Ưu và nhược điểm khi phá giá đồng nội tệ

ANTT.VN - Trên bề nổi của diễn biến này, đây là một dấu hiệu đáng báo động. Tuy nhiên, giá trị tiền tệ thấp hơn là một điều gì đó mà một số quốc gia thực sự mong muốn....

Cuộc đua phá giá đồng tiền liên tục diễn ra trên khắp thế giới.

Đồng Real của Brazil giảm 28% so với đồng USD trong năm nay. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng peso của Colombia, đồng rupiah của Indonesia lần lượt giảm 20%, 23% và 11% so với đồng USD chỉ trong vòng 9 tháng qua.

Trên bề nổi của diễn biến này, đây là một dấu hiệu đáng báo động. Tuy nhiên, giá trị tiền tệ thấp hơn là một điều gì đó mà một số quốc gia trong nhóm này thực sự mong muốn.

Trung Quốc chính là một ví dụ, việc phá giá đồng nhân dân tệ 2% trong tháng trước, bước dịch chuyển lớn nhất trong hai thập kỷ ở thị trường đại lục, theo nhận xét của các chuyên gia, động lực chính của hành động này chính là khiến cho xuất khẩu trong nước trở nên hấp dẫn hơn đối với người mua quốc tế.

Tiền tệ các nước trên thế giới

Chắc chắn rằng, khi một đồng tiền suy yếu nó sẽ giúp gia tăng xuất khẩu trong nước, cái mà sẽ dẫn dắt đến mục tiêu cuối cùng như nhận định của nhà kinh tế học Neil Shearing: “Tôi sẽ không ngạc nhiên về sự suy yếu của những đồng tiền này hiện tại trong hai năm nữa sẽ lát đường cho biệu suất kinh tế tốt hơn” (Ông Neil Shearing là nhà kinh tế trưởng về các thị trường đang nổi thuộc công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics).

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, sự rớt giá của một đồng tiền cũng phản ánh sự yếu kém nội tại của đất nước. Trong thực tế, sự sụt giảm nhanh chóng của thị trường tiền tệ toàn cầu đang tái hiện lại bóng ma của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, cái mà được châm ngòi bởi sự rớt giá của đồng baht Thái, với mức giảm khủng khiếp lên đến 20% chỉ trong một ngày. Cuộc khủng hoảng năm 97 đã làm chấn động cả thế giới, đẩy các sàn chứng khoán quốc tế xuống mức thấp kỷ lục và làm lay chuyển lòng tin của các nhà đầu tư trong khu vực suốt hơn một thập kỷ sau đó.

Điều gì đứng đằng sau sự sụt giảm của thị trường tiền tệ gần đây?

Đợt sụt giảm mới nhất của thị trường tiền tệ đã nhanh chóng bắc cầu sang giá cả ở thị trường hàng hóa. Không giống như cuộc khủng hoảng năm 97 khi nó được phát sinh bởi bong bóng thị trường bất động sản Thái Lan. Nhiều quốc gia như Brazil đang phụ thuộc rất nhiều vào việc xuất khẩu các mặt hàng như sắt, đồng, đậu tương và dầu, và hầu như tất cả các mặt hàng này hiện tại đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng sáu năm trở lại đây, xuất phát từ việc giảm cầu trên khắp thế giới, đặc biệt là từ Trung Quốc.

Suy thoái Trung Quốc như một chiếc phanh kìm hãm lại lượng cầu rất lớn trước đó của quốc gia này đối với các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Các loại tiền tệ giảm giá trị đi cùng với sự sụt giảm trong giá cả các loại hàng hóa.

Thêm vào đấy là khả năng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - FED, đã khiến cho các nhà đầu tư toàn cầu càng miễn cường trong việc di chuyển từ đồng đô la sang các đồng tiền rủi ro khác, điều này đã làm trầm trọng thêm sự sụt giảm của những đồng tiền trên.

Đồng tiền yếu đi = Xuất khẩu nhiều hơn

Giảm giá đồng nội tệ + Gia tăng xuất khẩu = Tăng trưởng kinh tế (Ảnh: CNN)

Nếu được quản lý một cách cẩn thận, các quốc gia có tiền tệ yếu có thể sẽ vẫn hiên ngang mỉm cười vì điều họ có được chính là lợi nhuận. Một đồng tiền yếu xét cho cùng có thể châm ngòi cho tăng trưởng kinh tế nhanh hơn theo hai cách sau đây:

Thứ nhất, một đồng tiền yếu sẽ khiến xuất khẩu trở nên rẻ hơn, hấp dẫn hơn đối với người mua nước ngoài.

Thứ hai, một đồng tiền yếu sẽ khiến cho nhập khẩu trở nên đắt hơn, ít hấp dẫn hơn đối với người dân, và hướng người dân đến việc tiêu dùng hàng hóa nội địa.

Hai hướng tác động ở trên sẽ góp phần thúc đẩy thương mại, tăng nhu cầu đối với nhiên liệu trong nước và giúp tăng trưởng kinh tế. Giáo sư Andrew Karolyi, thuộc trường Đại học Cornell đồng thời là chuyên gia kinh tế về các thị trường mới nổi, cho biết: “Những nước này sẽ nhìn thấy được những lợi ích trong thương mại toàn cầu”.

Như Brazil là một ví dụ, mặc dù gần đây đất nước của những vũ điệu samba đã rơi vào suy thoái, đồng tiền Real đã giảm 27% chỉ trong năm nay, tuy nhiên ngay trong quý II/2015, theo số liệu của Capital Economics, xuất khẩu của Brazil đã tăng 7%. Mặc dù nó vẫn chưa đủ đề bùi đắp cho những tác động tiêu cực do sự mất giá của đồng nội tệ mang lại, đây vẫn là “một tia hy vọng” cho tương lai của nền kinh tế Brazil.

Tuy vậy, hãy cảnh giác cho một cuộc chiến thương mại.

Chuyên gia Mohamed A. El-Erian đến từ phố Wall, trưởng cố vấn kinh tế của tập đoàn Alli anz , mô tả sự mất giá của đồng nhân dân tệ gần đây như là một nỗ lực để “ăn cắp” tăng trưởng kinh tế từ các nước khác. Đây chắc chắn là điều đáng lo ngại đối với các quốc gia là đối thủ cạnh tranh của Trung Quốc về các mặt hàng xuất khẩu.

Việt Nam đã phá giá tiền đồng lần thứ ba trong năm nay sau động thái bất ngờ từ Trung Quốc. Hai quyết định để phá giá đồng tiền tệ đã gia tăng tiềm năng về một cuộc “chiến tranh tiền tệ”, nơi chính phủ các nước trên toàn thế giới thực hiện phá giá liên tiếp đồng nội tệ nhằm nỗ lực đạt được một lợi thế cạnh tranh thương mại so với các quốc gia khác và dẫn đến một vòng xoáy nguy hiểm cuối cùng.

Điều mà chúng ta cần phải quan tâm đến khi những đồng nội tệ rớt giá quá nhanh đấy là khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến những người dân bình thường, đặc biệt là ở các quốc gia mà các hàng hóa tiêu dùng hàng ngày phụ thuộc chủ yếu từ hoạt động nhập khẩu.

Khi mà giá của tất cả các loại hàng hóa được mua bằng đồng đô la tăng lên, trong trường hợp này, Venezuela là một ví dụ điển hình. Một đô la Mỹ tương đương với 82 bolivar – đồng nội tệ của Venezuela – khoảng một năm trước đây và đến bây giờ, nó đã tăng lên con số là 698 bolivar (Theo số liệu của todolartoday.com, một trang web chuyên theo dõi tỷ giá không chính thức). Nền kinh tế Venezuela đang trong tình trạng hỗn độn và thiếu hụt các loại hàng hóa cơ bản trong đó có giấy ăn. Đầu năm nay, đã có thông tin các quan chức từ Trinidad và Tobago đã ngỏ ý muốn đổi giấy ăn lấy dầu của Venezuela. Theo Viện Brookings, đường, sữa và bột mì lại càng khan hiếm hơn, do quốc gia này nhập khẩu đến 70% tổng lượng hàng tiêu dùng.

Đồng tiền nội tệ giảm giá cũng gây ra khó khăn cho các quốc gia cũng như các công ty trả các món nợ được tính bằng đô la Mỹ. Khi đồng nội tệ giảm giá, các khoản nợ bằng USD trở nên đắt đỏ hơn và gây nên khó khăn cho việc trả nợ. Các khoản nợ trở nên lớn hơn đã ăn mòn lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế.

Trong quá khứ, các nền kinh tế mới nổi như Brazil và Thái Lan đều bị lâm vào tình trạng tương tự khi chính phủ và các công ty phải gánh các khoản nợ bỗng dưng “phát phì” được trả bằng đô la Mỹ. Tuy nhiên, vấn đề lúc đấy vẫn chưa là gì, khi những khoản nợ bây giờ thậm chí còn lớn hơn.

Với rất nhiều những cơn gió ngược, sẽ phải mất một vài năm để các quốc gia này trở về đúng quỹ đạo của nó. Tuy nhiên, khi dịch chuyển đúng hướng, các chuyên gia cho rằng, đồng tiền nội tệ mất giá liên quan đến hoạt động xuất khẩu có thể sẽ là chân ren quyết định hướng đi của vòng quay.

Phương Phương – Theo CNN

Nguồn ANTT: http://antt.vn/uu-va-nhuoc-diem-khi-pha-gia-dong-noi-te-0111969.html