Vai trò của nhà trường trước nạn bạo lực học đường?

(GD&TĐ) - Vài ba năm gần đây, nhiều vụ án nghiêm trọng mà đối tượng gây án và người bị hại đều là học sinh phổ thông đã xảy ra ngay trong giờ ra chơi hoặc bắt nguồn từ mâu thuẫn được hình thành trong giờ ra chơi ở các trường học.

Các trường cần tăng cường quản lý HS để giảm tình trạng bạo lực học đường (ảnh: internet) Tại trường Trung học Cơ sở Đông Sơn (Đô Lương, Nghệ An), Võ Văn Phương (15 tuổi) rủ bạn ra sân chơi nhưng bị khước từ, Phương đấm mạnh vào người bạn là Nguyễn Văn Đông (15 tuổi, đang tranh thủ giờ ra chơi để chép bài), rồi dùng tay bóp cổ Đông cho đến chết. Chỉ vì một phút trêu đùa quá mức, Phương đã giết chết người bạn cùng lớp của mình. Sau khi xem xét các tình tiết giảm nhẹ, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt Võ Văn Phương 4 năm tù giam, buộc gia đình Phương bồi thường cho gia đình Đông 35 triệu đồng tiền mai táng và tổn thất tinh thần, buộc Trường THCS Đông Sơn bồi thường cho gia đình bị hại 5 triệu đồng cùng với việc hoàn thành các thủ tục bảo hiểm khác. Sáng ngày 3 tháng 8 năm 2009, Bùi Xuân Duyên (sinh 1993) đến Trường Trung học Phổ thông Thanh Chương 3 (Nghệ An) để học hè. 9 giờ sáng cùng ngày, Duyên đang ngồi chơi với các bạn ở sân trường thì thấy Thái Doãn Sơn đánh bạn của mình là Nguyễn Văn Vượng. Duyên vào can ngăn nhưng bị Sơn đánh lại, làm ngã rách áo. Về nhà sợ bị mẹ biết nên Duyên đi cùng Mỹ (học sinh lớp 12 cùng trường) đến Trường THPT Cát Ngạn chơi. Duyên kể lại sự việc cho bạn là Nguyễn Ngọc Tráng (sinh 1992, học sinh lớp 12, Trường THPT Thanh Chương 3) nghe. Vào quán, Tráng lại kể tiếp cho mấy người nữa nghe; trong số đó, Trang Ngọc Tuấn (sinh 1991, học sinh lớp 11, Trường THPT Cát Ngạn) đã kích động Duyên. Bị kích động, Duyên, Tráng và Mỹ đón đường chờ gặp Sơn để "nói chuyện"… Duyên đã dùng côn gỗ của Tráng đưa cho, đánh mạnh vào đầu Sơn. Tuy được mọi người đưa đi cấp cứu ngay, nhưng vì vết thương quá nặng, Sơn đã chết tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An vào trưa ngày 09 tháng 8 năm 2009. Hiện Công an huyện Thanh Chương đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can (đối với Duyên, Tráng và Tuấn) để tiếp tục điều tra, làm rõ. Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ án mạng trên thuộc về phía học sinh. Nhưng cũng phải nói rằng, nếu các nhà trường quản lý tốt giờ ra chơi của học sinh thì các vụ án nói trên chưa chắc đã xảy ra. Bên cạnh một số vụ án nghiêm trọng nói trên, hàng ngày, trong học sinh xẩy ra không ít các hiện tượng tiêu cực, lộn xộn như: lấy cắp đồ dùng của nhau, trêu đùa quá trớn dẫn đến đánh nhau, gây thương tích cho nhau,… Các hiện tượng tiêu cực, lộn xộn trong các em rất hiếm khi xẩy ra trong giờ học, mà thường xẩy tra trước giờ học hoặc ở những giờ ra chơi. Nếu nhà trường quản lý tốt những thời gian này thì chắc chắn, các tiêu cực, lộn xộn trong học sinh sẽ ít xẩy ra, hoặc có xẩy ra cũng sẽ được ngăn chặn kịp thời để không dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Một thực tế lâu nay, các trường phổ thông không có biên chế giám thị để quản lý học sinh trước giờ vào học và trong những giờ ra chơi. Ở một số rất ít trường, Hiệu trưởng quan tâm chỉ đạo chu đáo, toàn diện thì có giao cho một bộ phận giáo viên thực hiện công việc này. Còn lại, phần lớn các nhà trường, việc quản lý học sinh trong những giờ này còn đang bỏ ngỏ. Để hạn chế đến mức thấp nhất các hiện tượng tiêu cực, các vụ án nghiêm trọng có thể xẩy ra như đã nói ở trên, thiết nghĩ, việc quản lý học sinh trước giờ vào học và trong các giờ ra chơi cần được các cấp quản lý giáo dục, các nhà trường coi trọng; các trường phải xem đây là một trong những nhiệm vụ giáo dục của mình, của bản thân từng cán bộ, giáo viên; hàng ngày, lãnh đạo nhà trường phải phân công nhau cùng với một số giáo viên thực hiện nhiệm vụ này. Minh Đức

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/channel/2741/2009/09/1906827/