Tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an

TTO - Bước qua ngày thứ hai của ngày hội tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp, các khu vực tư vấn theo nhóm ngành lại tiếp tục nóng lên với các thắc mắc của học sinh.

Dưới đây là nội dung tư vấn chuyên sâu nhóm ngành Khoa học xã hội - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an.

Khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội - sư phạm – ngoại ngữ - báo chí – quân đội – công an - Ảnh: Tiến Thành

Mở đầu buổi tư vấn tại Nhóm ngành khoa học xã hội - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an... TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM cùng trò chuyện với các bạn học sinh những thông tin mới nhất về tuyển sinh năm nay. Đồng thời hướng dẫn thí sinh cách trắc nghiệm về năng lực cũng như chọn ngành học vừa sức tại ngày hội.

TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM chia sẻ: “Khi tham gia các chương trình tư vấn điều chúng tôi băn khoăn nhiều nhất là sự lựa chọn ngành nghề của các bạn trẻ vẫn chưa chắc. Hiện rất nhiều bạn trẻ không hình dung rõ được một ngành nghề, áp lực của nghề nghiệp… mà chỉ chạy theo đám đông.”

Thầy Hạ khuyên các bạn trẻ xác định được sở thích của mình và dựa vào năng lực thực của mình để chọn nghề. Hãy thận trọng và cân nhắc thật kỹ để chọn một ngành nghề phù hợp.

* Ngành tâm lý ở Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM khác với Trường ĐH Sư phạm ra sao? Học ngành tâm lý có được đi thực tập không?

* Ngành quan hệ quốc tế học những kiến thức gì? Cơ hội việc làm của ngành này ra sao?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Đây là ngành học hot của Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM. Nhiều năm qua điểm chuẩn trúng tuyển luôn ở top đầu, sau ngành báo chí… Ngành này đòi hỏi kiến thức về ngoại ngữ rất cao. Cơ hội việc làm của sinh viên ngành này theo khảo sát của chúng tôi là 100% sinh viên có việc làm sau khi ra trường.

* Xin tư vấn cho em về ngành báo chí truyền thông. Cơ hội việc làm của ngành này hiện nay ra sao?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Ngành Báo chí - Truyền thông gồm hai lĩnh vực riêng biệt là lĩnh vực báo chí và lĩnh vực truyền thông, nhưng chúng có quan hệ rất chặt chẽ với nhau. Học ngành này, bạn có cơ hội để thử sức trong khá nhiều nghề nghiệp khác nhau và nghề nào cũng hết sức thú vị và năng động.

Ngoài học làm báo, học ngành Báo chí - Truyền thông, bạn còn cả một lĩnh vực “truyền thông” rộng mênh mông để thử sức. Ví dụ, bạn có thể trở thành một nhân viên quan hệ công chúng (PR), với biết bao nhiệm vụ thú vị như xây dựng thương hiệu; lập kế hoạch truyền thông; quan hệ với báo giới; tổ chức sự kiện; làm việc với các nhóm công chúng đặc thù... Bạn cũng có thể làm việc trong ngành quảng cáo – một nghề nghiệp vừa khó, vừa vô cùng hấp dẫn.

Tốt nghiệp ngành Báo chí - Truyền thông, bạn còn có thể làm nhiều nghề khác. Chẳng hạn, bạn có thể làm biên tập viên tại các nhà xuất bản, nhân viên quảng cáo, nhân viên marketing, nhân viên phát hành… Bạn cũng có thể trở thành nhà nghiên cứu báo chí - truyền thông tại các trường đại học, các viện nghiên cứu, hoặc làm việc cho các cơ quan quản lý báo chí từ trung ương tới địa phương.

Tuy nhiên, các em cần biết rằng nghề báo chí rất nhiều áp lực, đòi hỏi phải có năng khiếu, sức khỏe tốt. Không phải tất các người làm báo đều tốt nghiệp ngành báo chí, những sinh viên tốt nghiệp các ngành học khác vẫn có thể làm báo được.

* Học luật hình sự có thể chuyển sang làm cảnh sát hình sự không?

- ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM: Sau khi tốt nghiệp Trường ĐH Luật TP.HCM bạn sẽ được cấp bằng cử nhân luật. Với tấm bằng này bạn có thể xin làm ở các cơ quan công an nếu họ có nhu cầu tuyển dụng. Tuy nhiên khi tuyển dụng các cơ quan công an vẫn xét đến các yếu tố về sức khỏe, lý lịch…

- ThS thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an): Để trở thành chiến sĩ cảnh sát hình sự không đơn giảng là học luật hình sự ra có thể làm được ngành. Ngành này đòi hỏi rất nhiều chuyên môn nghiệp vụ rất phức tạp để đủ sức đối phó với các loại tội phạm.

* Áp lực trong ngành luật có cao không? Khả năng giao tiếp có ảnh hưởng gì khi làm việc ngành luật? Khi học luật sau 4 năm nhưng không đủ điều kiện về ngoại ngữ em có thể tốt nghiệp không?

* ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM: học ngành luật sinh viên sẽ được trang bị những kiến thức về pháp luật. Nếu các bạn có thêm các kỹ năng mềm sẽ rất thuận lợi trong quá trình làm việc. Nhà trường có quy định chuẩn đầu ra về ngoại ngữ và sinh viên phải đạt điều kiện này mới được tốt nghiệp.

- ThS thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an): Các bạn nữ hiện chiếm 30% trong các trường cảnh sát. Trúng tuyển vào trường các bạn nữ sẽ được ở ký túc xá riêng. Nếu bạn đủ các điều kiện về sức khỏe mới được trúng tuyển vì vậy bạn yên tâm khi học ngành này và sẽ đủ sức chịu đựng được các áp lực của ngành học.

* Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM đào tạo ngành tiếng Anh khác với các trường khác ra sao? Sau khi tốt nghiệp ngành ngữ văn Anh em có thể xin việc gì?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Đây là ngành học có truyền thống lâu đời của Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM và là thế mạnh của nhà trường. Học ngành này có thể làm biên phiên dịch, nghiên cứu văn học Anh - Mỹ và có thể làm việc trong các lĩnh vực nghiên cứu, cơ quan của nước ngoài và đi dạy. Nhiều bạn học ngành này để có đủ trình độ tiếng Anh du học nước ngoài ở bậc học cao học…

Một học sinh nữ đặt câu hỏi với ban tư vấn về mức điểm thi vào ngành công an - Ảnh: Tiến Thành

* Em có bố làm trong ngành công an và bố hướng em học ngành công an. Em tìm hiểu thấy ngành cảnh sát có điểm chuẩn rất cao trong khi sức học của em không tốt lắm. Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy điểm chuẩn ra sao?

- ThS thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an): Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy có điểm chuẩn ngành thấp nhất là 14 điểm. Nhà trường không chỉ đào tạo cảnh sát phòng cháy chữa cháy và còn nhiều ngành học khác nhau, trong đó hệ dân sự đào tạo kỹ sư an toàn phòng cháy. Học những ngành này ra trường làm việc lương rất cao.

Tốt nghiệp Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy ra trường làm việc ở các thành phố lớn, không phải về vùng sâu, vùng xa…

* Ngành văn hóa học học những kiến thức gì? Em học trong thời gian bao lâu để có thể học bằng hai về ngành truyền thông? Sau khi học xong ngành này em có thể học cao học báo chí không?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Đây là ngành học mới của trường. Ngành học này trang bị những kiến thức về văn hóa trong và ngoài nước để khi ra trường em có thể làm việc trong các cơ quan văn hóa, truyền thông. Học ngành này ra trường vẫn có thể làm báo được. Nếu em muốn lấy bằng hai ngành truyền thông em học trong thời gian 2,5 năm nữa. Về việc học cao học ngành báo chí, em cần bổ sung thêm một số môn và có thể dự thi.

* Ngành quản trị luật dạy những kiến thức gì? Sau khi ra trường làm việc ở đâu?

- ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM: Ngành quản trị luật hiện chỉ có Trường ĐH Luật TP.HCM đào tạo. Ngành này đào tạo khối kiến thức song ngành kiến thức của một cử nhân kinh tế , đồng thời kiến thức cử nhân luật. Thời gian đào tạo ngành này là 5 năm. Khi ra trường các bạn có thể làm việc trên cả hai lĩnh vực này và có nhiều lợi thế.

* Ngành Hàn Quốc và Nhật Bản đào tạo những kiến thức gì? Cơ hội việc làm ra sao?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Ngành Hàn Quốc học và Nhật Bản học trang bị kiến thức về tiếng. Học xong ngành này có em co thể sử dụng được tiếng của những nước này. Bên cạnh đó, em còn được đào tạo kiến thức nền về kinh tế, văn hóa, chính trị… của các nước này. Những sinh viên giỏi có thể được du học ở các nước này và có nhiều cơ hội việc làm tốt. Cơ hội việc làm rất cao , sinh viên sau khi tốt nghiệp 3 tháng là có thể kiếm được việc làm.

* Học các trường ĐH cảnh sát ra trường làm việc ở đâu? Sinh viên có được đi nước ngoài để học tiếp?

- ThS thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an): Sinh viên tốt nghiệp từ các cảnh sát, an ninh sẽ được Bộ Công an phân công đơn vị công tác. Thông thường, khoảng 90% sinh viên về nhận công tác tại địa phương mình sinh sống. Hiện nay, cơ hội học nước ngoài của sinh viên các trường cảnh sát rất cao. Những sinh viên tốt nghiệp tốp 10 có thể đi học nước ngoài.

Các bạn học sinh chăm chú ghi chép, lắng nghe các thông tin tư vấn tuyển sinh - Ảnh: Tiến Thành

* Em thích làm công tác xã hội nên muốn thi vào trường nào có đào tạo ngành này. Học ngành này em sẽ được học những gì? Ngành này thi tuyển khối nào?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Ngành công tác xã hội đào tạo sinh viên có khả năng cung ứng dịch vụ xã hội cho cá nhân (thuộc mọi lứa tuổi) và gia đình để họ tự khắc phục khó khăn qua tư vấn hoặc giới thiệu đến các cơ sở chuyên môn khác (trong lĩnh vực tâm lý, xã hội, giáo dục, sức khỏe, kinh tế...).

Xây dựng, xúc tác các nhóm tự nguyện nhằm mục đích trị liệu, xã hội hóa hay hành động giải quyết các vấn đề xã hội (giáo dục trẻ em bình thường, trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn...).

Phát hiện các vấn đề cũng như tiềm năng ở cộng đồng, huy động và liên kết người dân trong cộng đồng để giải quyết các vấn đề này. Tham gia hay điều hành các dự án phát triển (xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tín dụng tiết kiệm...).

Làm công tác quản lý nhân sự, công tác xã hội ở cơ quan, xí nghiệp. Tự mình hay tham gia nghiên cứu các vấn đề xã hội. Giảng dạy hay trợ lý giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành công tác xã hội tại thực địa cho cán bộ xã hội bậc CĐ, trung sơ cấp.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các tổ chức chính trị xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, cơ quan bảo vệ chăm sóc bà mẹ trẻ em, trung tâm tư vấn tình yêu hôn gia đình, các tổ chức từ thiện... hoặc làm việc ở các bộ phận nhân sự, tâm lý lao động.

Danh sách ban tư vấn

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM

- ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM

- ThS Thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an).

- TS Lê Thị Thanh Mai, trưởng ban công tác sinh viên ĐHQG TP.HCM

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM

- ThS Lê Văn Hiển, phó phòng đào tạo ĐH Luật TP.HCM

- ThS Thiếu tá Trần Văn Đồng, phó trưởng phòng xây dựng lực lượng Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an).

Nguồn Tuổi Trẻ: http://tuoitre.vn/tuyensinh/tuyen-sinh/477233/tu-van-nhom-nganh-khoa-hoc-xa-hoi---su-pham---ngoai-ngu---bao-chi---quan-doi---cong-an.html