Vắng lặng sắc xuân trên những vùng đất tái định cư ở xứ Thanh

Trong niềm vui hân hoan và rộn ràng khi mọi người cùng gác lại những bộn bề của năm cũ, để đón chào năm mới sum họp vui vầy với gia đình thì ở đâu đó, vẫn còn những con người mà Tết với họ lại trở thành những niềm lo âu và trăn trở.

Chúng tôi đến thăm những ngôi làng tái định cư thôn Giăng, thôn Ó, xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân (Thanh Hóa) vào những ngày giáp tết trong tiết trời mùa đông giá buốt. Trái ngược với không khí nhộn nhịp, sắc xuân đã ngập tràn ở các phố thị thì nơi đây không khí của tết cổ truyền sắp tới vẫn còn lặng lẽ.

Không chỉ riêng mỗi con người mà cảnh vật ở vùng đất tái định cư này như hiểu được lòng người nên cũng chưa khoe sắc đón tết. Vào thời điểm này những năm trước, sắc xuân đã ngập tràn trên khắp triền đồi với những cánh hoa đào nở rực rỡ trong nắng ấm. Nhưng năm nay vì thời tiết lạnh giá khiến cho những cành đào thêm khẳng khiu còn hoa thì nở muộn.

Đa số người dân ở các ngôi làng tái định cư còn phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ như thế này.

Anh Chạo Thanh Xuân, trú tại thôn Giăng tâm sự: “Hai vợ chồng chưa chuẩn bị được gì cho tết cả, trời mưa rồi giá rét suốt như thế này thì làm gì ra tiền. Công việc thợ xây của tôi cũng bấp bênh lắm, ngày có việc ngày không, trong khi còn 3 đứa con nhỏ, vợ chỉ ở nhà chăm con không làm được gì nhiều. Tết này chắc đói rồi ”.

Chị Sương, vợ anh Xuân buồn rầu: “Sắn thì chưa nhổ được nên không biết kiếm đâu ra tiền mà trả nợ. Mấy đứa nhỏ thì đòi quần áo, đồ chơi tết. Quả thực là rất lo, tết nhất mà người lớn chỉ có thêm lo thôi”.

Nỗi lo của vợ chồng anh Xuân cũng là nỗi lo chung của đại đa số người dân nghèo ở đây. Họ sống chủ yếu dựa vào cây sắn, cây mía, cây ngô. Bởi không có nhiều đất ruộng trồng lúa nên nhiều hộ gia đình vẫn luôn thiếu gạo để ăn hoặc chạy ăn từng bữa bằng cách làm thuê làm mướn.

Bà Hà Thị Kỳ (72 tuổi), sống đơn độc trong một ngôi nhà nhỏ do Nhà nước cấp đã hơn chục năm ở thôn Giăng, với giọng tiếng Kinh còn ngọng nghịu bà chia sẻ: “Tôi thì già rồi chẳng quan trọng chuyện tết nhất nữa, chỉ mong hàng ngày có đủ gạo ăn là mừng lắm rồi. Trước giờ do sức yếu không làm được chi (gì – PV) nên ai thương cho gì ăn thì ăn thôi”.

Nói về ước mong của mình trong năm mới, bà nói: “Ước mong lớn nhất trong năm mới là được ăn cơm có thịt nhiều hơn thôi”.

Bà Kỳ đang làm lá môn khô để làm thức ăn hàng ngày.

Còn chưa nguôi ngoai nỗi buồn vì mới bị chết mất con trâu, tài sản quý giá nhất mà gia đình có được, ông Tân, một người dân trong thôn tâm sự: “Tết này vợ chồng già cũng không mong gì hơn là đủ gạo và thịt, được như thế là tốt lắm rồi. Tài sản có mỗi một con trâu mà nó lại vừa mới chết hôm vừa rồi vì trời rét, bà nhà tôi buồn đến phát ốm rồi, không còn tâm trí ăn tết nữa”.

Cách thôn Giằng không xa, người dân tại thôn Ó cũng chung nỗi lo lắng, trăn trở trước cái tết đang cận kề. Ngay khi vừa vào thôn, chúng tôi bắt gặp một khung cảnh nhộn nhịp nhưng không phải là để chào đón sắc xuân mà là cảnh người dân đang tất bật đi làm thuê, làm mướn.

Bà Hà Thị Tiến, một người dân tại thôn này cho biết: "Chúng tôi không có tiền để mua sắm tết, mọi thứ đều là của nhà nuôi, nhà ai có con gà, con lợn trong chuồng để thịt là có tết to lắm rồi đó. Tết gần đến rồi mà nhà tôi chưa chuẩn bị được gì nên hai vợ chồng phải tranh thủ đi chặt mía thuê để kiếm tiền tiêu tết đây". Nói rồi bà vội vàng cùng chồng tiếp tục cuộc hành trình với gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Được biết, người dân thuộc thôn Giằng và thôn Ó chủ yếu là người dân tộc thiểu số ở các vùng khác di dân đến xây dựng đời sống mới.

Lúc đến tái định cư ở đây, họ đã được Nhà nước cấp nhà, cấp đất sản xuất cùng với số tiền đền bù lớn, thế nhưng do dân trí thấp, chưa biết tính toán làm ăn nên kinh tế không hiệu quả. Một phần cũng vì nhiều người ỷ lại trông chờ vào Nhà nước, không chịu làm ăn nên cuộc sống trở nên khó khăn.

Ông Lang Hồng Hà, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, huyện Như Xuân cho biết:" Xã Xuân Hòa là nơi sinh sống của người dân ở nhiều vùng khác nhau của tỉnh Thanh Hóa đến tái định cư. Trong đó tỉ lệ hộ nghèo chiếm 55,36%. Những hộ dân thuộc diện nghèo hoặc cận nghèo chủ yếu tập trung ở các thôn Giăng, thôn Ó, ngoài ra còn còn có thôn Đồng Trình, thôn Xuân Thành, trong đó có người dân tộc Thái, Thổ, Mường sống chủ yếu bằng nghề trồng sắn, mía. Chính quyền địa phương luôn tạo điều kiện ưu tiên và hỗ trợ hết sức đối với những hộ gia đình nghèo để người dân có điều kiện phát triển kinh tế và thoát nghèo".

"Tết gần đến, chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện để người dân đón một năm mới đầm ấm và no đủ", ông Hà nói.

Rời thôn Ó khi trời đã quá trưa, hình ảnh người dân lao động nghèo nơi đây vẫn còn bộn bề với việc làm thuê, làm mướn, nỗi lo cơm áo đang đeo bám theo từng nóc nhà khiến chúng tôi không khỏi băn khoăn. Không biết rồi xuân này những em nhỏ có được bố mẹ sắm quần áo mới để đi khoe và thôn làng có được đón tết sum vầy.

BÌNH NGUYÊN

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/vang-lang-sac-xuan-tren-nhung-vung-dat-tai-dinh-cu-a131269.html