Và tình yêu đã chiến thắng

Tôi biết đến anh chị Hà - Mạnh qua lời kể đầy ngưỡng mộ của một cô bạn gái: “Tớ chưa từng thấy ai yêu chị Hà như anh Mạnh, anh ấy đã hồi sinh cuộc đời của vợ mình”. Ánh mắt lấp lánh, ngưỡng mộ của cô bạn đã giục giã tôi phải đến gặp, dù chặng đường từ Hà Nội về xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, Bắc Giang không có xe buýt, một mình tôi phóng Honda cả đi lẫn về gần 200 km trong ngày.

Anh Mạnh đã giúp vợ chiến đấu chống lại căn bệnh hiểm nghèo

Đó là một người phụ nữ thâm thấp, mái tóc cắt ngắn và khuôn mặt bầu bĩnh. Chị tên Lương Thị Hà, năm nay 31 tuổi. Chồng chị là Đinh Văn Mạnh, 32 tuổi, cao lớn, rất điển trai. Họ ôm một cậu nhóc kháu khỉnh tên Đinh Hải Phong trong căn nhà nho nhỏ treo đầy cây và hoa. Người ta sẽ không nghĩ rằng cặp vợ chồng kia vừa đi qua thử thách lớn nhất cuộc đời mình: chị Hà, mẹ của đứa trẻ, vừa chiến thắng ung thư xương.

Năm 2008, chị Hà kết hôn với anh Mạnh và ở trọ Hà Nội làm việc. Sau ngày cưới đúng 6 tháng, một tai nạn giao thông đã đẩy chị Hà vào bệnh viện. Đúng dịp này, Hà được xác định: ung thư xương. Lúc đó, Hà 23, Mạnh 24 tuổi.

Mạnh giấu vợ, anh nghĩ ra một căn bệnh phức tạp về xương để động viên vợ phải gắng lên. Một năm rưỡi sau đó, Hà truyền tổng cộng 12 đợt hóa chất, có đợt truyền xong tưởng mình không bao giờ tỉnh lại. Từ hơn 50 kg, chị chỉ còn 29 kg, đầu trọc lóc, đi vệ sinh, nôn, ói trong vô thức.

Anh Mạnh thống nhất với phương án của bác sĩ điều trị, cưa một bên chân phải của chị Hà, còn nước còn tát. Suốt 1 năm 6 tháng nằm ở Bệnh viện K2, Mạnh cõng Hà đi khắp các phòng để khám, xét nghiệm, truyền hóa chất. Anh bế Hà, bón cho Hà ăn, thay đồ, giúp Hà đi vệ sinh. Anh quạt cho Hà lúc nóng, đắp chăn cho Hà lúc lạnh, kể chuyện cho Hà nghe lúc Hà đang nằm thiêm thiếp. “Em biết không, anh đã nghỉ việc, anh phải vay mượn rất nhiều tiền để chữa bệnh cho em. Em không được chết. Em chết đi, bố mẹ còn các em của em. Anh chỉ còn mỗi em thôi”, Mạnh thủ thỉ như thế với Hà cả ngàn lần, giữa mê man, Hà bảo mình phải sống.

Và tình yêu đã giúp họ chiến thắng

Chị ăn khỏe dần lên và bắt đầu có cảm giác về món ăn. Hà muốn ăn bún chả Định Công, muốn ăn dâu tây Đà Lạt, tất cả những món ăn khó tìm đến đâu Mạnh cũng đi tìm mang về cho vợ.

Theo năm tháng điều trị, tài sản trong nhà lần lượt ra đi, Mạnh vay mượn bạn bè tiền để chữa bệnh cho vợ và dự tính bán cả căn nhà ở quê. Anh “chuyển hộ khẩu” vào ở luôn Bệnh viện K2. Tối tối, khi vợ đã chìm vào giấc ngủ say, Mạnh dắt xe máy ra bến xe Giáp Bát làm mấy chuyến xe ôm kiếm tiền trang trải, dù không ít lần bị đầu gấu đuổi đánh vì cướp “lãnh địa” làm ăn. Tờ mờ sáng, Mạnh về tới Bệnh viện, anh trải tấm chiếu nằm chợp mắt vài tiếng. Giấc ngủ không trọn vẹn khi có quá nhiều tiếng bước chân qua lại, tiếng muỗi vo ve, mùi hôi thối từ toilet.

Công sức, niềm tin, tình yêu của hai vợ chồng đã được ông trời thương. Bệnh tình của Hà thuyên giảm, chị được chuyển về nhà. Mạnh đi làm thuê đủ các nghề ở Hà Nội, Bắc Giang để nuôi vợ. Năm 2012, niềm vui đến với Hà khi chị biết tin mình có thai. Nhiều người khuyên Hà bỏ đứa bé vì sợ mẹ từng truyền hóa chất nhiều lần, đứa trẻ sẽ bị dị tật. Hà kiên quyết sinh con. Một lần nữa, niềm tin và tình yêu của đôi vợ chồng đã chiến thắng số phận, cháu Đinh Hải Phong kháu khỉnh đến với cuộc đời.

“Đó là sự kỳ diệu của y học, chúng tôi cũng rất khó giải thích về trường hợp của Hà. Y học chỉ đóng góp 50%, còn lại Hà bình phục là nhờ tình yêu thương của gia đình, và đặc biệt là người chồng dành cho cô ấy”, tôi vẫn nhớ như in lời bác sĩ Ngô Quang Cử, Bệnh viện K2, người trực tiếp điều trị cho chị Hà trả lời phỏng vấn Báo Thanh Niên.

Sau những tai ương, giờ đây hạnh phúc đã tràn về với gia đình nhỏ này

Tôi vẫn hay hỏi thăm sức khỏe anh chị qua cô bạn gái, lòng vui lây khi nghe cô bảo anh chị Hà - Mạnh vẫn khỏe, chị Hà làm kế toán tại nhà, thu nhập rất tốt, anh Mạnh đã xin được việc ngay Bắc Giang, cháu Phong 4 tuổi, ngoan và thương mẹ. Phong hay bảo với mẹ: “Mẹ ơi, mẹ không có hai chân à? Sau này con lớn con cõng mẹ đi làm nhé?”.

Tôi viết câu chuyện về anh chị trên Báo Thanh Niên đúng dịp 14.2.2015, nhiều người đã rơi nước mắt, cả chính cô bạn tôi, người đã chứng kiến những nỗi đau, niềm vui, hạnh phúc mong manh của người phụ nữ tên Hà.

Tôi mang câu chuyện của anh chị kể lại cho nhiều người đang chiến đấu với ung thư, tôi kể với một nữ vận động viên đá cầu đang phải xạ trị ở Bệnh viện Thanh Nhàn vì ung thư vú rằng, “ở đâu có sự sống, ở đó còn hi vọng”, chị phải sống. Nữ vận động viên ấy mắt loang loáng nước.

Tình yêu cổ tích có thật hay không? Tình yêu đích thực có thể làm được những gì? Tôi đã có được cho mình câu trả lời sau hành trình 200 km đi tìm nhân vật của tôi. Nhiều người tự tử vì tình yêu không như ý, nhiều cô gái quyên sinh vì chàng trai lỡ phản bội mình. Tôi nghĩ rằng, nếu được biết câu chuyện của Hà và hành trình chị tìm được sự sống, họ sẽ không bao giờ chọn cái chết. Cuộc đời vô thường lắm, sao chúng ta không sống để yêu thương nhau nhiều hơn?

Thúy Hằng

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/toi-viet/blog-phong-vien/va-tinh-yeu-da-chien-thang-667247.html