Tỷ giá vnd/usd năm 2012: Tác động bởi nhiều lực đẩy

(baodautu.vn) Tỷ giá là “huyệt” quan trọng trong cơ chế kinh tế, không chỉ đối với xuất, nhập khẩu và nhập siêu, mà còn đối với công nợ, lạm phát, dự trữ ngoại tệ và quan trọng hơn là tác động đối với lòng tin vào đồng tiền quốc gia.

Nhìn lại diễn biến năm 2011

Diễn biến tỷ giá VND/USD trong năm 2011 có một số đặc điểm đáng lưu ý.

Một là, trong 12 tháng của năm 2011, có 5 tháng tỷ giá giảm, 7 tháng tăng. Chính sự điều hành theo phương thức “giật cục” trước đó đã làm cho tỷ giá USD tăng cao đột biến vào tháng 2, tháng 3 và kéo theo sự giảm xuống liên tục trong 4 tháng sau đó, tăng thấp trong tháng 8; tháng 9 tăng cao cũng có một phần do các nhà đầu tư “đón lõng” việc điều chỉnh tỷ giá vào cuối tháng 8, nhưng đã không xảy ra. Tuy nhiên, nếu điều hành theo phương thức “trườn bò”, nhưng “trườn bò” nhanh, thì cũng làm cho tỷ giá tăng cao trong tháng 11, để rồi lại tăng không đáng kể trong tháng 12/2011 và tháng 1/2012 tiếp theo.

Hai là, tính chung lại, năm 2011, tỷ giá VND/USD đã tăng 2,24%, thấp hơn nhiều so với 3 năm trước (năm 2008 tăng 6,31%, năm 2009 tăng 10,7%, năm 2010 tăng 9,68%).

Ba là, tỷ giá năm 2011 tăng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tương ứng của giá tiêu dùng (18,13%), của giá vàng (24,09%).

Bốn là, tỷ giá trên thị trường tự do cuối năm 2010 đã cao hơn tỷ giá trên thị trường chính thức, có lúc lên tới gần 10%, tạo sức ép lên tỷ giá thị trường chính thức; nhưng trong năm 2011, chênh lệch đó đã giảm hẳn, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn thị trường chính thức. Hiện nay, chênh lệch này không đáng kể.

Sự ổn định của tỷ giá đạt được do nhiều nguyên nhân, từ khâu kiểm tra, xử lý việc niêm yết, mua bán ngoại tệ trên thị trường đến phương thức điều hành tỷ giá “trườn bò” của Ngân hàng Nhà nước (không “giật cục” mà mỗi lần điều chỉnh một chút), làm cho những người đầu cơ, làm giá rất khó đón lõng, lướt sóng.

Thêm vào đó, lãi suất huy động nội tệ cao gấp nhiều lần lãi suất huy động ngoại tệ (trên 14%/năm so với 2%/năm; cộng thêm sự biến động tỷ giá thì chưa đến 5%/năm); Lượng ngoại tệ từ các nguồn vào Việt Nam năm 2011 đạt khá, nhập siêu giảm (9,84 tỷ USD so với 12,6 tỷ USD năm 2010). Cũng có cả nguyên nhân nhiều người ít biết là do “cánh kéo tỷ giá” (giá cánh kéo) vẫn còn rất lớn - 1 USD tại Việt Nam có sức mua cao gấp khoảng 3 lần 1 USD tại Mỹ.

Sự ổn định của tỷ giá đã góp phần làm cho cán cân thanh toán năm 2011 được cải thiện một bước quan trọng (nếu năm 2009 bị thâm hụt tới 8,8 tỷ USD, năm 2010 bị thâm hụt 3,07 tỷ USD, thì năm 2011 có thể thặng dư khoảng 3,1 tỷ USD). Dự trữ ngoại tệ tăng mạnh so với 2 năm trước. Tỷ giá ổn định cũng góp phần kiềm chế lạm phát, do giúp giá nhập khẩu không còn bị tăng kép, giảm sự khuếch đại lạm phát ở trong nước , đồng thời giảm áp lực đối với tâm lý kỳ vọng lạm phát.

Tỷ giá năm 2012 sẽ tiếp tục tăng

Dự báo, tỷ giá VND/USD năm 2012 vẫn tăng, vì 6 yếu tố sau.

Thứ nhất, trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam vẫn ở vị thế nhập siêu (năm 2011, nhập siêu hàng hóa 9.844 triệu USD, nhập siêu dịch vụ 2.980 triệu USD, tổng cộng 12.824 triệu USD; năm 2012 nhập siêu hàng hóa theo mục tiêu ở mức cao hơn). Để kiềm chế nhập siêu, một trong những biện pháp thường được ưa dùng là tăng tỷ giá để khuyến khích xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu.

Thứ hai, giá vàng trong nước ở vị thế cao hơn giá thế giới. Nếu chênh lệch này vượt quá 1%, thì sẽ xuất hiện tình trạng mua USD trên thị trường tự do để nhập lậu vàng, làm cho giá USD trên thị trường tự do tăng, gây sức ép tăng tỷ giá trên thị trường chính thức, tạo sức ép điều chỉnh tỷ giá.

Thứ ba, tổng dự trữ quốc tế của Việt Nam còn mỏng. Mức độ mỏng này được thể hiện thông qua sự so sánh trên 2 mặt. (1) So sánh với các nước trong khu vực theo Niên giám Thống kê tài chính quốc tế 2010 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, tổng dự trữ quốc tế năm 2009 của Việt Nam là 16,44 tỷ USD, đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. (2) Tính theo tuần nhập khẩu, dự trữ ngoại tệ của Việt Nam còn ở mức thấp xa so với giới hạn an toàn 12 tuần theo thông lệ quốc tế. Tỷ giá ổn định hoặc giảm là thời cơ để tăng dự trữ quốc tế.

Thứ tư, nợ nước ngoài của Việt Nam tăng nhanh và ở mức cao; số tiền trả nợ nước ngoài hiện đã chiếm khoảng 15% tổng thu ngân sách. Nhu cầu trả nợ đến hạn cũng tác động đến cán cân thanh toán quốc tế gây áp lực tới tỷ giá.

Thứ năm, tình trạng “đô la hóa” của Việt Nam còn cao, lượng ngoại tệ trong các doanh nghiệp, dân cư còn lớn, lên đến hàng chục tỷ USD.

Thứ sáu, đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; nhu cầu du học, du lịch, chữa bệnh ở nước ngoài gia tăng...

Tuy nhiên, tốc độ tăng sẽ khó vượt quá 5%, thậm chí chỉ tương đương như năm 2011, vì mấy lẽ.

Một là, lạm phát theo mục tiêu 2012 ở mức thấp, chỉ bằng khoảng một nửa năm trước, tâm lý kỳ vọng lạm phát không lớn, giúp giảm việc tìm đường trú ẩn vào ngoại tệ.

Hai là, lãi suất huy động VND hiện nay hoặc có giảm xuống vào nửa cuối năm thì vẫn còn cao gấp nhiều lần so với lãi suất huy động ngoại tệ; nếu tính cả tốc độ trượt giá USD, thì lãi suất huy động VND cũng còn hấp dẫn hơn là gửi bằng USD.

Ba là, phương thức điều hành của Ngân hàng Nhà nước thông qua tỷ giá thị trường liên ngân hàng và biên độ giao dịch có tác dụng làm giảm thiểu các cơn sóng lớn trên thị trường này, bởi việc đầu cơ chỉ có ý nghĩa khi có sóng lớn.

Bốn là, nếu thị trường vàng ổn định, chênh lệch giá vàng ở trong nước với giá vàng thế giới ở mức dưới ±1%, thì hoạt động mua, bán ngoại tệ để xuất nhập lậu vàng sẽ giảm thiểu, sẽ ít ảnh hưởng đến tỷ giá trên thị trường tự do cũng như trên thị trường chính thức.

Một số giải pháp ổn định tỷ giá

Tiếp tục phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các đại lý thu đổi ngoại tệ, các giao dịch thanh toán trực tiếp bằng USD.

Rà soát việc cung ứng ngoại tệ để giảm thiểu, đi đến loại trừ tình trạng vay USD, đổi ra VND rồi gửi ngược lại ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất, khi đáo hạn mua USD trên thị trường tự do trả nợ ngân hàng.

Làm quyết liệt hơn nữa việc kiềm chế nhập siêu bằng nhiều giải pháp.

Nhất quán, đồng bộ, quyết liệt hơn để chống “đôla hóa” để hút USD đang tồn đọng ở trong nước của các doanh nghiệp, cá nhân nhằm tăng cung.

Rút kinh nghiệm trong việc “trườn bò” quá nhanh như tháng 10 vừa qua.

Rà soát lại trần lãi suất huy động USD, lãi suất cho vay USD để giảm chênh lệch hiện quá lớn giữa đồng nội tệ và ngoại tệ.

Nâng cao lòng tin của doanh nghiệp, người dân vào đồng tiền quốc gia, vào các biện pháp chống lạm phát của Chính phủ.

Ổn định giá vàng, kéo giá vàng ở trong nước xuống thấp hơn, hoặc ngang bằng, hoặc chỉ cao hơn trong giới hạn mà việc dùng USD nhập lậu vàng.

Nguồn Đầu Tư: http://www.baodautu.vn/portal/public/vir/baiviettaichinhnganhang/repository/collaboration/sites%20content/live/vir/web%20contents/chude/taichinhnganhang/nganhanglaisuat/5aeeb0fe7f00000100e6ab28a1df4f1b