“Vai trò nhà nước” thay cho “vai trò chủ đạo”

(TBKTSG) - Nhiều ý kiến, khi đề nghị xem lại khái niệm “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, đã nhấn mạnh những hệ quả không hay từ chủ trương này như không tạo ra được một môi trường kinh doanh bình đẳng. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ khả thi trong hiện tại và ngay cả trong tương lai, e rằng khối kinh tế nhà nước cũng khó lòng giữ được vai trò này.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn Muốn giữ vai trò chủ đạo, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phải được quản lý một cách có hiệu quả. Thế nhưng một doanh nghiệp lớn như tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) lại không có kế hoạch tốt, không điều tiết, quản lý được lượng hàng tồn kho ở Nhà máy Lọc dầu Dung Quất thì làm sao trông mong ở họ những điều cao xa nào khác. Tương tự, tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) không những không làm tròn nhiệm vụ cung ứng điện đầy đủ cho nền kinh tế mà còn gây trở ngại cho những kế hoạch phát triển nguồn điện của các thành phần kinh tế khác như điện gió thì vai trò chủ đạo thể hiện ở đâu. Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) thì không lo được chuyện cân đối giữa xuất khẩu than bây giờ và việc nhập khẩu than chỉ trong vài năm tới. Đó là chưa nói đến bài học vẫn đang còn nóng hổi của việc quản lý yếu kém tại Vinashin, gây ra những khoản nợ khổng lồ vẫn còn đang phải giải quyết. Trước cuộc suy thoái kinh tế gần đây, chính những tập đoàn, tổng công ty nhà nước lại là đầu têu trong việc đầu tư ra ngoài lĩnh vực chính (là nhiệm vụ Nhà nước giao) để nhảy vào các hoạt động sinh lợi nhanh như tài chính, chứng khoán, địa ốc… Như thế, các doanh nghiệp này đã bỏ qua vai trò chủ đạo được kỳ vọng mà hậu quả đến nay chưa giải quyết xong. Khái niệm chủ đạo thường đi kèm với năng lực quản lý, hiệu quả kinh tế-xã hội, trình độ công nghệ, nói tóm lại là năng lực cạnh tranh. Trong khi DNNN nhận được nhiều ưu đãi về vốn, đất đai và nhiều chính sách khác, họ lại không tạo ra hiệu quả kinh tế - xã hội tương ứng, năng lực cạnh tranh rất thấp so với các khu vực khác. Vì thế, thay vì sử dụng cụm từ “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, tại sao không nhấn mạnh vai trò nhà nước trong định hướng kinh tế vĩ mô, vừa bao quát được mọi thành phần kinh tế, vừa phù hợp với xu hướng của thời đại. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mà hậu quả đến nay vẫn chưa kết thúc, các nước theo đuổi nền kinh tế thị trường từ lâu cũng đã nhận ra, không thể xem nhẹ vai trò nhà nước trong điều tiết kinh tế, kiềm chế những thiếu sót của thị trường, giảm bớt những biến động của thị trường do lòng tham hay bất đối xứng về thông tin. Chính Nhà nước, thông qua những công cụ như chính sách thuế, chính sách ưu đãi đầu tư, sẽ định hướng được doanh nghiệp, bất kể thành phần, phát triển đúng những lĩnh vực có lợi nhất cho nền kinh tế. Cũng chính Nhà nước sẽ có đủ điều kiện để định ra những chính sách cụ thể nhằm phân bổ nguồn lực xã hội, phân bổ có hiệu quả nhất, phục vụ cho mục đích an sinh cao nhất. Xác định như vậy, chúng ta sẽ không còn lấn cấn chuyện “chủ đạo” và “bình đẳng” để làm sao bất kỳ doanh nghiệp thuộc khu vực nào cũng có thể phát triển hết tiềm năng và đóng góp cho đất nước. >> Doanh nghiệp nhà nước không đủ năng lực đóng vai trò chủ đạo >> Khi tập đoàn phát huy nội lực! >> Vấn đề đại diện vốn nhà nước

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/home/diendan/ykien/42113/