Tùy tiện “bắt” người vào trại cai nghiện – Kỳ cuối: Những kẽ hở chết người

Đưa người nghiện ma túy đi cai, thậm chí cách ly họ với cộng đồng bằng những quyết định cưỡng chế là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, việc “bắt nhầm hơn bỏ sót”, đưa người đã cai nghiện thành công vào trại cai nghiện một cách tùy tiện, phản nhân văn như ở nhiều nơi mà chúng ta đã biết, thật sự là một cơn ác mộng với người “hoàn lương”, với gia đình họ và với cả xã hội.

Trưởng công an thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) Vũ Văn Thuấn trả lời phóng viên Báo Lao Động tại trụ sở.

Kiện và đòi bồi thường vì bị cai nghiện “nhầm”

Sau khi đăng 2 phóng sự về vấn đề này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia cũng như nhận thư, điện thoại, các bình luận của độc giả gửi đến, rằng bản chất vấn đề nằm ở số tiền rót xuống phục vụ công tác cai nghiện. Ắt đã có “chương trình” thì phải có người nghiện “lấp đầy”. Và các cán bộ trong cuộc đều thú nhận phải hoàn thành kế hoạch hai chữ “chỉ tiêu” được giao. Các kẽ hở trong việc lập hồ sơ, đưa người đã "hết nghiện” tiếp tục đi cai với bao nhiêu bi kịch sầu thảm đều bắt đầu từ đây. Trao đổi với chúng tôi, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Thái Nguyên thừa nhận: “Họ từng giải quyết không ít trường hợp bị “bắt oan” đi cai nghiện kiểu như hai ví dụ mà Báo Lao Động đưa ra, có không ít người đã được “thả” về với đời thường, vì khi xét nghiệm họ âm tính với ma túy”.

Mới đây, tháng 6.2013, TAND TP.Hà Nội xử phúc thẩm theo đơn khởi kiện của anh Nguyễn Thanh Lâm (41 tuổi, xã Tiên Dược, Sóc Sơn). Anh Lâm bị cưỡng chế đi cai, nhưng cho rằng mình không hề nghiện, nên đòi hủy quyết định đưa anh đi cai của Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn. Anh Lâm đòi bồi thường 130 triệu đồng, vì mất thu nhập trong thời gian “cai oan”, kèm theo các tổn hại tinh thần khác.

Năm 2003, Báo Lao Động cũng từng viết về trường hợp bi hài của Phan Văn Tài (ngụ tại xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM). Anh Tài bị bắt đi cai nghiện, rồi trở về đâm đơn kiện cơ quan hữu trách, đòi bồi thường hơn 20 triệu đồng, vì bị “bắt nhầm”. Cơ quan chức năng bảo họ làm đúng quy trình. Anh Tài tiếp tục kiện. Người ta xem lại hồ sơ thì thấy hồ sơ ghi rõ ở ấp mà anh sống, có bà Huỳnh Thị Chóc, đã 5 lần 7 lượt báo cáo Tài nghiện, rồi xã, ấp đưa Tài ra giáo dục, cảnh cáo, rồi Tài ký kết mấy lần là có nghiện. Thế là họ “đủ thủ tục” đưa Tài đi. Tài cam kết mình chưa bao giờ ký cái gì liên quan đến việc mình chơi ma túy. Cơ quan chức năng lập đoàn điều tra, thì hỡi ôi, bà Chóc bảo chưa bao giờ báo cáo với ai, càng không họp cảnh cáo Tài lần nào, không ký chữ nào trong số các chữ ký được coi là của bà Chóc.

Sau đó, Trưởng Công an huyện Hóc Môn đã cho điều tra ngọn ngành, rồi ra quyết định nói rõ: Công an xã Thới Tam Thôn đã lập hồ sơ đề nghị đưa Tài đi cai nghiện là không có căn cứ, không đúng quy trình và không đúng pháp luật. Người ta bị buộc bồi thường Tài 20,1 triệu đồng vì thời gian dài Tài bị tống vào trại cai nghiện, không có lương bổng, lại mất tiền của công sức đi... tìm chân lý.

Biết, nhưng vẫn cứ... bị làm sai!

Nhân những vụ bê bối đầy tai tiếng này, chúng ta cũng cần nghiêm túc xem lại quy trình đưa một người vào trại cai nghiện bắt buộc. Sau khi tham vấn đủ loại ý kiến và đọc đủ loại công văn, quy định, chúng tôi thấy cần phải nhấn mạnh mấy điều giản dị mà “trẻ lên ba cũng biết”, như sau:

Thứ nhất, một người nghiện ma túy thật sự, gây hại cho cộng đồng, thì không gia đình, xóm mạc, chính quyền cơ sở nào không muốn được đưa họ đi cai nghiện càng sớm càng tốt. Việc đưa ai đó đi cai, cần phải có ý kiến của các thành phần kể trên, đặc biệt, cần có tài liệu chứng minh rõ: Đối tượng còn nghiện ở thời điểm hoặc rất gần thời điểm bị “bắt”. Bà con phản ánh, có đơn thư, có các cuộc họp ở thôn, xóm, ấp, phum, sóc cụ thể. Đối tượng bị quy kết nghiện ma túy phải ký hoặc điểm chỉ vào văn bản. Nếu không thì cán bộ địa phương, đại diện các đoàn thể ký vào. Tuyệt đối tránh việc chính cán bộ phải làm hồ sơ, phải lo đủ “chỉ tiêu” đưa người đi cai nghiện nên đã tự ý ký vào các biên bản “khống” để quy kết người nào đó còn nghiện ma túy (như đã từng diễn ra). Tuyệt đối tránh việc dùng hồ sơ của người từng nghiện ma túy trong nhiều năm trước, để cứ thế “nhè” vào danh sách bắt họ đi cai, trong khi họ đã cai được từ lâu. Đặc biệt, như trường hợp của Phạm Đức Trung được phản ánh trong loạt bài này: Khi Trung bị bắt đi cai, chính công an thị trấn cũng phản đối, cả trưởng xóm, bà con, gia đình cực lực đứng ra bảo vệ Trung, lên án cái quyết định hồ đồ của ông chủ tịch huyện!

Thứ hai, khi hồ sơ làm chặt chẽ rồi, bà con có phản ánh, cần giải thích, công khai tài liệu cho họ sớm, tránh gây bức xúc, phẫn uất kéo dài. Khi điều tra vụ việc, chúng tôi thấy có những chi tiết hết sức đáng sợ. Ví dụ: Anh Trường - Phó Công an thị trấn Sông Cầu - thừa nhận, Phạm Đức Trung từng gặp anh đề nghị được xét nghiệm để công nhận là hết nghiện ma túy, vì đã cai được 7 năm rồi, nhưng công an cơ sở đã không làm. Đến lúc, họ lại dùng hồ sơ cũ, hồ sơ chưa đúng quy trình và sai lạc với bản chất vấn đề, đưa Trung đi cai nghiện. Trung và gia đình quay lại khiếu kiện, thì Trưởng Công an thị trấn bảo: “Nếu Trung cai được thì phải báo cáo chúng tôi”. Rõ ràng Trung có báo cáo. Và suốt 7 năm Trung cai, không một ai thăm hỏi, động viên, hay xét nghiệm cả. Lúc Trung đi lên huyện tự xét nghiệm để chứng minh mình hết nghiện, thì trưởng công an bảo: Kết quả đó có thể là do kết quả của việc “chạy chọt” nào đó, có thể vì anh ta uống thuốc Tiphi vỉ màu đỏ nhằm “làm phép” khiến kết quả sai luôn, “âm tính” với ma túy(?!). Đến lúc Trung bị lừa đi xét nghiệm nước tiểu rồi đưa thẳng vào trại cai nghiện, vào đó, người ta lại xét nghiệm và kết quả lại âm tính. Lúc đó, cũng không ai cho Trung ra khỏi trại nữa.

Quy trình “bắt” Trung cũng vô cùng kỳ lạ (như họ thú nhận): Ông phó công an - người trực tiếp làm hồ sơ, quản lý Trung - biết rõ hồ sơ của Trung đã cũ, đã không phản ánh đúng quá trình cai nghiện thành công của Trung, ông này đã bảo với công an huyện, phòng LĐTBXH huyện, là hủy hồ sơ đó đi. Nhưng họ vì chỉ tiêu nên cứ “bắt”, việc bắt cũng không báo cho ông Trường biết, và khi vợ Trung lên “kêu cầu” thì ông này tỏ ra rất ngạc nhiên, rất ái ngại cho Trung. Đúng là những kẽ hở chết người!

Trường hợp của Nguyễn Hữu Nam thì còn bi hài hơn. Suốt từ năm 2006, khi vào trại cai lần đầu, đã 7 năm trôi qua, Nam chưa từng được ai đưa đi xét nghiệm, hỏi han hay yêu cầu ký vào một văn bản nào để... chứng minh là Nam còn nghiện hay đã hết nghiện. Đến lúc bị bắt vào trại, thì được họ đọc cho nghe việc mình có ký vào văn bản nói là mình có nghiện..., văn bản đó ký vào năm 2013, Nam mới tá hỏa: “Làm gì có chuyện đó, chặt đầu em ngay bây giờ, em vẫn khẳng định em chưa từng ký vào văn bản đó. Đó là văn bản giả tạo. Em cai được rồi. Việc em cai, cán bộ cơ sở biết, Phó Chủ tịch UBND xã Phấn Mễ (anh Đông) còn đến nhà cho cân đường hộp sữa. Chi cục trưởng Phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh còn dẫn cán bộ, đoàn nhà báo của truyền hình VTC đến phỏng vấn, quay phim”.

Vậy là Nam cai nghiện như một “hình mẫu”, quá nhiều người biết. Thế nhưng khi chúng tôi hỏi Trưởng Công an xã Phấn Mễ, thì anh công nhận Nam đã vào trại, xét nghiệm “âm tính” với ma túy, công nhận khi bắt Nam đi, không ai xét nghiệm để xem “trắng đen” thế nào cả. Còn việc Nam đã cai nghiện thành công, thì ông trưởng công an cãi: “Nam cai được sao nó không báo cho chúng tôi. Chúng tôi làm theo quyết định của huyện thôi. Cứ gọi lên và đưa vào trại”. Chúng tôi muốn xem hồ sơ thì ai cũng giấu giếm một cách kỳ lạ. Cán bộ tỉnh vào “móc” hồ sơ ra thì mới vỡ lẽ: Chữ ký của Nam trong biên bản lời khai là chữ ký phôtô ở đâu đó “đính” vào!

Câu hỏi đặt ra là: Vì sao có những kẽ hở “kinh dị” đó? Vì sự quan liêu, vô cảm, sự coi thường quyền, danh dự, nhân phẩm người dân của một bộ phận cán bộ? Vì sao các ông/ bà chủ tịch UBND các huyện ký vào quyết định đưa Nam, Trung và các đối tượng oan sai khác đi cai nghiện? Bản chất câu chuyện ở đây không phải là sự sơ suất trong thủ tục, càng không phải là sự trả thù cá nhân của ai đó với ai đó, mà là một “trào lưu”: Bắt người cho đủ chỉ tiêu! Vì sao có chỉ tiêu đó? Có phải vì lượng tiền rót về cho các hoạt đồng liên quan đến cai nghiện cần giải ngân? Vì số lượng cán bộ ở các trại đó cần có đủ việc làm? Vì hệ thống những người làm hồ sơ, tư vấn, “xét duyệt”, đưa người vào trại cũng đều có quyền lợi ở đó? Đặc biệt, khi họ gây hậu quả tai hại cho tinh thần và vật chất, danh dự và nhân phẩm của người khác, họ có bị xử lý bằng một phiên tòa, có phải bồi thường gì không?

Còn nữa hàng loạt các cuộc đối thoại đau lòng với bà con và cán bộ hữu trách. Và chúng tôi sẽ sớm trở lại với câu chuyện này, khi có phản ứng, có câu trả lời chính thức về vụ việc, từ phía cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/phong-su/tuy-tien-bat-nguoi-vao-trai-cai-nghien-ky-cuoi-nhung-ke-ho-chet-nguoi-174993.bld