chấp hành Trung ương hai khóa trong vòng mười năm. Không ai cấm tôi nói cả nhưng cũng có những vấn đề tôi không thể tỏ thái độ vì tôi thiếu thông tin và cả không có đủ kiến thức sâu về vấn đề đó. Do đó, thực hiện dân chủ liên quan tới việc được cung cấp thông tin đầy đủ, không ngừng nâng cao trình độ hiểu biết và phải có thái độ thẳng thắn phản biện. Không có thông tin, thiếu hiểu biết rồi cứ nói toáng lên, khăng khăng cho ý kiến của mình là đúng, thì đó là thiếu trách nhiệm. Lê Nhung

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/chinhtri/201002/Ve-bon-nguy-co-va-dan-chu-trong-Dang-892501/