Tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Diệp Minh Châu

Những ngày tháng 9 mùa thu cách mạng, kỷ niệm 40 năm Di chúc Bác Hồ, chúng ta không thể quên nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn và nhà điêu khắc Diệp Minh Châu, hai người mà thời trẻ và những ngày cuối đời sống tại Sài Gòn-TPHCM, cả hai đều rất nổi tiếng và để lại những tác phẩm được khắc ghi về Bác Hồ.

Nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn, người quay những thước phim đời thường, sinh động nhất và Bác Hồ, đây đó có nhắc, còn nhà điêu khắc Diệp Minh Châu dường như quá ít? Có thể khẳng định Diệp Minh Châu là nghệ sĩ suốt cuộc đời sáng tác và thành công nhất của ông là hình tượng nghệ thuật Bác Hồ. GS Trần Văn Giàu nhận xét: “Diệp Minh Châu có diễm phúc ở gần Cụ Hồ một thời gian dài trên núi rừng Việt Bắc, nghiên cứu rất kỹ diện mạo và tâm hồn của Người lãnh đạo cách mạng và kháng chiến Việt Nam. Diệp Minh Châu là người gần 50 năm dài tập trung trí tuệ, tài ba, tâm huyết cho đề tài chủ yếu của cuộc đời mình: Bác Hồ”. GS Trần Văn Giàu còn đánh giá: “Bức tượng Bác Hồ của Diệp Minh Châu hoàn thành trong năm kỷ niệm Cụ Hồ tròn 100 tuổi là tác phẩm đạt nhất của tác giả, là một bài trường ca giàu triết lý, là sự thể hiện một cách báo hiếu báo trung, là tiếng hát thiên nga”. Tại nhà lưu niệm Diệp Minh Châu, vợ con ông vẫn trưng bày các tác phẩm của Diệp Minh Châu về Bác Hồ. Ngay từ năm 1947 từ bưng biền Đồng Tháp Mười, Nam bộ, Diệp Minh Châu đã có tác phẩm “Bác Hồ và thiếu nhi Trung Nam Bắc” vẽ bằng máu mình. Diệp Minh Châu gửi bức tranh này ra chiến khu Việt Bắc kèm theo thư gửi Bác Hồ: “Con trân trọng gởi bức họa bằng máu của con đây lên Cha Già để tỏ lòng biết ơn Cha đã giải phóng cho nghệ thuật của con, để tạo cho thể xác và linh hồn con thành lợi khí đấu tranh cho cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc”. Đáng tiếc tác phẩm Bác Hồ sáng tác nhân 100 năm sinh nhật Người, bức tượng Bác Hồ lớn nhất thời đó và là tượng bán thân Bác Hồ lớn nhất Việt Nam hiện nay… vẫn không ai hay biết được gìn giữ ở đâu và bao giờ mới được dựng? Bức tượng Bác Hồ của Diệp Minh Châu được tạc từ đá hoa cương do tỉnh Phú Khánh (Khánh Hòa và Phú Yên) chuyển tặng. Tượng cao 8m, nặng 180 tấn, được Diệp Minh Châu cùng các thợ tạc đá giỏi hoàn thành (số tiền nhuận bút trên dưới 1 tỷ đồng Việt Nam thời đó). Bước đầu tượng đặt tại khuôn viên Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM, đường Phó Đức Chính, Q1. Sau một thời gian tượng được chuyển về đường Tô Hiến Thành, Q10… Và đến bây giờ, sau gần 20 năm, bức tượng vĩ đại Bác Hồ của nhà điêu Khắc Diệp Minh Châu chưa được dựng cho thỏa lòng danh họa và công chúng TPHCM. Báo chí nước ngoài, trong đó có tờ báo Newsweek, Mỹ, có đưa tin và ảnh về sự hoang phí, lãng quên này. Thiết nghĩ, TPHCM đang từng ngày dựng xây và phát triển, việc nhớ và tìm nơi dựng tượng Bác Hồ là điều cần thực hiện VŨ ÂN THY

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/9/202612/