Về Hải Hậu ăn gạo tám xoan

(CAO) Ở nước ta nhiều nơi có gạo tám, nhưng gạo tám Nam Định nổi tiếng ngon. Từ xa xưa gạo tám ở đây đã được chọn để tiến vua. Ngày nay thường được dùng trong các tiệc chiêu đãi lớn của Nhà nước khi tiếp những vị nguyên thủ quốc gia, và là một mặt hàng xuất khẩu quan trọng.

Gạo tám Nam Định hạt nhỏ dài, thổi cơm rất mau chín, cơm tám màu trắng xanh, dẻo, mùi thơm ngào ngạt, ăn mau tiêu và hàm lượng chất bổ cao hơn các loại gạo khác rất nhiều. Phải chăng do đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu ở vùng đất này, cùng cách chọn giống và canh tác công phu đặc biệt của nông dân đã tạo ra được loại gạo tám Nam Định đặc sắc. Trong kho tàng tục ngữ ca dao Việt Nam không ít những câu, như: Em như hạt gạo tám xoan Thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà. Gạo tám thơm Chim ra ràng Cà cuống trứng. Cơm tám ăn với chả chim Chồng đẹp, vợ đẹp, những nhìn mà no… Thẩm định, đánh giá dân gian truyền đời về giá trị của gạo tám thơm, như là đầu bảng của thú ăn, của hạnh phúc đối với cư dân châu thổ Bắc Bộ. Nam Định là một trong số ít trung tâm hàng đầu về loại lúa nổi tiếng này. Khắp các nơi đâu cũng có các loại tám, nhưng phải là tám xoan, tám ấp bẹ của vùng Xuân Đài, Nam Định. Ở Việt Nam chưa biết tám xoan có tự bao giờ. Từ điển Việt - Bồ - La của Alexandre de Rhodes chép phân biệt loại gạo nếp, gạo tẻ mà không thấy viết tên giống gạo gì, tính chất ra sao. Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có viết tới “lúa bát xuân ưa ruộng cao, cây cao, bông dài mà mềm, hạt thưa mà nhỏ, hơi vàng, hạt gạo rất trắng, mùi vị rất thơm”. Đến Đại Nam nhất thống chí và các tài liệu chí khác cuối thế kỷ XIX miêu tả tương tự: “Lúa tám xoan cây cao, bông dài và mềm, thóc thưa và nhỏ, hạt hơi dài, màu vàng, hạt rất trắng, vị ngon”. Theo dân gian, tám thơm ở Xuân Đài có từ lâu ,đã dùng tiến vua. Vào những năm 1939 – 1945, khi giặc Nhật bắt dân nhổ lúa trồng đay, người Xuân Đài âm thầm lén trồng tám thơm, như là một cuộc đấu tranh bền bỉ,tự nguyện gìn giữ và lưu truyền cho cuộc đời, cho mai sau giống lúa quý của cha ông. Xuân Đài bao gồm 10 thôn: Trùy Khê, Hưng Đạo, Tự Do, Hồng Thái, Phú Xuân, Hồng Phong, Sản Xuất, Tường Kiệt, Ngũ Khu, Mạnh Hùng với diện tích tự nhiên 508,35 ha vùng đông bắc huyện Xuân Trường ngày nay. Cùng nằm trong khí hậu thủy văn của Nam Định, Xuân Trường, nhưng yếu tố quyết định nhất của độ thơm ngon, dẻo của tám thơm Xuân Đài chính là thủy thổ của riêng Xuân đài và quy cách chăm bón, bàn tay vàng của dân Xuân Đài. Xuân Đài nằm ở vùng đất phù xa trẻ của châu thổ sông Hồng, giàu dinh dưỡng, tỷ lệ sét cao. Tầng đất canh tác sâu, ảnh hưởng mặn thích hợp với sản xuất lúa tám thơm. Đồng đất Xuân Đài là yếu tố đầu tiên quan trọng với chất lượng gạo tám thơm. Thế nhưng người Xuân Đài còn biết cách bảo quản, chế biến làm cho gạo tán thơm hơn, dẻo hơn, tinh khiết hơn. Tám thơm là giống lúa thích hợp với đất thịt nặng, thịt trung bình, thịt nhẹ, nhưng tầng canh tác phải sâu, là đất phù sa trẻ ít chua, ảnh hưởng mặn tiềm tàng ở tầng dưới. Nếu không đáp ứng được những yêu cầu ấy các chân ruộng vẫn trồng được lúa tám nhưng không chỉ năng xuất thấp mà mùi thơm của nó cũng giảm. Vì thế ở Xuân Đài dẫu giống lúa tám ngày nay được trồng ở trên các cánh đồng, nhưng ngon hơn vẫn là ở các cánh Đồng Chương, Thần Từ, Tiền Đồng, Công Thổ, nhất là Trùy Khê.

Nguồn CA TP.HCM: http://www.congan.com.vn/?catid=442&id=62435&mod=detnews&p=