Ứng dụng công nghệ trong khai thác khoáng sản

Theo kết quả của Viện Tư vấn Phát triển, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác và chế biến khoáng sản hiện nay là rất cao. Hiện nay thành phố Hải Phòng đã thực thi chương trình khuyến khích ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến theo Đề án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn đến năm 2020.

CôngThương - Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng Bùi Quang Sản từ năm 1996, khi có Luật Khoáng sản, Hải Phòng đã quy hoạch khai thác, tận thu khoáng sản rắn trên địa bàn huyện Thủy Nguyên; quy hoạch khảo sát, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi lòng sông,... Song nay, cả 2 quy hoạch này không còn phù hợp do các quy hoạch không gian, các ngành có sự thay đổi; những quy định về vấn đề này đã có sự điều chỉnh. Quy hoạch khai thác khoáng sản rắn thuộc Bộ Công Thương; quy hoạch đá vôi phục vụ sản xuất xi-măng thuộc Bộ Xây dựng. Cấp thành phố quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đất sét làm phụ gia, gạch, si-líc làm phụ gia xi-măng và khai thác tận thu làm vật liệu gia cốt nền đường, một phần làm phế phẩm bê-tông; cát san lấp mặt bằng. Tuy nhiên, việc lập quy hoạch quản lý khoáng sản này vẫn rất cần thiết. Bởi việc khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch đang gây tác động xấu tới môi trường và cuộc sống của người dân và khu vực có mỏ. Không có quy hoạch, việc khai thác tiến hành tràn lan, nguy cơ gây ảnh hưởng mất an toàn đến môi trường, công trình hạ tầng kỹ thuật khác rất lớn, việc này có thể thấy ở huyện Tiên Lãng. Bởi nằm trong khu vực này có những chỗ là cơ đê không thể khai thác. Hay nằm ở hạ lưu có một thôn của xã Tự Cường- Tiên Lãng, nếu khai thác cát sẽ bị sạt lở; hay hạ lưu bến Khuể là cửa sông nếu tiếp tục khai thác sẽ không bảo đảm an toàn. Cần có quy hoạch đánh giá trữ lượng cụ thể mới có quy mô tổ chức khai thác hợp lý. Tuy nhiên, để việc quản lý hoạt động khai thác, thăm dò, chế biến và sử dụng khoáng sản bảo đảm yêu cầu bảo vệ môi trường thì vấn đề công nghệ khai thác, chế biến cần quy định cụ thể. Từ thực tế đó, việc khai thác khoáng sản Hải Phòng phải tính đến nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài, có tính đến xu hướng tiến bộ của khoa học công nghệ trong lĩnh vực sử dụng công nghệ mới và vật liệu thay thế. Đồng thời, quan tâm áp dụng các công nghệ khai thác, chế biến hiện đại để nâng cao tối đa hệ số thu hồi khoáng sản chính, các khoáng sản đi kèm và giá trị của sản phẩm chế biến. Theo ông Nguyễn Ngọc Lâm Tổng Giám đốc Tổng công ty da giày Hải Phòng khẳng định, cần đề cao công nghệ khai thác chế biến khoáng sản tiên tiến, nhiều khi, những lợi ích thu được qua khai thác khó có thể bù đắp những thiệt hại về môi trường. Quy hoạch khai thác khoáng sản cần có sự so sánh giữa những lợi ích kinh tế với những thiệt hại môi trường; cần có quy định về quản lý công nghệ khai thác. Đây là cơ sở để quản lý, kiểm soát hạn chế ô nhiễm môi trường. Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng Bùi Quang Sản: Đề án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản trên địa bàn TP. Hải Phòng đến năm 2020 chưa đề cập sâu đến công nghệ. Song vấn đề công nghệ khai thác và chế biến sẽ được xem xét cụ thể ở từng dự án. Quan điểm chung là không ủng hộ công nghệ lạc hậu. Điều này thể hiện trong việc tổ chức thực hiện đề án quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của thành phố có nhấn mạnh vấn đề ủng hộ khai thác sâu. Hiện nay, việc khai thác mỏ trên địa bàn Hải Phòng mới chỉ khai thác đến cốt dương. Đồng thời ưu tiên chế biến "sâu", đó là sử dụng khoáng sản để chế biến sản phẩm có công nghệ cao, như: đá vôi có hàm lượng cao ưu tiên sản xuất xi-măng; tổ chức làm phụ gia luyện thép, ngành hóa luyện (cao-su), chất dẻo; đá phục vụ đúc cấu kiện bê-tông. TSKH Trần Tân Văn (Viện KH Địa chất và Khoáng sản) cho biết, chảy máu tài nguyên do công nghệ lạc hậu và khai thác bừa bãi đang trở nên quá bức xúc, nhất là đối với những người có đôi chút hiểu biết về vấn đề này. Ngành địa chất hiểu biết nhất về tài nguyên khoáng sản thì lại hầu như đứng ngoài cuộc, chỉ làm mỗi việc nghiên cứu, điều tra cơ bản, rồi cấp phép. Theo kết quả của Viện Tư vấn Phát triển, tổn thất tài nguyên trong quá trình khai thác còn rất cao như khai thác than hầm lò tổn thất là 40 - 60%, khai thác apatit 26 - 43%, quặng kim loại 15 - 30%... Tổn thất trong chế biến khoáng sản cũng rất cao. Chẳng hạn trong khai thác vàng, độ thu hồi quặng vàng trong chế biến chỉ đạt 30 - 40%... Thực tế cho thấy, do năng lực có hạn, khai thác phần lớn là thủ công nên đa số các mỏ nhỏ hiện nay mới chỉ lấy đi được phần giàu nhất mà bỏ đi toàn bộ các quặng nghèo và khoáng sản đi cùng. Việt Anh

Nguồn Công Thương: http://baocongthuong.com.vn/details/khoa-hoc-cong-nghe/ung-dung-cong-nghe-trong-khai-thac-khoang-san/32/0/37837.star