Tự khởi nghiệp (2)

Kỳ cuối: Thạc sĩ "tay lấm vàng"

(Cadn.com.vn) - Có người đã mắng anh là "thằng khùng" khi có được công việc khá ổn, là giảng viên một trường CĐ tại TPHCM bỗng dứt bỏ để quay về mảnh đất nghèo Quảng Trị đi bán rong cao lá vằng và trồng nghệ làm tinh bột, sản phẩm thanh lọc cơ thể. Thế nhưng, chỉ sau gần 4 năm, dự án tưởng rất "trời ơi" ấy lại lan tỏa, anh đã gây dựng cả một vùng chuyên canh trồng nghệ và sản phẩm được người tiêu dùng khắp nơi trong cả nước tin chuộng.

Chúng tôi ngược lên vùng Cùa để gặp anh chàng đặc biệt Trần Minh Đức (1982) tại xã Cam Nghĩa, H. Cam Lộ. Nếu như giám đốc Thắng phải bươn chải đủ nghề do thiếu việc thì Đức hoàn toàn khác. Tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Huế ngành Giáo dục công dân, Đức về dạy học tại một trường CĐ ở Quảng Nam. Rồi Đức tiếp tục học Thạc sĩ ngành Kinh tế chính trị và vào làm giảng viên một trường CĐ ở TPHCM. Những lần về thăm nhà, Đức đều không quên mang quà quê là cao lá vằng vào tặng người quen ở TPHCM. Bất ngờ nhận ra sản vật quê hương có sức hút kỳ lạ, Đức quyết định bỏ nghề dạy học về quê trong sự ngỡ ngàng của nhiều người, trong đó "choáng" nhất là bố mẹ Đức. "Con làm rứa thì mấy đứa em con nhụt chí học hành hết", bố Đức cố khuyên con trai trở lại trường nhưng chỉ nhận lại sự im lặng.

Đức luôn tự tin trước sự "đảo nghề" của chính mình.

Nhà nghèo và cũng chưa tích lũy được tiền bạc, Đức khởi nghiệp kinh doanh bằng việc bán hàng rong cao lá vằng. Mỗi ngày, Đức lấy hàng ở Cùa rồi rong ruổi trên nhiều địa bàn Quảng Trị giao bán. "Buổi đầu không quen nhưng tôi vẫn cứ thấy đam mê với việc buôn bán như thế", Đức nhớ lại. Một hôm, có bà hàng xóm trồng được ít nghệ vàng, xay và lọc thành tinh bột nhờ Đức bán giúp. Ngày đó, Đức tập trung giới thiệu sản phẩm bột nghệ của người hàng xóm mà quên mất hàng của mình. "Tôi đưa tiền về cho bà hàng xóm, nhiều hơn bà ấy nghĩ nên bà ấy rất vui khiến tôi cũng lâng lâng. Nhưng cũng từ hôm đó tôi chợt nảy đến việc chuyển kinh doanh mặt hàng tinh bột nghệ vàng", Đức kể. "Thổ nhưỡng tại vùng Cùa rất đặc biệt nên nông sản cũng lạ so với các vùng. Đặc biệt, nghệ vàng tại đây rất chất lượng, giá cao hơn hẳn các vùng khác. Nhưng bà con chỉ mới trồng nhỏ lẻ, "quăng" giống cho khỏi trống vườn thôi", Đức cho biết.

Không chần chừ với dự án đang mở ra cho Đức niềm hứng khởi bất tận, anh bắt đầu mua giống về trồng phủ trên toàn bộ diện tích đất nhà mình. Khi thấy Đức chăm sóc vườn nghệ nhiều người còn đùa: "Mi cứ thả rứa, đến kỳ đào lấy củ chứ cắc cớ chi mà chăm như chăm con mọn rứa Đức". "Họ là nông dân, kinh nghiệm lâu năm, họ không có gì sai nhưng tôi đang trồng để kinh doanh, tôi muốn củ nhiều bột và chất lượng thì hẳn nhiên không thể thả rứa được", Đức giải bày. Tám tháng đợi thu hoạch nghệ mùa đầu tiên, Đức vẫn miệt mài với việc bán hàng rong cao lá vằng để "lấy ngắn nuôi dài". Xay mẻ nghệ đầu tiên, tự lọc và tinh chế, Đức càng cuốn vào đó. Những cân tinh bột nghệ vàng mịn được Đức đưa thẳng vào TP Huế. " Tôi muốn giới thiệu đến thầy cô của mình, và nhận được sự ủng hộ. Chính sự tin tưởng của thầy cô đã tiếp sức cho tôi", chàng thạc sĩ tiết lộ. Từ kết quả này, Đức vận động bà con trong thôn, trong xã trồng nghệ để cung cấp nguyên liệu cho mình. Chính Đức nghiên cứu, tìm tòi để hỗ trợ kỹ thuật cho họ. Đến thời điểm này, đi từ đầu xã Cam Nghĩa đến tận sâu những thôn xóm đều thấy bạt ngàn là nghệ.

Mở rộng kinh doanh, lúc thiếu nguyên liệu, Đức mua thêm từ Đắc Lắc ra để duy trì hoạt động. Có nguyên liệu thì mỗi ngày cơ sở của Đức xay, lọc khoảng 5 tạ nghệ tươi. Nghệ là cây thuốc quý được đánh giá cao trong số vô vàn các cây thuốc cổ truyền. Tinh bột nghệ được sản xuất đạt tiêu chuẩn sạch, không sử dụng hóa chất và đúng quy trình nên giữ được màu vàng tự nhiên. Với những kiến thức đã học, tự nghiên cứu, Đức đã đưa sản phẩm của mình đến 10 điểm bán lẻ trong toàn quốc. Anh Trần Minh Thạnh, một cán bộ trẻ của xã Cam Nghĩa hào hứng với kế hoạch kinh doanh của Đức cũng trợ giúp để mở rộng quy mô. "Chúng tôi đang triển khai mở rộng nhà xưởng và đầu tư thêm máy móc", "cộng sự" Thạnh cho biết.

Sản phẩm tinh bột nghệ của Đức.

Lúc nào Đức cũng bận rộn với...nghệ, tay lấm vàng và say sưa kể về giống nông sản này. Ngoài tạo công ăn việc làm cho lao động tại cơ sở sản xuất, Đức còn mở ra thu nhập ổn định cho bà con nông dân chính quê hương mình. "Tôi chưa từng hối hận khi bỏ nghề dạy học để đeo đuổi kinh doanh, làm trái nghề, khó khăn đó nhưng biết vận dụng, gắng học hỏi thì sẽ tìm thấy biện pháp", Đức chia sẻ bí quyết. Điều khiến bố mẹ Đức an tâm là con trai họ đã tự nỗ lực bằng chính ý chí của mình. Tết 2016 này, gia đình Đức đón xuân trong ngôi nhà mới rất khang trang từ số tiền Đức kinh doanh được mấy năm qua.

"Hãy bứt phá, đừng lệ thuộc vào quan niệm phải vào cơ quan nhà nước hay công ty này nọ để yên ổn", Đức muốn chia sẻ đến những bạn trẻ đang loay hoay tìm việc. Chắc chắn hành trình gian nan nhưng gặt hái nhiều kết quả của Đức sẽ để lại cho nhiều người trẻ bài học quý giá về tinh thần vươn lên khởi nghiệp, dám nghĩ dám làm như thế.

Bảo Hà

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_144132_tu-kho-i-nghie-p-2-.aspx