Vẫn nhiều vướng mắc trong chi trả dịch vụ môi trường rừng

Sau gần hai năm triển khai thí điểm chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) tại hai tỉnh Lâm Đồng và Sơn La, mô hình cho thấy còn nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Sáng 9.3, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cùng Bộ NNPTNT chủ trì buổi sơ kết đánh giá việc thực hiện chính sách trên. Chậm tiến độ chi trả Thí điểm từ tháng 5.2008, chính sách chi trả DVMTR theo Quyết định 380 của Chính phủ áp dụng với các loại dịch vụ như điều tiết và cung ứng nguồn nước, bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, chống bồi lắng lòng hồ, khai thác du lịch. Mỗi hộ gia đình được nhận khoán bảo vệ rừng tại 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La sẽ được nâng mức hỗ trợ từ 100.000đ lên 290.000đ/hécta/năm. Tại Lâm Đồng, diện tích đất lâm nghiệp thí điểm khoảng hơn 120 nghìn hécta. Đồng bào địa bàn trọng điểm – xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương) đã được cải thiện mức tiền khoán đáng kể với 8,5 triệu đồng/hộ/năm (trung bình gần 23 hécta/hộ). Tuy nhiên theo Phó Chủ tịch UBND xã Đa Nhim – ông Kon Sơ Ha Vương, vẫn còn xảy ra tình trạng lấn chiếm, khai thác rừng trái phép. Nhiều người dân vẫn có tư tưởng xem rừng là đất công, nên chưa nhận thức rõ ý thức bảo vệ rừng của mình. Trong khi đó tại Sơn La, tiến độ triển khai các dự án xem ra vẫn ì ạch. Theo UBND tỉnh, dự án xác định giá trị DVMTR mặc dù đã được phê duyệt từ tháng 2.2009, song đến thời điểm này vẫn chưa có kinh phí thực hiện. Diện tích rừng đã được chi trả chiếm tỉ trọng quá nhỏ trong toàn bộ diện tích rừng cần được chi trả với 12,9% (9/156 xã). Lý giải cho vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cầm Văn Chính cho hay, hiện các bộ ngành T.Ư chưa ban hành định mức cụ thể về rà soát điều chỉnh giao đất giao rừng, trong khi khối lượng công việc thực hiện khá lớn. Đối với các dự án lớn, tỉnh vẫn chưa bố trí được kinh phí thực hiện. Tăng khoán, quản lý xuể? Nhìn chung, sau khi được nâng mức tiền nhận khoán bảo vệ rừng, bà con rất phấn khởi thực thi, trách nhiệm cũng cao hơn, đồng thời đề nghị nhận khoán nhiều đất rừng hơn nữa. Huyện Lạc Dương chỉ có 12% diện tích đất nông nghiệp trong tổng diện tích đất tự nhiên, còn lại là đất rừng. Số tiền trên mang lại nguồn thu không nhỏ cho bà con. Ông Hoàng Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh - đồng tình: “Đất rừng của tỉnh chủ yếu là rừng thông đặc dụng, không có các sản phẩm phụ như song, mây... nên người dân trông chờ hết vào số tiền nhận khoán. Tỉnh sẽ tạo điều kiện hết mức để mở rộng giao khoán nhiều đất rừng hơn với mức 30 - 50 hécta/ hộ, nhằm tăng thu nhập, đảm bảo 50% nguồn sống của nông dân là từ đất rừng”. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu công tác quản lý rừng có ôm xuể khi địa bàn thì rộng mà sức người thì có hạn, có trở tay kịp khi có lâm tặc phá rừng hoặc cháy rừng... Về điều này, ông Sơn khẳng định: “Sẽ tăng cường sự phối hợp với BQL rừng và chính quyền, kiểm lâm xã”. Tại Đa Nhim, điều này được thực thi khá tốt khi thành lập nhiều đội trật tự thay nhau tuần tra hàng đêm. Nhờ đó, số vụ xâm hại rừng trái phép năm ngoái đã giảm 50% so với năm 2008. Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng khẳng định tiếp tục triển khai và hoàn thành tốt các hạng mục trong chương trình thí điểm tại hai tỉnh trên. Song song đó, Bộ NNPTNT sớm nghiên cứu dự thảo hoàn chỉnh để theo đó ban hành nghị định, thực hiện nhân rộng mô hình trên toàn quốc.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/van-nhieu-vuong-mac-trong-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung/20103/176754.laodong