Tư lệnh của những người lính chiến giữa thời bình

(PL&XH) - Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Đúng vậy, sau khi cùng với các cánh quân giải phóng Sài Gòn, binh đoàn thực hiện nhiệm vụ tiếp tục truy quét tàn quân Phulro.

PV: Thưa thiếu tướng Nguyễn Đức Hải , binh đoàn Tây Nguyên được thành lập ngày 26-3-1975, tính đến nay là 36 năm, nhưng hình như truyền thống của bình đoàn dài hơn rất nhiều ? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Lịch sử xây dựng chiến đấu, huấn luyện trưởng thành của Binh đoàn Tây Nguyên có thể nói có một chiều dài lịch sử. Bản thân các đơn vị của Binh đoàn được hình thành từ thời kháng chiến chống Pháp như đoàn quân Tây tiến, đoàn Thăng Long, đoàn Đồng Bằng, đoàn Trung Dũng. Trong kháng chiến chống Mỹ nhiều đơn vị lập các chiến công rất vang dội như đoàn Pleime, đoàn Đắc- tô. Binh đoàn Tây Nguyên có rất nhiều đơn vị có bề dày lịch sử như đoàn Kinh Thầy đã từng tham gia chiến đấu, giúp các bạn Lào, rồi các đơn vị như đoàn Sơn Lâm, đoàn H34... Hay các đơn vị có lịch sử rất hào hùng như đoàn H40 đã tham gia cùng với các lực lượng trên chiến trường Tây Nguyên, mở màn các chiến dịch Sa thầy, Đắc tô 1, Đắc tô 2, rồi các trận đánh mở màn cho chiến dịch Buôn ma thuột để mở màn cho chiến dịch HCM sau này. Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải tham gia tập trận cùng chiến sĩ. PV: Vâng, ông vừa nhắc đến trung đoàn Pleime, chúng tôi được biết tên trung đoàn gắn liền với chiến thắng của chiến dịch Pleime - trận đầu trên chiến trường đánh Mỹ. Và với chiến thắng này LLVTND Tây Nguyên đã được Quân ủy trung ương và Bộ Tổng tư lệnh tặng 2 huân chương Quân công hạng nhất, với bức điện của đại tướng Nguyễn Chí Thanh: "Do không có huân chương nào cao hơn Huân chương Quân công hạng nhất, nhưng để xứng đáng với chiến thắng Pleime nên tặng chiến thắng này 2 Huân chương Quân công hạng nhất". Chúng tôi đã thấy bức điện này được trưng bày tại Bảo tàng binh đoàn. - một sự ghi công rất độc đáo. Tư lệnh binh đoàn Tây Nguyên - Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải. Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải (cười) Vâng, tiếp theo chiến thắng Pleime binh đoàn đã mở một loạt các chiến dịch Bu Prăng - Đức Lập, Đăk Xiêng, Ngọc Tô Ba - Ngọc Rinh Rua, rồi Đắc Tô - Tân Cảnh. Cuối năm 1975, đáp ứng yêu cầu tác chiến của cách mạng thì quân ủy Trung ương có chủ trương hình thành các binh đoàn chủ lực, có sức mạnh đột kích lớn và tập trung sức mạnh để mở những trận đánh, những chiến dịch lớn có ý nghĩa quyết định giải phóng các chiến trường. Cùng với các đơn vị bạn binh đoàn Tây Nguyên cũng là một trong những đơn vị vinh dự được thành lập ngày 26-3-1976 và cũng là một trong những đơn vị được tham gia mở màn chiến dịch lịch sử Tây Nguyên. Tiếp sau hàng loạt trận đánh lớn khác, các đơn vị chủ lực của binh đoàn Tây Nguyên nhận được lệnh thần tốc cùng các đơn vị bạn, là một trong 5 cánh quân đánh vào Tây bắc Sài Gòn, đánh chiếm căn cứ địa Củ Chi, rồi sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu Ngụy, góp phần cùng với các đơn vị bạn giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất nước nhà. PV: Khi đọc lại lịch sử binh đoàn, chúng tôi có cảm nhận là binh đoàn luôn cơ động chiến đấu ? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Đúng vậy, sau khi cùng với các cánh quân giải phóng Sài Gòn, binh đoàn thực hiện nhiệm vụ tiếp tục truy quét tàn quân Phulro. Ngay sau đó, thực hiện nhiệm vụ đáp ứng nguyện vọng của nhân dân Campuchia, binh đoàn đã thần tốc cơ động lên đường giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi cảnh diệt chủng. Đất nước hòa bình chưa bao lâu đã lại vang tiếng súng, năm 1979 binh đoàn lại tiếp tục cơ động ra bảo vệ biên giới phía Bắc. Chúng tôi, các thế hệ sau này cũng hết sức tự hào với chiến công của các thế hệ cha anh mình, những tấm gương mà chúng tôi thấy dấu ấn suốt đời như là cố thượng tướng Hoàng Minh Thảo hay tư lệnh đầu tiên của binh đoàn là thiếu tướng Vũ Lăng. Rồi đại tướng Phùng Quang Thanh, thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, Khuất Duy Tiến… những cán bộ đã từng lăn lộn trên chiến trường góp phần quan trọng trong chiến công của binh đoàn. PV: Năm 1987 Binh đoàn nhận lệnh quay trở lại Tây Nguyên khi đất nước đã hòa bình, vậy nhiệm vụ mới của những người lính binh đoàn là gì, thưa Tư lệnh? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Nhiệm vụ mới thời kì xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng đặt trên vai người chiến sỹ binh đoàn Tây Nguyên hết sức nặng nề, là phải tiếp tục xây dựng một tập thể có khả năng chiến đấu, khả năng cơ động để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống. Ngoài ra, chúng tôi còn có một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phối hợp cùng với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các LLVT địa phương trên địa bàn Tây Nguyên để xây dựng một thế trận lòng dân. Chúng tôi ý thức một vấn đề là trong chiến tranh binh đoàn đã được nhân dân Tây Nguyên cưu mang đùm bọc thì bây giờ cán bộ chiến sỹ binh đoàn cần nhận thức sâu sắc hơn nữa trong việc cùng với Đảng bộ chính quyền, nhân dân, các LLVT giữ vững an ninh trên địa bàn, và giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, kinh tế, ổn định và phát triển đời sống. PV:Thưa thiếu tướng chúng tôi gặp rất nhiều người dân khi nhắc lại trận lũ lịch sử năm 2009 rất nhiều bà con đã nói nếu như không có binh đoàn Tây Nguyên đặc biệt là đoàn Hùng Vương thì con số thiệt hại về người và của còn tăng hơn rất nhiều? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Đúng vậy, cơn lũ này theo bà con kể lại là cơn lũ lịch sử hơn trăm năm chưa thấy xuất hiện trên địa bàn Tây Nguyên và miền Trung. Ví dụ như ở khu vực cầu Đắc Ruồng tỉnh Kontum, cầu hơn 100 m lũ cuốn trôi hết và cô lập toàn bộ các địa phương. Sau khi nắm được tình hình, theo yêu cầu của địa phương chúng tôi đã tổ chức lực lượng, chỉ huy phương tiện như xe chiến đấu PTS để tham gia cứu dân, đây là loại xe chuyên dụng dùng để chở xe tăng vượt sông.. Nếu sử dụng các phương tiện thông thường thì không thể cứu được dân, bởi chỉ cần ra cách bờ một hai mét là xuồng sẽ bị lật ngay vì lũ rừng cuồn cuộn. Xác định ra cứu dân lúc ấy có thể hy sinh đến tính mạng nhưng tất cả cán bộ chiến sỹ binh đoàn đều ý thức phải cứu bằng được nhân dân trong cơn hoạn nạn.. Cũng trong đợt lũ ấy, khi nhận được yêu cầu của nước bạn chúng tôi cùng với tất cả các LLVT của tỉnh Gia Lai, quân khu V lại cơ động sang cứu được gần 800 người dân ở huyên Ura-đao, tỉnh Natakiri của Campuchia. Hôm sau chúng tôi nhận được điện thông báo của thủ tướng Campchia cảm ơn QĐNDVN. Khi lũ rút rồi thì một việc hết sức nặng nề là giải quyết hậu quả của lũ lụt, nhà cửa trôi hết, bùn lên hàng mét, có những gia đình quay về nhà cửa không còn, vườn tược thì mất hết, chúng tôi lại cơ động giúp dân. Môi trường sau lũ trâu, bò chết ô nhiễm bà con đâu có làm nổi, bộ đội mình lại phải đi vào đó để xử lý môi trường. Có thể nói việc làm ấy cũng hết sức thiết thực, bà con hết sức tin tưởng bộ đội PV: Gắn bó với binh đoàn từ năm 1988 đến nay, Tư lệnh thấy khó khăn nhất hiện nay của binh đoàn Tây Nguyên là gì? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải : Vì binh đoàn cũng là một bộ phận của xã hội, cho nên tất cả những tác động của xã hội cũng ảnh hưởng vào trong quân ngũ. Con em của chúng ta là những thanh niên mới trưởng thành vừa rời ghế nhà trường, những ngày đầu nhập ngũ vẫn còn giữ những tác phong, lối sống, nhận thức mà xã hội có, cho nên chúng tôi phải nghiên cứu phương pháp giáo dục, phân loại, phân nhóm giúp anh em từng bước làm quen với môi trường quân đội. Và cũng phải xử lý vấn đề hậu phương quân đội, bởi cán bộ, chiến sỹ có nhiều thiệt thòi, xa nhà hoặc nhiều đồng chí sỹ quan trẻ khi ra trường về đơn vị .Với một môi trường như thế này thì thời gian yêu đương, tìm hiểu rất là khó khăn, đây là một vấn đề đặt ra lãnh đạo các cấp phải tính toán. Chúng tôi vừa rồi thực hiện biện pháp như đồng chí Bộ trưởng đã chỉ đạo, một năm ngoài chế độ nghỉ phép của sỹ quan, của quân nhân, đây là phép tiêu chuẩn, chúng tôi giải quyết thêm phép tranh thủ cho anh em. Có những trường hợp gia đình khó khăn đột xuất thì cũng linh động giải quyết cho anh em về để có điều kiện giúp đỡ gia đình. PV: Vậy thưa ông hiện nay trong binh đoàn có bao nhiêu phần trăm các sỹ quan trẻ chưa lập gia đình ? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Hiện nay phải đến 70%. PV: Tư lệnh đã có một gải pháp nào chưa ? Có khó lắm không? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Thực hiện cái này cũng là bài toán khó, bởi vì chế độ của quân đội nếu làm đầy đủ là suốt từ sáng đến tối, phải bám bộ đội phải theo bộ đội. Nhưng chúng tôi cũng tạo điều kiện cho các sỹ quan trẻ, khi mà có những ngày nghỉ, những đợt hành quân dã ngoại, hay những đêm giao lưu, tổ chức kết nghĩa với các tổ chức đoàn thể, thanh niên, phụ nữ địa phương. Những giải pháp đó được xử lý hài hòa giữa cái chung và cái riêng, cho nên đến thời điểm này binh đoàn chưa có đồng chí nào ế vợ cả (cười) PV: Một vấn đề tưởng chừng đơn giản nhưng nếu giải quyết không tốt thì cũng ảnh hưởng rất nhiều bởi vì phần tình cảm, hậu phương không được ổn thỏa thì người lính không thể yên tâm công tác được đúng không ạ? Xin hỏi ông trong ngần ấy năm công tác thời gian ông dành cho gia đình riêng của ông như thế nào? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Cho đến thời điểm này hơn 12 năm tôi chưa biết nghỉ phép là gì, kể cả ngày tết cũng hiếm khi có thời gian, bởi vì những ngày nghỉ, ngày tết, ngày lễ tết tôi phải có mặt ở đơn vị, theo dõi tình hình để trực sẵn sàng chiến đấu. Cho nên cũng là một trong những cái thiệt thòi, nhưng được cái hậu phương rất là tin tưởng. PV: Ông có phải làm công tác dân vận với "hậu phương" nhiều không ạ? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải (cười) Tôi vẫn nói đùa với bà nhà tôi rằng nhà nước có phong danh hiệu ba đảm đang nhưng nếu có 10 đảm đang mình cũng trao hết cho vợ. Các phụ nữ của các sỹ quan phần lớn rất chịu khó, chịu khổ và cũng có thể nói là hết sức can đảm, mới chia sẻ trách nhiệm với người chồng hiện đang phải xa nhà công tác trong quân ngũ. Vì chúng tôi thì ở xa, mà ở nhà biết bao nhiêu việc. Không chỉ động viên chồng mà những người vợ lính còn giải quyết một khối lượng lớn công việc, bà con, họ hàng, anh em, con cái. Cho đến bây giờ tôi cũng không biết ngày khai giảng của con từ ngày nó đi học là như thế nào. Đấy cũng là một thiệt thòi, không chỉ của riêng tôi mà rất nhiều anh em cũng có những thiệt thòi nhất định. Chúng tôi luôn tự hào vì mình có một hậu phương lớn, sự thiệt thòi có người gánh vác cho mình để mình yên tâm hơn. PV: Và nếu như để nói một câu thật ngắn gọn về binh đoàn Tây nguyên cũng như mảnh đất Tây nguyên thì Tư lệnh sẽ nói gì ạ? Thiếu tướng Nguyễn Đức Hải: Những người lính binh đoàn Tây Nguyên trong chiến tranh đã từng gắn kết với nhau từ những viên thuốc, sống và lớn lên từ những củ mì, từ củ măng rừng. Đồng đội những ai đã từng trải qua những năm tháng ở Tây Nguyên thì đều lưu truyền cho nhau, đúc kết thành câu thơ: "Tây Nguyên ơi, ai đã một lần qua đó. Suốt cuộc đời nghĩ lại vẫn thương nhau." Thực sự hai câu thơ này đã kết tinh tình cảm đồng đội, tình quân dân Tây Nguyên. Vĩnh Quyên

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20110429084124929p1001c1015/tu-lenh-cua-nhung-nguoi-linh-chien-giua-thoi-binh.htm