Ước vọng ngày Tết của thiếu niên sau song sắt nhà tù

Hai cái Tết trong tù, Nam chưa một lần được gặp bố mẹ, nên trong ký ức cậu thường nhớ về những ngày chơi đánh còn đầu xuân ở quê nhà Tây Bắc.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán 2016 đối với Giàng A Nam (18 tuổi, tỉnh Điện Biên) đang thụ án tại trại giam Suối Hai (huyện Ba Vì, Hà Nội) thuộc Bộ Công an, về tội Cướp tài sản, là nỗi nhớ nhà da diết. Ngay đầu câu chuyện, Nam khá rụt rè, bẽn lẽn của chàng trai mới lớn, người H’mông.

Năm nay là năm thứ ba, Nam ăn Tết trong trại giam với những bạn tù cùng độ tuổi thanh thiếu niên. “Nhiều người có gia đình mang quà tới thăm nom dịp Tết còn em thì không vì bố mẹ nghèo, ở xa quá”, giọng Nam chùng xuống.

Nguyên do khiến Nam vướng lao lý, theo hồ sơ cho thấy, khoảng tháng 6/2013, sau bữa rượu với Tình, cùng bản, cậu được đàn anh rủ đi cướp tài sản để lấy tiền chi tiêu và đã đồng ý. Nam và Tình cầm gậy gỗ xông vào khu trọ bán trú của học sinh, đánh bị hại, cướp 4 chiếc điện thoại tổng trị giá 4 triệu đồng.

Trong khi Tình lĩnh 7 năm tù với vai trò chủ mưu, Nam bị tuyên phạt 30 tháng vì phạm tội ở độ tuổi thành niên. Nam bị đưa về trại Suối Hai thụ án. Tính đến nay đã hơn 2 năm cải tạo tại đây. Nam được các thày, quản giáo dạy cho vẽ hoa văn trên các bình gốm sứ cùng với những phạm nhân thiếu niên khác trong trại.

Ngày về với gia đình, xã hội của Nam không còn xa.

Suốt câu chuyện, Nam chỉ trả lời những gì hỏi. Nhưng khi nói về dịp Tết Nguyên đán ở quê nhà, gương mặt cậu hạnh phúc, ánh mắt rạng ngời. Cậu liên tục nói về những ngày Tết đi chơi với đám bạn cùng bản. “Chỉ vì phút thiếu suy nghĩ nên em trót lầm lỡ…”, Nam bỏ lửng câu nói.

Nam kể, những ngày Tết, nhóm thanh niên trong bản diện bộ quần áo đẹp nhất, mới nhất, cầm ô, mang theo những quả còn rồi tụ tập ở bãi đất trống vui chơi. Người có khèn thì thổi, thúc giục các nam thanh nữ tú nhảy múa, ném còn. Ngày đó, cậu đi du xuân với cô bạn gái kém một tuổi. “Vui lắm, nhiều trò chơi trong những ngày Tết”, Nam hớn hở.

Nam tâm sự, nếu không phạm tội, có lẽ bây giờ cậu cũng đã lập gia đình với cô bạn gái. Dạo đó, cậu có xin bố mẹ cho cưới nhưng họ bảo còn nhỏ, để sau này hãy tính. “Em đi như thế này chắc cô ấy đã có chồng rồi”, giọng Nam buồn khi nhắc đến người yêu. Nam bảo, ở bản cậu, con trai, con gái đều lấy chồng sớm như vậy dù hai đứa không có chút tài sản gì.

Kể về gia đình, Nam bảo nhà đông anh em, làm nghề nông quanh năm, suốt tháng. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên năm nay là năm thứ ba, bố mẹ cậu không xuống trại thăm con. “Mỗi lúc nhìn bạn cùng phòng sinh hoạt có quà bánh từ người nhà thăm nom, em buồn lắm”, Nam nói. Song cậu được họ chia sẻ nhiều từ tấm bánh, gói quà. Ngoài ra, với những trường hợp không có người thân gửi quà Tết, Nam được ban giám thị trại tặng các khẩu phần ăn nhiều hơn bạn tù khác. Cậu còn được cho 200.000 đồng vào dịp Tết.

Đã gần hết thời gian thụ án, việc bây giờ theo Nam tâm sự là cậu đếm từng ngày được ra trại, trở về với cuộc sống trước kia. “Em sai rồi, em đã thấm sâu cái giá phải trả cho hành vi phạm tội của mình”, Nam nói.

Một cán bộ quản giáo Suối Hai cho biết, Nam và nhiều phạm nhân tuổi vị thành niên, hành vi phạm tội thường là bột phát, quay lại cuộc sống, lại được giáo dục về pháp luật tốt, họ sẽ hướng thiện.

Theo Việt Dũng/Ngoi sao

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/uoc-vong-ngay-tet-cua-thieu-nien-sau-song-sat-nha-tu-20160210102638934.htm