Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

ND- Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 176/QĐ-TTg về Đề án tổng thể phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) từ nay đến năm 2020.

Theo đó, sẽ từng bước xây dựng và hình thành nền nông nghiệp ƯDCNC. Trong đó, trọng tâm là các doanh nghiệp nông nghiệp ƯDCNC và vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC. Đề án đặt ra mục tiêu trước mắt đến năm 2015, là mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng được từ ba đến năm doanh nghiệp, và từ hai đến ba vùng sản xuất nông nghiệp. Tại một số vùng sinh thái nông nghiệp có từ ba đến năm khu nông nghiệp ƯDCNC, tập trung sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ƯDCNC, có năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng cao. Phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ƯDCNC chiếm từ 10 đến 15% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của cả nước. Trong giai đoạn 2016-2020 sẽ đẩy mạnh phát triển toàn diện nông nghiệp ƯDCNC để đến năm 2020, mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng từ bảy đến mười doanh nghiệp, và từ năm đến bảy vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có từ một đến ba khu nông nghiệp ƯDCNC. Trong giai đoạn này, Nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ đầu tư và mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp ƯDCNC để phát triển một số loại sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao như: lúa chất lượng, lúa đặc sản; một số loại rau, chè, cây ăn quả an toàn... Đồng thời, từng bước hình thành hệ thống cơ sở dịch vụ ƯDCNC phục vụ nông nghiệp như: Dịch vụ môi giới, tư vấn kỹ thuật, cung ứng vật tư, máy móc, thiết bị và dịch vụ tiêu thụ sản phẩm... cũng như hình thành sàn giao dịch ƯDCNC trong nông nghiệp. Có thể nói, đây là cơ hội để ngành nông nghiệp xây dựng và phát triển một cách toàn diện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với những bước đột phá mới trong sản xuất hàng hóa lớn, cho năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, thực phẩm quốc gia cả trong giai đoạn trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, do đặc điểm của một đất nước chủ yếu người dân sinh sống bằng nghề nông, nhiều địa phương sản xuất nông nghiệp chiếm từ 80 đến 90%, thậm chí có tỉnh thuần nông. Vì vậy, việc phát triển nông nghiệp ƯDCNC là hết sức cần thiết, nhưng cần có bước đi và cách làm phù hợp từng địa phương và từng vùng. Nhất là để đề án sớm thành hiện thực cần có chế độ ưu đãi, hỗ trợ với mức cao cho công tác nghiên cứu khoa học phát triển ƯDCNC trong nông nghiệp, có như vậy mới khuyến khích các chủ đầu tư xây dựng các cơ sở nghiên cứu, phát triển, ƯDCNC vào nông nghiệp, và kích thích được "chất xám" của đội ngũ cán bộ có trình độ giỏi, tâm huyết gắn bó với nghề nông; tạo điều kiện cho các cơ sở khoa học mở rộng liên kết, tổ chức đào tạo và nhập khẩu máy móc, thiết bị CNC của nước ngoài, nhất là các loại máy móc, thiết bị mà trong nước chưa sản xuất được để triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu ứng dụng. Ưu tiên đầu tư ƯDCNC đối với sản xuất nông nghiệp ở các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Để các thành tựu của CNC có thể ứng dụng thành công vào đồng ruộng cần thay đổi thói quen, tập quán canh tác lạc hậu của nông dân, nhất là mở rộng các hình thức đào tạo nghề. Dạy nghề kết hợp với học văn hóa, hướng dẫn trực tiếp trên đồng ruộng... để người dân có thể nhanh chóng nắm bắt, ƯDCNC vào sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng nghiên cứu xong rồi để lại "ngâm cứu".

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=168978&sub=152&top=37